Trong đó, việc thực hiện cải tạo, chỉnh trang các biệt thự Pháp cổ tại các quận trung tâm được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh một di sản kiến trúc đặc sắc riêng có của Hà Nội đang dần mai một.
Điểm sáng từ dự án đầu tiên
Hà Nội trong thời kỳ thuộc địa Pháp, các công trình kiến trúc đã được xây dựng với số lượng lớn và đa dạng về phong cách, hình thành quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị ở Hà Nội. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động lịch sử và xã hội, quỹ di sản kiến trúc đó đã hao hụt một phần.
Đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây, dưới áp lực của quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát tốt, cùng với tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, tốc độ biến mất hoặc hư hại, xuống cấp của các công trình kiến trúc Pháp trở nên nhanh hơn. Để giữ gìn vốn quý, việc tập trung công tác rà soát, cải tạo, chỉnh trang và bảo tồn các công trình này là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Vào cuối năm 2021, khi UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Paris (Cộng hoà Pháp) tổ chức trưng bày Dự án bảo tồn biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo – 46 phố Hàng Bài trong chính khuôn viên của biệt thự đã nhận được sự tán thành của giới chuyên môn và người dân Hà Nội. Sự kiện đã được kỳ vọng không chỉ giúp hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp có giá trị mà còn là dự án trùng tu kiểu mẫu cho loại công trình này tại Thủ đô.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Đây là dự án TP Hà Nội cùng với Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Thủ đô Paris lựa chọn đề trùng tu một biệt thự mẫu đặt ra từ năm 2014 và quận Hoàn Kiếm được TP giao là đơn vị thực hiện dự án. Cải tạo biệt thự tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài là một trong những dự án đầu tiên TP Hà Nội chính thức thực hiện đối với việc bảo tồn biệt thự trên địa bàn của TP. Việc triển khai phục dựng một công trình có giá trị kiến trúc cao đã xuống cấp nghiêm trọng sẽ là bài học kinh nghiệm cho việc tu bổ và bảo tồn biệt thự tại Hà Nội trong thời gian tới”.
Sớm có cơ chế về vốn
Hiện nay, biệt thự Pháp tại Hà Nội đang được phân thành hai loại sở hữu là Nhà nước quản lý (các công thự, dinh thự, trụ sở cơ quan, tổ chức quốc tế, ngoại giao, nhà riêng các đại sứ quán) và biệt thự do tư nhân quản lý.
Bên cạnh một số biệt thự công được quản lý, bảo tồn khá tốt thì quỹ nhà biệt thự do tư nhân quản lý việc tu bổ, bảo tồn lại đang rất khó khăn vì việc phân bổ các diện tích sử dụng chung trong một số nhà rất phức tạp, sở hữu chưa thống nhất mà vẫn còn diện tích công – tư xen kẽ. Do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng biệt thự nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để bảo trì, cải tạo sửa chữa rất khó, các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước.
Hiện nguồn tài chính phục vụ cho việc cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn loại công trình biệt thự Pháp không nằm trong quy định về đầu tư công, ngoài đầu tư công hay đấu giá, đấu thầu mà chỉ là cơ chế chỉnh trang, bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị công trình. Do đó, việc quan trọng là Hà Nội cần sớm xây dựng cơ chế về vốn để thực hiện cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn loại công trình này.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình 03 vào cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu Sở KH&ĐT khẩn trương ngay trong đầu năm 2022 cần phải xây dựng xong cơ chế về nguồn vốn đầu tư để thực hiện cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, tôn tạo các biệt thự, công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.
Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, đến nay đã thực hiện xong khảo sát, lập danh mục và kế hoạch cải tạo, chỉnh trang 32 nhà biệt thự do TP quản lý và danh mục 50 biệt thự do các cơ quan Trung ương quản lý để cải tạo, chỉnh trang trong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, Sở cũng lập kế hoạch khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ 1.219 biệt thự và lập danh sách các biệt thự đã xuống cấp, nguy hiểm cần kiểm định chất lượng công trình và kế hoạch lập hồ sơ, tài liệu lưu trữ, thiết lập hồ sơ 3D các nhà biệt thự nhóm 1.
Hà Nội là đô thị sở hữu di sản, gồm khu phố cổ, khu phố thời Pháp thuộc... Cái đẹp của Hà Nội chính trong sự nhuần nhị, hòa quyện giữa khu phố tây và ta, hài hòa với nền cảnh quan thiên nhiên. Di sản trong các đô thị giống như các sinh thể, có đời sống riêng. Vì vậy chúng ta nên ứng xử đúng đắn với các di sản này. Việc cải tạo, tu bổ biệt thự cổ thành những địa chỉ giao lưu văn hóa của Thủ đô, với nhiều hoạt động quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội là điều đáng làm - TS.KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia