Lựa chọn mô hình phù hợp
Thủ đô Hà Nội xếp thứ 31 trong danh sách những TP đông dân nhất trên thế giới. Việc phát triển hạ tầng GTCC với mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng 40% tổng nhu cầu đi lại của người dân sẽ là một thách thức không nhỏ. Để làm được điều này, Hà Nội đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng GTCC. Cùng với đó, là việc lên kế hoạch nhằm đổi mới hệ thống thẻ vé cho hành khách. Trong số các công nghệ thẻ thông minh hiện đang được áp dụng phổ biến trên thế giới gồm Calipso, FeliCa, Mifare và ISO 14443 thì hệ thống thẻ thông minh không tiếp xúc ISO 14443 được xem là phù hợp nhất trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Đây cũng là công nghệ thẻ vé đang được áp dụng rộng rãi tại 75% số quốc gia có hệ thống GTCC phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ này, cũng như kiểm soát được vấn đề chi phí cho sản xuất và vận hành.
TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Tin học và tính toán (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) bày tỏ quan điểm, vấn đề chi phí đầu tư rất quan trọng, vì nếu lựa chọn được công nghệ tốt nhưng thiếu kinh phí thực hiện thì cũng không để làm gì. Tuy nhiên, vấn đề cần được quan tâm hơn là việc lựa chọn được một giải pháp tối ưu trong tương lai, đồng thời có thể áp dụng cho nhiều địa phương trong cả nước (chứ không riêng tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh). TS Quang cho biết thêm, bất cứ công nghệ thẻ vé nào trong nhóm 3 giải pháp nêu trên cũng đều có những ưu, nhược điểm riêng. Việc lựa chọn một công nghệ phù hợp làm nền tảng cho sự phát triển về sau là cần thiết, nhưng cũng cần xem xét cả những yếu tố tương thích với điều kiện Việt Nam trong số các giải pháp còn lại để áp dụng.
Sắp tới sẽ áp dụng thẻ điện tử đối với hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Trong ảnh: Hành khách đi xe buýt tại trạm trung chuyển Cầu Giấy. Ảnh: Linh Anh.
Sẽ có trung tâm quản lý giao thông chung
Việc xây dựng hệ thống thẻ vé thông minh sẽ góp phần hiện đại hóa hệ thống GTCC Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong tương lai. Thực tế, đây cũng là hướng phát triển chung của tất cả các đô thị trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề được không ít người quan tâm là làm thế nào để người dân được hưởng trọn vẹn những tiện ích từ việc áp dụng công nghệ này trong quá trình tham gia giao thông.
Theo ông Ngô Anh Văn - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), nếu mỗi lần đi xe, người dân lại phải mua một vé tàu xe khác nhau thì quá bất tiện. Nên chăng các đơn vị quản lý cần tính toán để thiết kế một loại vé chung, có thể đi lại trên tất cả các tuyến, giống như vé tháng cho hành khách đi xe buýt hiện nay. Xung quanh vấn đề hiện nay các dự án hạ tầng giao thông do quá nhiều đơn vị đầu tư, quản lý (chủ yếu từ nguồn vốn ODA) nên việc "liên thông" sẽ gặp nhiều khó khăn, ông Văn kiến nghị, cần thiết lập một trung tâm quản lý hạ tầng chung. Theo đó, ý tưởng là trung tâm này sẽ kiểm soát việc di chuyển của hành khách, sau đó tổng hợp và tiến hành chi trả cho từng đơn vị vận tải riêng rẽ.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nếu hành khách đi tuyến nào trả tiền tuyến đó thì Sở… quá nhàn, bởi khi đó Sở chỉ phải quản lý chung các đầu mối. Mục tiêu của ngành GTCC trong dài hạn là phải làm thế nào kết nối được tất cả các dịch vụ quá cảnh, vận tải… Theo đó, ý tưởng xây dựng một trung tâm quản lý GTCC và thiết lập hệ thống giá vé thẻ chung cho từng loại hình vận tải là cần thiết. Một "trung tâm thanh toán bù trừ" như vậy cũng cần thỏa mãn một số tiêu chí chung để dễ dàng áp dụng cho cả nước. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện Sở GTVT đang đẩy nhanh tiến độ và sẽ sớm hoàn thiện khung chính sách (về giá cả và công nghệ thẻ vé), làm cơ sở tham mưu cho UBND TP Hà Nội trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp cho các dự án metro của Hà Nội cũng như các đô thị khác, tiến tới hiện đại hóa dần hệ thống GTCC cả nước.