Quy định đóng thuế thu nhập cá nhân

Sớm điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, thông tin về việc tăng lương cơ sở đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, lương tăng cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ tăng theo.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng nên có phương án điều chỉnh mức thuế TNCN theo lương cơ sở để phù hợp hơn với thực tế.

Lương không đủ chi vẫn phải đóng thuế

Sau hơn 3 năm chờ đợi, từ ngày 1/7, tiền lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được tăng 20,8%, từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đợt tăng lương cơ sở lần này đã được tính toán trong kế hoạch, chương trình dài hạn của Chính phủ, bởi trên thực tế, mức thu nhập của các cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước thấp hơn so với người làm việc khối DN.

Tăng lương cơ sở cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng theo. Ảnh: Hải Linh
Tăng lương cơ sở cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng theo. Ảnh: Hải Linh

Đối với người làm công ăn lương, nhận được tin tăng lương là niềm vui rất lớn. Tuy nhiên, với chi phí sinh hoạt leo thang như hiện nay cũng không thấm vào đâu. Đi kèm với việc tăng lương, nhiều khoản chi phí khác cũng “té nước” tăng theo như thực phẩm, dịch vụ, điện, nước… Đặc biệt, lương tăng đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải đối diện với tình trạng số thuế TNCN phải nộp sẽ tăng theo. Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính thuế TNCN hiện nay có phần không phù hợp với hoàn cảnh người lao động và thị trường.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, đang làm giáo viên trên địa bàn quận Hà Đông, với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị cho biết, với mức lương của vợ chồng chị hiện nay khoảng 20 triệu đồng/tháng chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà, nuôi con ăn học, sinh hoạt hàng ngày… nên gần như chưa có khoản tích cóp nào.

“Từ ngày 1/7, tôi được tăng thêm hơn 1 triệu tiền lương. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận tin tăng lương thì tôi cũng nhận tin buồn là bắt đầu phải đóng thuế TNCN, vì tổng thu nhập đã vượt 11 triệu đồng/tháng. Với cách tính thế này, không biết những người làm công ăn lương như chúng tôi tới bao giờ mới có phần dư để mua nhà” – chị Ngọc Anh than thở.

Cũng trăn trở về lương và thuế, chị Nguyễn Thị Mai Chang ở Bắc Từ Liêm cho rằng, mức lương của công chức, viên chức vốn đã rất ít ỏi, chỉ đủ trang trải sinh hoạt cơ bản của gia đình. “Tôi hy vọng thuế TNCN có thể điều chỉnh ở mức hợp lý hơn, khi tăng lương thì mức thu nhập chịu thuế phải được tăng theo, có như vậy niềm vui tăng lương mới trọn vẹn” – chị Chang kiến nghị.

Nhiều quy định đã lỗi thời

Trên thực tế, tại Việt Nam, Luật Thuế TNCN được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần. Trong khi đó, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần.

 

Cần rà soát lại những cơ chế, chính sách liên quan đến thu nhập của người hưởng lương cho phù hợp, đồng bộ, để việc tăng lương thực sự ý nghĩa. Nếu cứ tăng chỗ này lại thu chỗ kia thì chính sách sẽ bất nhất, thiếu đồng bộ, không hợp lý.
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, TS Bùi Đức Thụ

Nói về bất cập giữa việc tăng lương và quy định đóng thuế TNCN, luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS cho rằng, hiện nay nhiều quy định về thuế TNCN đã lỗi thời. Theo quy định, các bậc thuế trong biểu thuế TNCN quá dày, sát nhau nên khi lương tăng thêm vài trăm nghìn đồng thì người làm công ăn lương sẽ ngay lập tức phải đóng thuế tăng lên. Thậm chí, có những người trước đây chưa phải nộp thuế nhưng khi tăng lương lại phải nộp thuế NTCN, có những người lại bị nhảy bậc đóng thuế từ thấp lên cao.

Chia sẻ thêm về những điểm bất cập của Luật Thuế TNCN, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) chỉ ra, ngưỡng phải nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng chung cho mọi cá nhân sống ở những vùng miền khác nhau đang bị cào bằng. Người lao động sống ở khu vực đô thị có chi phí sinh hoạt đắt đỏ, sau khi trừ thuế, trừ đi các chi phí sinh hoạt tối thiểu, số tiền còn lại ít hơn nhiều so với người lao động có cùng mức thu nhập nhưng sống ở nông thôn, miền núi hoặc các đô thị khác có chi phí sinh hoạt rẻ hơn.

Cùng với đó, biểu thuế lũy tiến từng phần 7 bậc, cách nhau 5% mỗi bậc cũng khiến người sử dụng lao động mất đi lợi thế sử dụng tiền lương để khuyến khích người lao động làm việc. Một cá nhân được giao thêm việc để tăng thu nhập nhưng lương tăng cũng đồng nghĩa với việc họ phải chuyển sang nộp thuế ở bậc thuế suất cao hơn. Người lao động sau khi trừ thuế nhận về số tiền không tương xứng với trách nhiệm và khối lượng công việc được giao, triệt tiêu động lực phấn đấu tăng thu nhập của người lao động.

Trên thực tế, từ đầu năm 2023 Bộ Tư pháp cũng đã thông tin kết quả rà soát của các bộ, ngành cho thấy Luật Thuế TNCN có 22 điều cần phải sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào thu nhập chịu thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh. Đặc biệt, từ 1/7/2023, lương cơ sở đã tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng cao, thì thuế TNCN càng bộc lộ nhiều bất cập.

Cần tính đến mức sống trung bình của xã hội

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, cùng với mức tăng trưởng của nền kinh tế và mức thu nhập đầu người tăng lên, mức sống của người dân cũng ngày một nâng cao. Vì thế, mức giảm trừ gia cảnh cần tính đến mức sống trung bình của xã hội, để từ đó tính toán mức trừ cho phù hợp.

Mặt khác, cần bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 - 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%. Khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 15 – 20 triệu đồng, mức 10% cho phần thu nhập chịu thuế từ 20 - 40 triệu đồng.

PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, Luật Thuế TNCN đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế lạc hậu. Nếu chờ lộ trình đến năm 2025 mới sửa Luật Thuế TNCN là quá chậm trễ. Tình hình đã thay đổi rất nhiều, Luật Thuế TNCN hiện nay chưa phản ánh được thực trạng cuộc sống. Cần điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế TNCN, phải nâng lên khi tăng lương, rồi số bậc thuế nên thu gọn lại…

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Quốc Hưng thừa nhận, thực tiễn luôn luôn biến đổi và luật pháp về thuế nói chung, thuế TNCN nói riêng cũng cần thay đổi cho phù hợp. Bộ Tài chính cũng xuất phát từ thực tiễn luôn tiến hành rà soát, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và từ điều kiện, tình hình thực tế chính sách thuế TNCN hiện nay để nghiên cứu sửa đổi các quy định về thuế TNCN.

Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, thuế TNCN là một trong những nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Ở các quốc gia khác, tỷ lệ thuế TNCN vào ngân sách Nhà nước là khá cao, trong khi ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8% sau thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN và tiêu thụ đặc biệt. Xu hướng mục tiêu của các chính sách mới về thuế, đặc biệt là với thuế TNCN bên cạnh bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước thì còn tái phân phối thu nhập, giảm các hành vi trốn, tránh thuế để đảm bảo công bằng xã hội.

 

Mục tiêu chính sách mới về thuế TNCN sẽ tập trung vào các vấn đề như ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; các mức thuế suất lũy tiến từng phần và mức độ giãn cách giữa các mức thuế; chính sách ưu đãi đối với nhân lực trình độ cao… Về nguyên tắc, đã là thuế TNCN thì bất kể một phát sinh thu nhập nào cũng phải chịu thuế. Chúng ta có thể phải tính toán tới việc thiết kế lại các mức thuế suất lũy tiến để bảo đảm rằng hệ thống thuế TNCN nói riêng và hệ thống thuế nói chung sẽ minh bạch hóa được thu nhập trong toàn xã hội để phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội chung.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Quốc Hưng