Đây là khẳng định của Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên diễn ra sáng 15/8.
Điều chỉnh môn tích hợp cấp THCS
Trước kiến nghị của giáo viên về việc thực hiện giảng dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trong chương trình GDPT 2018 còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc triển khai tích hợp liên môn là một điểm mới trong Chương trình GDPT 2018. Khi thiết kế chương trình Bộ GD&ĐT đã tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, mục tiêu là phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Song khi triển khai thực tế vẫn gặp rất nhiều điểm vướng mắc. Khó khăn nhất là việc triển khai các môn tích hợp.
"Từ việc kiểm tra, thu thập ý kiến chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giáo viên tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy đây là điểm nghẽn, điểm khó. Đã có một số giáo viên có thể dạy được tất cả các học phần trong môn tích hợp, nhưng đa số vẫn dạy theo các môn riêng biệt. Nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dù việc tập huấn giáo viên đã được triển khai nhưng vẫn gặp những khó khăn lớn.
Căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy học các môn tích hợp bậc THCS. Chúng ta vẫn kiên trì việc dạy tích hợp ở bậc tiểu học vì đã làm tốt từ trước tới nay, nhưng riêng bậc THCS, Bộ sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Để giáo viên yên tâm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định việc điều chỉnh này không ảnh hưởng tới việc sử dụng đội ngũ giáo viên, chuẩn bị năng lực giáo viên đã thực hiện gian qua cũng như mục đích đầu ra của sự đổi mới.
Quý 4/2023, dự kiến công bố phương án thi tốt nhiệp THPT 2025
Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng cho hay, dự kiến quý 4/2023, phương án thi sẽ được công bố.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã thông tin về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhằm lấy ý kiến rộng rãi người dân với nhiều điểm mới.
Về môn thi, hình thức thi, Bộ GD&ĐT tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử đối với giáo dục phổ thông (GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử đối với giáo dục thường xuyên (GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Thí sinh học chương trình chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Về nội dung thi, dự thảo của Bộ GD&ĐT quy định, các câu hỏi sẽ vẫn nằm trong chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT.
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng trên các nguyên tắc kế thừa, phát huy kết quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn trước.
Giai đoạn 2025- 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả CNTT, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau năm 2030, sẽ phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.