Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm đưa TP Hà Nội chuyển sang trạng thái bình thường mới

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 101/KH-UBND (ngày 31/3) về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Du khách trên các tuyến phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh minh hoạ: Trung Thành.
Du khách trên các tuyến phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh minh hoạ: Trung Thành.

Mục đích của kế hoạch là bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cải  thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, nhanh chóng đưa TP chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đồng thời, bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân, hạn chế mức thấp nhất  các ca tử  vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác.

UBND TP Hà Nội xác định những nội dung cần khắc phục là sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch; thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Năng lực của hệ  thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng nhiều tới đời sống người dân, có lúc gây bức xúc cho người dân. Công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch của TP có lúc còn chưa kịp thời.

Để khắc phục những hạn chế trên, UBND TP chỉ rõ cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong phòng, chống dịch. Trong đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện đi đôi với đảm bảo nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ…

Về nâng cao năng lực của hệ thống, cần tăng cường đầu tư công cho lĩnh vực y tế; tăng cường hoạt động xã hội hoá cho công tác y tế; thực hiện các chế độ đãi ngộ, chính sách đối với ngành y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Kế hoạch cũng nêu rõ, mặc dù ngành Y tế trong thời gian qua đã hết sức quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên cũng bộc lộ ra nhiều hạn chế của ngành, nếu như không được giải quyết sớm có thể gây ra tình trạng quá tải, đổ vỡ hệ thống khi gặp phải tình trạng tương tự hoặc nguy hiểm hơn.

Vì vậy, cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ cho người tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Về các nhiệm vụ, giải pháp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và triển khai các phương án chủ động bám sát, nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tâm lý xã hội để người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch.

Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ về đảm bảo an sinh xã hội; bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của Nhân dân.