Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm giải “cơn khát” nhà ở cho công nhân

Trần Oanh - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu về nhà ở của công nhân đang rất cao nhưng khoảng 80 - 90% người lao động phải thuê trọ ở khu dân cư trong điều kiện ẩm thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động, sinh hoạt lâu dài.

Đó là thực trạng đáng lo ngại được các chuyên gia chỉ ra tại buổi Toạ đàm “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân” do Báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức chiều 27/4.

Nhu cầu nhà ở đang tăng cao

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư. Với thu nhập của công nhân di cư, để mua được nhà ở là rất khó khăn, chỉ có số ít mua được nhà ở xã hội, còn khoảng 80 - 90% công nhân phải thuê trọ tại khu dân cư.

Kết quả điều tra tại 16 tỉnh, TP trên cả nước cho thấy, có tới 41% công nhân trong các DN mong muốn có nhà ở phù hợp, giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo sinh sống.

Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, Hà Nội đang có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN đã và đang được triển khai xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; bao gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh đáp ứng được khoảng 11.520 chỗ ở cho công nhân lao động tại KCN Thăng Long (đến nay, công nhân đã thuê 10.552 chỗ ở chiếm khoảng 92%).

 

Trong lúc chờ đợi các mô hình hay, nhà cao, đẹp, thiết kế cho công nhân thì hãy đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống của người lao động đang thuê tại các khu trọ; hạ tầng điện, đường; vệ sinh môi trường. Hai là, tính toán hỗ trợ cho công nhân; hỗ trợ các chủ đầu tư có nhà cho thuê, nhà ở xã hội phải gần KCN; cơ cấu xây dựng nhà phải phù hợp với lối sống, thu nhập, gắn với đặc điểm của công nhân.

Viện trưởng Viện công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến

Dự án khu nhà ở công nhân KCN Phú Nghĩa đã hoàn thiện tòa nhà B với tổng diện tích sàn là 4.822m2 tương ứng 106 phòng đáp ứng cho khoảng 800 lao động; Dự án Khu nhà ở công nhân Công ty Meiko đã xây dựng xong 2/3 đơn nguyên, đưa vào sử dụng là 330 căn hộ đáp ứng 2.290 chỗ ở, đạt tỷ lệ lấp đầy 69%; Dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng 49 căn hộ phục vụ cho nhu cầu nhà ở của chuyên gia và công nhân của Công ty...

Hà Nội có tổng số gần 170.000 công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được gần 22.000 chỗ ở cho công nhân (chiếm gần 13%), chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động.

Không có điều kiện ở tốt nhất, công nhân lao động phải thuê trọ trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, khả năng tái tạo sức lao động cũng như sự cống hiến cho công việc.

Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Văn Nghĩa chia sẻ: Từ thực tế khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về điều kiện ăn ở, sinh hoạt của công nhân cho thấy, nhiều công nhân phải ở trọ trong khu dân cư với những căn phòng được xây dựng tạm bợ, diện tích nhỏ chỉ 10 - 20m2, không có công trình phụ khép kín, nơi ngủ nóng bức, ẩm thấp, ảnh hưởng sức khỏe. Từ đó dẫn đến không tái tạo được sức lao động, năng suất tái lao động thấp.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, các nhu cầu khác về văn hóa, giải trí, học tập, khám chữa bệnh của người lao động cũng không được đáp ứng. Vì vậy, công nhân lao động mong muốn có được nhà ở xây độc lập để họ có không gian riêng cho giải trí, nghỉ ngơi để tạo động lực lớn cho người lao động yên tâm công tác.

Còn nhiều rào cản

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, ông Trần Anh Tuấn cho biết, tại Hà Nội đã triển khai một số chính sách phát triển nhà ở cho công nhân như: huy động nguồn vốn đầu tư triển khai các Dự án nhà ở cho công nhân lao động từ các nguồn khác nhau (Ngân sách TP, vốn vay ưu đãi, vốn của DN kinh doanh bất động sản, vốn của DN sử dụng lao động...); Tìm kiếm, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN, cụm công nghiệp - đặc biệt là các KCN, cụm công nghiệp chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động.

TP, UBND các huyện tiếp tục rà soát, bố trí, quy hoạch, sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với các KCN đang xây dựng hoặc còn đất trống thì cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết chuyển một phần đất công nghiệp sang làm nhà ở công nhân...

Nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, hiện Hà Nội còn một số khó khăn trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội như khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn. Các KCN - chủ yếu là các KCN cũ hầu hết chưa được quy hoạch quỹ đất phục vụ việc xây dựng nhà ở cho công nhân; các dự án chủ yếu có tính chất là các công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa rõ để thực hiện trách nhiệm với các công trình xã hội - phúc lợi - công cộng.

Về nguồn vốn, hiện vốn của DN, vốn vay, vốn ngân sách phục vụ chương trình phát triển nhà ở cho công nhân còn hạn hẹp, khó tiếp cận và chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các chính sách ưu đãi về vốn theo quy định của pháp luật hiện nay chưa đủ khuyến khích các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, đồng thời các dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài từ 20 - 30 năm. Vì vậy việc xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở công nhân còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó là khó khăn về cơ chế chính sách, đến nay chưa có cơ chế phân cấp quản lý và đầu tư cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị về quản lý đầu tư xây dựng các dự án nhà ở công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp.

Trước những rào cản trong xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, ông Vũ Minh Tiến cho rằng, để tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc nêu trên cần thay đổi nhận thức, thái độ, chuyển thành thay đổi hành vi của các cấp chính quyền, các cán bộ; công nhân lao động.

Đồng thời, hoàn thiện chính sách quản lý, chính sách với nhà đầu tư, với người lao động thu nhập thấp (cho vay, trả góp…). Chính sách gắn với pháp chế - công khai - minh bạch - sự tham gia (tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát của chủ đầu tư, người mua nhà, Nhà nước, khuyến khích sự tham gia của tổ chức xã hội).

 

Nhà ở cho người lao động cũng là vấn đề các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rất quan tâm thực hiện. Điển hình ở Singapore là quốc gia thành công về chính sách nhà ở cho người dân, nổi bật với 80% dân số trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ - một con số vô cùng ấn tượng mà có lẽ ít quốc gia nào hiện nay có thể thực hiện được. Cung cấp nhà ở giá rẻ cho người dân là một trong những cơ sở giúp Singapore có thể đảm bảo phúc lợi cho người dân mà không cần xây dựng hệ thống hưu trí được tài trợ bởi tiền thuế như các nước khác.

Chủ tịch Quỹ AFV Tạ Việt Anh