Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm giãn dân để bảo tồn di tích Cổ Loa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Kinh tế & Đô thị đăng bài: "Nhiều đoạn thành di tích Cổ Loa bị xâm hại", Ban Quản lý di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã phản hồi về vấn đề này.

 Di tích Cổ Loa bị xâm chiếm, trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: PGS Nguyễn Văn Huy

Vi phạm nhưng khó xử lý
Ông Hoàng Công Huy – Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa cho biết, hiện nay, di tích thành, hào tại khu di tích Cổ Loa đang bị người dân xâm lấn, xây dựng các công trình dân sinh. Từ nhiều đời nay, người dân đã sinh sống trên thành, hào và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Việc này cũng có mặt tích cực, người dân sẽ trồng cây, bảo vệ thành. Trước đây, người dân ở Cổ Loa trồng cây mít, trám, chè, phía dưới trồng dứa bảo vệ đất rất tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, vì bài toán kinh tế, người dân trồng cây ngắn ngày, đào hố, canh tác nên xảy ra tình trạng xói mòn” - ông Huy nói.
Theo đại diện Ban Quản lý di tích Cổ Loa, chính quyền địa phương giao đất cho dân canh tác nhưng chưa có kế hoạch về cây trồng nên đất bị đào xới. Huyện Đông Anh và xã Cổ Loa đã họp nhiều lần, song vẫn chưa đưa ra được quy hoạch về cây trồng.
Điều cần thiết bây giờ là sớm giãn dân, di dời các hộ dân sống trên mặt thành và hào đến nơi tái định cư để tránh những tác động của người dân tới di tích. Nếu không khẩn trương thực hiện việc này, nguy cơ biến mất của các đoạn thành sẽ tiếp tục xảy ra. 
Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa Hoàng Công Huy
Bên cạnh đó, ông Hoàng Công Huy cũng chỉ ra một vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là tình trạng người dân đổ phế liệu gây ô nhiễm môi trường, xâm hại trực tiếp đến di tích. Tuy nhiên, hành vi đổ trộm rác thải ra các vòng thành, hào rất khó xử lý do sự việc thường xuyên diễn ra vào ban đêm. Sau khi phát hiện, Ban Quản lý đã thông báo với chính quyền địa phương.
Đến nay, Ban Quản lý phối hợp với chính quyền xã, công an tổ chức tuần tra để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này. Trước mắt, Ban xử lý rác bằng cách san lấp đất, nhưng chưa thể di chuyển toàn bộ rác thải đi vì số lượng lớn.
Liên quan đến công trình xây dựng thành, hào, trong năm 2017, Ban Quản lý di tích Cổ Loa đã phát hiện 25 trường hợp xây dựng vi phạm. Ở một số địa điểm có công trình xây dựng xâm phạm thành, hào người dân đã có sổ đỏ, rất khó xử lý. Chiểu theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng thì người dân không sai, nhưng theo quy định của Luật Di sản thì có vi phạm.
“Những trường hợp như vậy, chúng tôi tuyên truyền để người dân xây thấp, báo cáo chính quyền xã cưỡng chế không phá vỡ cảnh quan di tích” – một đại diện Ban Quản lý di tích Cổ Loa cho hay. Ngoài ra, từ năm 2008, Ban Quản lý Di tích Cổ Loa đã phối hợp với UBND xã thành lập đội kiểm tra tuyên truyền về di tích nhưng chức năng của Ban chỉ là phối hợp về mặt chuyên môn, có vi phạm sẽ phát hiện, báo cáo đề nghị các cấp chính quyền xử lý.
Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu giá trị di sản
Di tích Cổ Loa rộng hơn 800ha. Ban Quản lý di tích Cổ Loa hiện nay chỉ quản lý một số công trình kiến trúc như Đền thờ An Dương Vương, Giếng Ngọc, Am Mỵ Châu, khu vực làm việc của Ban và trường cấp THCS Cổ Loa cũ – nằm trong dự án quy hoạch bảo tàng, còn tất cả các loại hình di tích khác gồm cả thành, hào do chính quyền địa phương quản lý.
Do vậy, để xử lý được triệt để tình trạng xâm hại di tích, ông Hoàng Công Huy cho rằng, phải xây dựng được quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý. “UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1004 phê duyệt kế hoạch quản lý khu di tích Cổ Loa.
Trong kế hoạch, đầu tiên là xây dựng được quy chế phối hợp. Ban Quản lý Di tích Cổ Loa đang đẩy nhanh tiến độ, xin ý kiến các cấp chính quyền, TP Hà Nội để đưa vào quy chế” - ông Huy nói và cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị di sản, tìm giải pháp để họ có thể sống hài hòa cùng với di tích, phát triển du lịch, nâng cao đời sống kinh tế. Khi đó, người dân sẽ tự có ý thức bảo vệ di tích.