Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm gỡ vướng mắc để đẩy nhanh di dời cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô Hà Nội

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho TP Hà Nội xây dựng biện pháp lộ trình di dời, sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, đơn vị trong nội thành. Ngay sau đó, UBND TP đã có quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời, tổ công tác giúp việc. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, sự thay đổi về cơ chế, thiếu nguồn vốn triển khai đang khiến công tác di dời diễn ra rất chậm.

Triển khai ì ạch
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, 8 sở, ngành của TP đã di dời trụ sở làm việc trong nội đô sang khu liên cơ quan Võ Chí Công (quận Tây Hồ). Nhưng trong số 9 bộ, ngành, cơ quan T.Ư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới chỉ một bộ bàn giao lại trụ sở cũ; Trong 4 quận lõi trung tâm có 26 trường thì chỉ duy nhất trường Đại học Y tế cộng đồng thực hiện di dời.
Đối với cơ sở gây ô nhiễm, năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng đến nay cũng chỉ di dời được gần 70 cơ sở sản xuất.
Rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn cố duy trì hoạt động sản xuất, như: Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Bia Đông Nam Á, Nhà máy sản xuất bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, Nhà máy Bia Hà Nội, và một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí như Nhà máy Thuốc lá Thăng Long... đang gây ra bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung Thủ đô.
Sự cố tại Công ty Rạng Đông cảnh báo nguy cơ về việc chậm di dời cơ sở công nghiệp trong nội thành Hà Nội.
Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp cơ sở y tế, cơ quan đơn vị hành chính ra khỏi khu vực nội đô nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm Hà Nội.
Đây được xem là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng thời gian qua nhiều cơ sở mặc dù nằm trong danh sách buộc phải di dời gấp nhưng vẫn chây ỳ chưa chịu thực hiện, do các cơ sở mong muốn có nhiều lợi ích hơn từ vị trí đắc địa của trụ sở cũ, bên cạnh đó cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội cũng chưa thực sự quyết liệt trong công tác này.
“TP Hà Nội cần một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất, vì thực tế để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn nên muốn di dời, Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, TP cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất” - ông Trần Ngọc Chính cho hay.
Cần thống nhất các văn bản pháp luật
Tại Báo cáo số 242/BC-UBND, tổng hợp trả lợi chất vấn kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, bất cập dẫn đến tiến độ xử lý, di dời chậm, khó khăn trong việc xác định tiêu chí, thẩm quyền để đảm bảo đúng đối tượng đưa vào danh mục đề xuất di dời.
Việc sắp xếp, di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư trên địa bàn TP thực hiện theo Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg, Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ còn một số điểm chưa thống nhất, điển hình như: Thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời theo Quyết định 130 là Thủ tướng Chính phủ, nhưng Nghị định 167 quy định Thủ tướng quyết định việc di dời do ô nhiễm môi trường và UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với di dời theo quy hoạch.
Chưa có chính sách cho tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch đất hoặc doanh nghiệp di dời được lựa chọn làm nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch; Nhiều cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch không thống nhất đưa vào danh mục di dời theo quy định của Luật Đất đai. Đến nay, danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời chưa được Bộ, ngành triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về giải pháp thực hiện, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan thống nhất tiêu chí cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; Bổ sung cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Cho ý kiến về tiêu chí để xác định cơ sở sản xuất công nghiệp (ngành nghề, quy mô, diện tích sản xuất...) theo quy định tại Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg; Đồng thời ban hành cơ chế di dời, như: Chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, liên doanh liên kết để thực hiện dự án tại nơi di dời... tạo cơ chế phù hợp cho các cơ sở di dời thực hiện, khi Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg đã hết hiệu lực thi hành.
“Việc chậm di dời, giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai. Nhiều đơn vị mặc dù đã được bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sỡ cũ vì còn trong thời hạn giao đất. Do đó, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù để sớm thu hồi đất sau khi các đơn vị di dời. Khi đó, những phân khu đô thị nội đô theo quy hoạch mới thêm yếu tố thuận lợi để giải quyết vấn đề như giãn dân, bổ sung đất cho phát triển hạ tầng” - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm nhìn nhận.
Nhìn vào thực tế, việc chậm di dời cơ sở công nghiệp, đơn vị hành chính đang gây ra nhiều áp lực về môi trường, hạ tầng cho khu vực nội đô. Điển hình như vụ cháy nhà máy của công ty Rạng Đông vào năm 2019, về lâu dài chắc chắn sẽ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn, vì vậy việc di dời là nhiệm vụ mang tính cấp thiết hiện nay.

“Việc di dời cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi khu vực nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng công trình công cộng, không gian xanh đang rất thiếu, đồng thời kéo theo khoảng 100.000 người di chuyển ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, thực tế triển khai không đơn giản, ngoài trách nhiệm của Hà Nội, cần vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao thì mới sớm đạt được kết quả”.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng

TP Hà Nội xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa (15 cơ sở), Ba Đình (2), Cầu Giấy (2); Hai Bà Trưng (18); Hoàn Kiếm (6), Hà Đông (28), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Xuân (9), Nam Từ Liêm (2), Hoàng Mai (11) và Long Biên (17). Nhưng đến thời điểm hiện tại mới di dời được 67 cơ sở.