Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm:

Sớm hiện thực hóa mục tiêu phân loại rác tại nguồn

Thạc sĩ Lê Thị Trà My - UBND phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thông qua dự án “Hợp tác quốc gia thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải tại Việt Nam”, phường Hàng Đào đã tổ chức thành công thí điểm Chương trình giảm rác thải nhựa giá trị thấp - tiến tới hiện thực hoá mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt được phân loại tại nguồn.

Cơ hội và thách thức

Những năm trở lại đây, Hà Nội đã không ngừng đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô nói chung và phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm nói riêng. Tuy nhiên, do lượng lớn du khách đến Thủ đô trong cùng một thời điểm đã khiến công tác quản lý môi trường ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Tổ công tác đến từng hộ tuyên truyền và hướng dẫn người dân phân loại rác. (Nguồn ảnh: UBND phường Hàng Đào)
Tổ công tác đến từng hộ tuyên truyền và hướng dẫn người dân phân loại rác. (Nguồn ảnh: UBND phường Hàng Đào)

Nói như vậy là bởi, để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp không khói, Hà Nội đã chọn tuyến Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường kéo dài phố Đồng Xuân - Hàng Giấy để mở rộng không gian Phố đi bộ và chợ Đêm vào 3 ngày cuối tuần (thứ 6, 7 và Chủ Nhật). Tại tuyến đường này, các gian hàng, hộ kinh doanh buôn bán hàng hoá tấp nập, kéo theo lượng rác thải sinh hoạt và rác thải nhiều hơn.

Hiện nay, các loại rác nhựa giá trị cao đã được công nhân môi trường, nhóm thu gom phi chính thức thu gom từ người dân và bán lại cho các cơ sở thu mua phế liệu. Tuy nhiên, đối với những loại rác nhựa giá trị thấp hầu hết chưa được thu mua do các loại rác này cồng kềnh, chi phí xử lý tốn kém, không có nhiều đơn vị thu mua, tái chế.

Phần lớn rác nhựa giá trị thấp như: túi ni lông, hộp xốp, ống hút, khẩu trang… được đưa đến bãi chôn lấp, hoặc trôi nổi ngoài môi trường biển, trong cộng đồng dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Bởi, trong mỗi túi rác của hộ gia đình lượng rác hữu cơ chiếm nhiều nhất khoảng 63%, tiếp đến rác nhựa chiếm khoảng 20% (trong đó, 15,4% rác nhựa giá trị thấp và 4,6% rác nhựa giá trị cao) và 17% các loại rác khác còn lại.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, bãi rác Nam Sơn luôn rơi vào tình trạng quá tải, gây sức ép lớn về chất lượng môi trường tại các khu dân cư. Ô nhiễm không khí vì mùi hôi thối của các xe rác sau nhiều ngày đắp bạt đứng yên đã ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Mặt khác, rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50 - 80% lượng rác thải biển gây nguy hiểm mạng sống của các sinh vật biển.

Cần nhân rộng mô hình

Như đã biết, nhằm cụ thể hoá Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, TP Hà Nội đã có Kế hoạch số 232/KH-UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Có thể thấy, kế hoạch hướng đến 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% sản phẩm nhựa khó phân huỷ từ tháng 11/2019.

Đồng thời, thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân huỷ sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; Tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân huỷ; giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn...

Có thể nói, đây chính là những mục tiêu thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam và trên thế giới.

Người dân phường Hàng Đào sử dụng túi thân thiện với môi trường để đựng rác nhựa giá trị thấp và rác hữu cơ dễ phân huỷ. (Nguồn ảnh: UBND phường Hàng Đào).
Người dân phường Hàng Đào sử dụng túi thân thiện với môi trường để đựng rác nhựa giá trị thấp và rác hữu cơ dễ phân huỷ. (Nguồn ảnh: UBND phường Hàng Đào).

Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) là phường thí điểm đầu tiên thử nghiệm Chương trình giảm rác thải nhựa giá trị thấp. Đây là mô hình trọng điểm của hợp tác công tư, Dự án “Hợp tác quốc gia thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Để thực hiện tốt dự án, phường Hàng Đào đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các tổ trưởng, hội viên, Nhân dân cùng tham gia thực hành phân loại rác thải nhựa giá trị thấp. Qua đó, cán bộ cơ sở hiểu rõ được giá trị và cách thức để vừa thực hành tại hộ gia đình, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho Nhân dân trong tổ.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 31/5 - 7/5/2021, hoạt động tuyên truyền cho các hộ dân trên phố về cách thức phân loại rác thải nhựa giá trị thấp được triển khai theo 3 hình thức: Trực tiếp, trực tuyến qua nhóm zalo và thông qua loa phát thanh phường. Đồng thời, thành lập nhiều nhóm zalo để trao đổi, chia sẻ, hướng dẫn các hộ dân thực hiện phân loại rác, thông báo đến hộ dân thời gian tuyên truyền, thu gom rác, chia sẻ khó khăn trong công tác thực hiện phân loại.

Nhờ đó, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/2021, các đơn vị có liên quan và UBND phường Hàng Đào đã hoàn thiện mô hình phân loại, thu gom rác thải nhựa giá trị thấp (phố Hàng Cân).

Cụ thể, phường đã hoàn thiện quy trình và hướng dẫn triển khai hoạt động tuyên truyền, phân loại, thu gom rác nhựa giá trị thấp; Huy động được 1.945 đối tượng bao gồm người dân, nhóm lãnh đạo cộng đồng, công nhân vệ sinh môi trường, tình nguyện viên thuộc phường tham gia vào hoạt động tuyên truyền, phân loại, thu gom rác nhựa giá trị thấp; thu gom được hơn 700kg rác nhựa giá trị thấp, tập kết tại Lâm Du, Long Biên, Hà Nội có thể tái chế thành những nguyên liệu nhựa dải đường.

Tiếp đó, việc phân loại rác thải tại hộ gia đình, phần lớn Nhân dân chia rác làm 3 túi gồm: Rác hữu cơ (dễ phân huỷ), bìa giấy, thùng cotton, vỏ lon bia, đồ tái chế được (rác nhựa giá trị cao) và bim bim, túi ni lông, vỏ mỳ tôm, hộp xốp (rác nhựa giá trị thấp). Rác thải sinh hoạt dễ phân huỷ được đổ theo giờ thu gom, rác thải nhựa giá trị cao đổi lấy quà tại số 8 Lê Thái Tổ. Rác nhựa giá trị thấp được xếp gọn, giao cho công nhân vệ sinh thu gom hàng ngày.

Đánh giá về chương trình, ông Tạ Quang Thắng, số 22 phố Hàng Ngang chia sẻ: "Địa bàn phường nhỏ, nhà tôi cũng không ngoại lệ, nhỏ lắm. Rác ngày nào đi đổ ngày đấy, đi chợ ngày nào về cũng có khoảng 10 túi ni lông to nhỏ đủ màu đựng rau, cà, cá, thịt... Tôi mong Nhà nước có chương trình hỗ trợ túi ni lông dễ phân huỷ cho Nhân dân để sử dụng, hoặc hỗ trợ đổi rác lấy túi phân huỷ. Có như vậy, các hộ gia đình khó khăn cũng sẽ đồng lòng hưởng ứng mà thực hiện việc giảm túi ni lông, giảm rác thải nhựa giá trị thấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần