Sớm hoàn thiện căn cứ để xác định mức thu học phí trường chất lượng cao tại Hà Nội
Kinhtedothi - Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội đề nghị các trường thực hiện theo mô hình giáo dục chất lượng cao (CLC) khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định, trình phê duyệt mức thu học phí năm học 2025 - 2026 và các năm học tiếp theo bảo đảm theo quy định.
Phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của thành phố
Để triển khai thi hành điều 12, Luật Thủ đô năm 2012, từ năm 2013 đến nay HĐND TP Hà Nội đã ban hành 7 Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính và học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, UBND TP cũng đã ban hành các văn bản quy định về các tiêu chí cụ thể áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC, xác định nhiệm vụ và chỉ tiêu xây dựng, phát triển trường CLC trên địa bàn Thủ đô.
Kết quả thực hiện qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện toàn thành phố có 22 trường mầm non, phổ thông được công nhận CLC, trong đó có 17 trường công lập, 5 trường ngoài công lập.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội khảo sát thực tế tại trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông cũ)
Hầu hết các trường CLC có cơ sở vật chất khang trang, đầu tư trang thiết bị phục vụ phương pháp giáo dục tiên tiến...; phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng đầy đủ và được trang bị thiết bị công nghệ tiên tiến. Hệ thống sân chơi, thư viện, phòng thể chất đạt chuẩn, đảm bảo điều kiện học tập và phát triển toàn diện cho học sinh. Các trường có quy mô lớp học cơ bản phù hợp, sĩ số ổn định, đáp ứng yêu cầu chương trình CLC (mầm non dưới 25 trẻ/lớp, tiểu học từ 25-30 HS/lớp, THCS, THPT dưới 45 HS/lớp).
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, nhiều trường có tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 95 - 100%. Phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới, tích cực, cá nhân hóa, học qua trải nghiệm, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh... Các cơ sở giáo dục CLC đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Chưa có cơ chế thu hút cơ sở giáo dục ngoài công lập
Cùng với những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế trong việc triển khai thực hiện mô hình CLC. Theo mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra xây và công nhận 20 trường chất lượng cao nhưng mới có 12 trường được công nhận (đạt 60% kế hoạch). Nhiều địa bàn chưa xây dựng được trường CLC theo kế hoạch; chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể khuyến khích, thu hút cơ sở giáo dục ngoài công lập đăng ký, xây dựng mô hình trường CLC.
Một số trường công lập CLC không duy trì được ưu thế, giảm sức hút, đặc biệt 7/7 trường mầm non CLC đều có tỷ lệ tuyển sinh qua các năm thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, sau khi được đầu tư ban đầu, đến nay một số trường công lập CLC cơ sở vật chất xuống cấp, không còn ưu thế nổi trội, thậm chí không đồng bộ, hiện đại so với một số trường công lập đại trà được đầu tư mới; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục tại các trường CLC đang bị ràng buộc bởi một số quy định áp dụng chung cho các trường công lập sử dụng ngân sách Nhà nước...

Đoàn giám sát ghi nhận, thời gian qua mô hình giáo dục chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội đã phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của thành phố
"Đây là một trong những nguyên nhân khiến các trường công lập CLC mất dần ưu thế vượt trội, sự khác biệt so với các cơ sở giáo dục đại trà, nhất là về cơ sở vật chất khi thời gian qua thành phố tập trung đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia đồng bộ, hiện đại" - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Nguyễn Thanh Bình chỉ rõ.
Từ những thực tế trên, đoàn giám sát kiến nghị UBND TP chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất Nghị quyết của HĐND TP thể chế hóa quy định tại điểm a, khoản 4, điều 22 Luật Thủ đô năm 2024 về cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trong đó quan tâm cơ chế đầu tư ban đầu, đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập CLC. Xem xét, quy định danh mục trang thiết bị đối với các trường công lập CLC.
Đồng thời, chỉ đạo rà soát hệ thống các trường CLC hiện nay, xem xét xây dựng đề án phát triển trường CLC trong thời gian tới, trong đó quan tâm bố trí, phát triển cụm trường chất lượng cao từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trên cùng một địa bàn, khu vực nhằm bảo đảm tính liên thông trong giáo dục, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Nghiên cứu, phân cấp, ủy quyền phù hợp đối với trường chất lượng cao khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thể chế hóa quy định tại khoản 5, điều 22 Luật Thủ đô 2024 về quy định tiêu chí, quy trình, thủ tục công nhận cơ sở giáo dục công lập CLC, trong đó quan tâm các tiêu chí cụ thể để xây dựng các cơ sở giáo dục CLC có ưu thế vượt trội, khác biệt, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Chỉ đạo nghiên cứu, ban hành cơ chế và giải pháp phù hợp để khuyến khích các trường ngoài công lập tham gia xây dựng và phát triển theo mô hình trường chất lượng cao của Luật Thủ đô năm 2024.
Đoàn giám sát đề nghị các trường thực hiện mô hình CLC thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng giáo dục tương xứng với mức thu học phí áp dụng; công bố công khai mức thu học phí đến toàn thể phụ huynh học sinh, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi trong việc quản lý và giám sát thu chi học phí.
Quan tâm đầu tư, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học… để thực hiện hiệu quả chương trình chất lượng cao của trường. Rà soát, bảo đảm tiêu chí trường CLC, tổ chức tự kiểm định và công bố kết quả tự kiểm định theo các tiêu chí cơ sở giáo dục chất lượng cao hàng năm; bảo đảm môi trường học tập thân thiện, an toàn, khuyến khích sự sáng tạo.
Khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định, trình phê duyệt mức thu học phí năm học 2025 - 2026 và các năm học tiếp theo bảo đảm theo quy định.
Trích dẫn
Thực hiện Chương trình công tác năm 2025, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội.
Đoàn giám sát đã xem xét báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, báo cáo của 22 trường mầm non, phổ thông thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao; đồng thời Đoàn đã giám sát, làm việc trực tiếp với UBND 5 quận (cũ) gồm: Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông; khảo sát và làm việc trực tiếp tại 15/22 cơ sở giáo dục chất lượng cao trên địa bàn.

Đại biểu Quốc hội: làm rõ việc áp dụng chính sách miễn học phí với mô hình giáo dục chất lượng cao
Kinhtedothi - Thực tế hiện nay tồn tại một số loại hình cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành thực nghiệm, tư thục..., đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo làm rõ quy định về hỗ trợ học phí với các loại hình giáo dục này.

Hà Nội: sẽ nghiên cứu để định hình rõ nét hơn mô hình giáo dục chất lượng cao
Kinhtedothi - Sáng 9/5, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội làm việc với một số trường mầm non chất lượng cao trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Cụ thể hoá Luật Thủ đô đối với tiêu chí mô hình giáo dục chất lượng cao
Kinhtedothi - Sáng 4/4, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội làm việc với quận Thanh Xuân về việc triển khai mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Thanh Xuân.