Hệ thống quan trắc môi trường tê liệt:

Sớm khắc phục để bảo đảm hiệu quả

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý và vận hành trên 30 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn TP để phục vụ nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí (CLKK) của người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc các trạm quan trắc liên tục gặp sự cố khiến mục tiêu của dự án không đạt được như kỳ vọng.

Chỉ có 9/35 trạm hoạt động

Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội tại thời điểm tháng 2/2020, TP đã có 35 trạm quan trắc không khí tự động được trải đều tại các khu vực trên địa bàn TP. Cụ thể, từ ngày 1/1/2017, Sở TN&MT đã quản lý vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động liên tục (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến) do Tập đoàn Vingroup tài trợ. Tháng 7/2019, tiếp nhận thêm dữ liệu của trạm quan trắc cố định tại Đại sứ quán Pháp (quan trắc chỉ tiêu bụi PM2.5). Tiếp đó, cuối tháng 5/2019, Sở TN&MT tiếp tục tiếp nhận 24 trạm quan trắc không khí tự động (cảm biến) do một DN Hàn Quốc tài trợ theo lời kêu gọi của UBND TP Hà Nội.

Cổng thông tin quan trắc môi trường không cập nhật được thông tin CLKK tại các trạm. Ảnh chụp màn hình tại thời điểm 10 giờ 20 ngày 9/3.
Cổng thông tin quan trắc môi trường không cập nhật được thông tin CLKK tại các trạm. Ảnh chụp màn hình tại thời điểm 10 giờ 20 ngày 9/3.

Theo kế hoạch, thông tin từ các trạm quan trắc sẽ được cập nhật thường xuyên và liên tục lên Cổng thông tin quan trắc môi trường tại địa chỉ https://moitruongthudo.vn để giúp người dân nắm bắt được CLKK tại nơi mình sinh sống, làm việc, từ đó có những điều chỉnh sinh hoạt cho phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe. Thực tế cho thấy, đây là việc làm hết sức cần thiết, khoa học và cần được nhân rộng trên toàn địa bàn TP. Song, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong suốt thời gian qua, hầu hết các trạm quan trắc không khí tự động đều không cập nhật được chỉ số trên website chính thức mà Sở TN&MT đã công bố.

Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, trong suốt thời gian qua, trong tổng số 35 trạm quan trắc không khí tự động chỉ có khoảng 9 trạm thường xuyên có kết quả chỉ số CLKK gồm: Thành Công, Hoàn Kiếm, Hàng Đậu, Kim Liên, Tân Mai, Tây Mỗ, Chi cục Bảo vệ môi trường, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng. Song, tất cả các trạm trên cũng như 26 trạm còn lại đều không cập nhật trực tiếp lên Cổng thông tin quan trắc môi trường - nơi những chỉ số CLKK được công khai để người dân nắm được. Trong khi đó, theo quy định, hàng ngày các trạm quan trắc của cứ 5 phút chuyển số liệu về trung tâm một lần và được công bố đầy đủ.

Điều đáng nói, tình trạng trên đã diễn ra từ cuối tháng 1 đến nay, không hiểu vì lý do gì, 9 trạm quan trắc CLKK hoạt động “có hiệu quả nhất” trên địa bàn TP hầu như đều không cập nhật được số liệu lên hệ thống. Điều đáng nói, tình trạng trên đã manh nha từ nhiều tháng trước đó nhưng không được khắc phục, xử lý kịp thời. Điều này đã và đang tạo ra những hệ lụy cả về mặt kinh tế cũng như cuộc sống của người dân.

Cần sớm khắc phục

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, việc Hà Nội xây dựng hệ thống quan trắc CLKK tự động là hết sức cần thiết để cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí, giúp người dân có những sự điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, do Hà Nội có diện tích lớn, nhiều yếu tố gây nên tình trạng ô nhiễm nên số lượng các trạm quan trắc CLKK cần được lắp đặt với mật độ dày hơn. Đồng thời, các đơn vị chức năng phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị để tránh đảm bảo việc hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả, tránh tình trạng thông tin sai, dẫn đến việc người dân không có sự đề phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đề cập đến việc các trạm quan trắc CLKK không cập nhật thông tin lên Cổng thông tin quan trắc môi trường (moitruongthudo.vn) trong thời gian qua, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, website nào cũng phải cập nhật thông tin, nếu website không cập nhật thông tin thường xuyên thì không có nghĩa gì.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, bà Đào Thị Anh Điệp - quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT) cho biết, đơn vị đang tiến hành kiểm tra nhằm khắc phục tình trạng hệ quan trắc môi trường không cập nhật thông tin lên Cổng thông tin quan trắc môi trường. Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề này tại thời điểm cuối năm 2021, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, hiện các trạm chưa cập nhận được thông tin chỉ số CLKK do đang trong giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Tuy nhiên, do các thiết bị của trạm phải nhập khẩu từ nước ngoài nên việc bảo dưỡng, sửa chữa bị chậm.

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, hiện hai TP lớn đã có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm đo quan trắc không khí để cảnh báo kịp thời hơn cho người dân. Cùng với đó, về dài hạn, kế hoạch hành động quốc gia về cải thiện CLKK đang được triển khai một cách toàn diện, từ hoàn thiện thể chế cho tới các biện pháp cụ thể giảm nguồn phát thải bụi mịn vào không khí. Đề cập tới các ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh, chỉ số trên các trang mạng (trang quốc tế) về CLKK chỉ mang tính chất tham khảo, người dân nên tìm thông tin chính thức trên website của TP Hà Nội (moitruongthudo.vn) hoặc của Tổng cục Môi trường (enviinfo.cem.gov.vn).

Song, với những gì đã và đang diễn ra, có thể nói website moitruongthudo.vn đã chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, đề nghị Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, khắc phục ngay những sự cố phát sinh để đảm bảo cuộc sống của người dân cũng như tính hiệu quả của dự án.

 

Theo Sở TN&MT Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2024, TP sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc không khí cố định nhằm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn TP. Sở sẽ tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ; 5 trạm quan trắc môi trường nước; 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định, 6 trạm quan trắc nước dưới đất để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần