Trong khi ngân hàng giới hạn nguồn vốn cho vay và tăng lãi suất là nguyên nhân trực tiếp đưa thị trường BĐS vào giai đoạn trầm lắng hiện nay, thanh khoản bị giảm sút nhanh chóng, thậm chí nhiều DN bị mất thanh khoản.
Doanh nghiệp mất thanh khoản
Theo chu kỳ hằng năm, đặc biệt vào quý IV thì DN, nhất là DN BĐS có rất nhiều khoản chi, do phải thanh toán các khoản đối với nhà thầu, lo tiền lương thưởng cho nhân viên. Từ đầu năm đến nay, thị trường vật liệu xây dựng bị “bão giá”, giá xăng, dầu cũng tăng, chi phí đầu tư lớn nên hoạt động của DN có dấu hiệu chững lại, không muốn đầu tư sâu vì chi phí phát sinh ngoài kế hoạch lớn. Thời điểm này, không ít DN còn rơi vào tình trạng bị mất thanh khoản do đầu tư dàn trải, không thu hồi được vốn.
Ngoài ra, lĩnh vực BĐS không phải là nhóm ngành nghề được ưu tiên như các ngành sản xuất, tiêu dùng, phục vụ đời sống hằng ngày của Nhân dân. Nếu muốn có sự hỗ trợ thì cũng cần một khoảng thời gian, chứ không phải là hành động ngay như một số ngành nghề khác. Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ về tín dụng nhưng vào cuối tháng 9 vừa qua, lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng lại điều chỉnh tăng cao, những chi phí phát sinh trả lãi cũng tăng.
Ví dụ vào năm 2021, đối với DN, dự án uy tín, vận hành và sản phẩm tốt thì sẽ được vay với mức lãi suất từ 11,5 – 12,5%/năm mà vẫn trong tình trạng hoạt động cầm chừng; nhưng thời điểm này tín dụng lên tới 15 – 16%/năm, thời gian trả lãi, gốc rút ngắn hơn, đặc biệt room tín dụng bị hạn chế... lại càng khiến DN khó khăn hơn, nhiều DN đã phải tạm dừng tất cả hoạt động sản xuất.
Trên thực tế, thị trường BĐS hiện nay được đánh giá nhiều tiềm năng và hoạt động tốt do nhu cầu mua nhà của người dân rất lớn, đặc biệt là phân khúc sản phẩm từ 1 – 3 tỷ đồng/căn. Nhưng vì DN thiếu vốn đầu tư, còn người dân có nhu cầu ở thực cũng không vay được vốn để mua nhà. Trước những khó khăn cộng dồn từ giai đoạn dịch Covid-19, DN kinh doanh BĐS vẫn chưa phục hồi, trong khi lại rất cần nguồn tiền để đầu tư, nhưng với biên độ lãi suất như vậy thì DN không thể gồng gánh được. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần sớm vào cuộc điều chỉnh lãi suất cho vay, kiến nghị ở mức 12 – 13%/năm để hỗ trợ cộng đồng DN nói chung.
Trong khi vay vốn ngân hàng ngày càng khó, các kênh huy động vốn khác (chứng khoán, trái phiếu), DN cũng gần như không tiếp cận được, do vừa qua có xảy ra sai phạm trong huy động vốn của một số DN. Vì vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành chính sách để người dân và DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Bởi vì chỉ khi người dân bỏ tiền ra mua nhà thì DN mới bán được sản phẩm, nhưng muốn có sản phẩm để bán thì cần nguồn vốn đầu tư. Nếu vấn đề này không được khơi thông thì thị trường sẽ tiếp tục bị trầm lắng, khó khăn hơn.
Gỡ vướng về thủ tục
Thời gian gần đây, các thủ tục hành chính của Nhà nước đã được cải thiện, tháo gỡ rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án nói chung, nhiều thủ tục còn vướng, trong đó tập trung vào chủ trương đầu tư; thủ tục giao đất; thủ tục đấu giá, tính tiền sử dụng đất, thuế...
Vừa qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cũng chất vấn nhiều về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Trước đó, Đoàn công tác của Chính phủ cũng tới các địa phương ghi nhận những khó khăn của DN. Đồng thời sắp tới khi Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở sửa đổi được ban hành, cộng đồng DN rất mong chờ sẽ cải thiện được rất nhiều vấn đề khó khăn, khai thông vướng mắc. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội sớm thông qua, ban hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở sửa đổi, giúp cộng đồng DN nhanh chóng vượt qua những khó khăn hiện nay.
Nhìn nhận một cách khách quan, thị trường BĐS đã ấm lại hơn nhiều so với khoảng thời gian dịch Covid-19. Nhưng trước khó khăn về vốn vay, lãi suất thì trong quý IV/2022 và hai quý đầu năm 2023, thị trường vẫn chưa thể phục hồi ngay được. Chỉ khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực thi những chính sách tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, lúc đấy DN sẽ có điều kiện tập trung đầu tư chiều sâu, thị trường mới có thể phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Thị trường BĐS đang lo lắng “bóng ma” của giai đoạn 2011 – 2013, khi lãi suất cho vay của ngân hàng lên tới 25%, nhưng Chính phủ sẽ không để điều đó xảy ra, vì mức lạm phát ở Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt, thấp hơn rất nhiều các quốc gia trong khu vực và thế giới. Do đó, DN vẫn có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh nếu như có nguồn tiền ổn định.