Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sớm triển khai di dời dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù mực nước sông Hồng vẫn đang ở mức thấp nhưng bờ sông thuộc địa bàn xã Đông Quang, huyện Ba Vì tiếp tục có dấu hiệu bị sạt lở. Một số ngôi nhà của dân cư ven sông đã bị nứt, nghiêng về phía lòng sông gây hoang mang, lo lắng cho người dân địa phương.

Sống trong sợ hãi

Từ đầu tháng 9 tới nay, ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Nguyễn Văn Thuật và chị Nguyễn Thị Sang, thôn Đông Viên, xã Đông Quang nằm cách lòng sông Hồng khoảng hơn 10m đã có dấu hiệu bị nứt. Trên tường nhà, những đường nứt chạy dọc từ chân móng lên tận mái. Nguy hiểm hơn, ngôi nhà của gia đình đang có nguy cơ đổ ngả về phía sông. "Những vết nứt ngày càng nhiều hơn. Có đêm cả gia đình không ngủ được vì lo sợ" - chị Sang chia sẻ.

Ngôi nhà ngói 4 gian của gia đình ông Nguyễn Văn Hỷ, thôn Cao Cương cũng bị nứt gãy từ hai năm nay. Rầm gỗ để khóa giang giữ tường nhà cũng bị đẩy ra khỏi tường 2 - 3cm. Toàn bộ khu nhà tắm, bể nước bị nghiêng, trượt về phía lòng sông. Ông Hỷ cho biết, sau cơn bão số 5 vừa qua, tình trạng sạt trượt càng thêm nghiêm trọng.

Sớm triển khai di dời dân - Ảnh 1

Vết nứt do sạt lở bờ sông Hồng tại thôn Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì. Ảnh: Thiên Vũ

Theo UBND xã Đông Quang, toàn xã có hơn 1km bờ sông Hồng, liền với khu dân cư thuộc hai thôn Đông Viên và Cao Cương. Hiện, trên địa bàn xã có 3 điểm sạt lở, sụt, lún bờ sông Hồng. Vị trí 1 từ Km23+650 - Km23+800 gồm 3 hộ dân, cung sạt cách chân đê 200m; ví trí 2 từ Km24+100 - Km24+250 gồm 3 hộ dân cách chân đê khoảng 50m; vị trí 3 từ Km24+650 - Km24+860, cách chân đê khoảng 200m. Trong đó, nguy hiểm nhất là vị trí thứ 3 dài 210m, gồm 6 hộ dân sống liền kề theo cung sụt lún rộng từ 5 - 20m, sâu từ 0,5 - 2m...

Theo dõi chặt diễn biến sạt lở

Tình trạng sạt trượt, lún bờ sông Hồng đã ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Đông Quang. Theo ông Trần Lợi, Trưởng thôn Đông Viên, hiện nay mực nước sông Hồng đang ở mức thấp nhưng tình trạng sạt trượt vẫn tiếp tục với tốc độ nhanh. Ông Lợi nhận định, nguyên nhân sạt lở có thể do địa hình yếu, cộng thêm nước xoáy khi có mưa, đặc biệt có thể do tình trạng hút cát trái phép trên lòng sông đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông. Do đó, huyện, thành phố cần có nghiên cứu, khảo sát kỹ hơn về tình hình địa chất trên địa bàn để tìm ra nguyên nhân chính xác và kịp thời có biện pháp giải quyết.

Ngày 8/10, Bộ NN&PTNT có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm đê điều và phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố. Đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền, đơn vị liên quan kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý khai thác cát sỏi, tập kết vật liệu trên bãi sông...

Hiện tại, bờ sông xã Đông Quang mới kè khoảng 700m thuộc thôn Cao Cương cách đây 2 năm, còn hơn 800m thuộc thôn Đông Viên vẫn là bờ đất. Ông Vũ Văn Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết, xã đã đề nghị UBND huyện có phương án kè chân và đặt taluy chống sạt lở bờ sông nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. "Nếu tiếp tục có mưa lớn sẽ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân. Nhiều hộ sẽ không dám ở lại nhà" - ông Triệu cho biết.

Cùng với phương án kè bờ sông, nhiều hộ dân sống ven bờ sông bày tỏ nguyện vọng, di dời các hộ dân vùng sạt lở đến nơi an toàn. Hiện, xã Đông Quang đã lập đề án và trình UBND huyện Ba Vì duyệt quy hoạch khu di dân, có thể tiếp nhận khoảng 50 hộ dân thuộc các vùng nguy hiểm ven sông. Huyện, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo thuộc vùng sạt lở xây dựng nhà ở tại nơi tái định cư. 

Trước đó, ngày 26/9, UBND TP có văn bản yêu cầu UBND huyện Ba Vì theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở bờ sông Hồng tại khu vực xã Đông Quang. Đồng thời thực hiện ngay việc cảnh báo nguy hiểm, ngăn cấm người, phương tiện qua lại khu vực sạt lở. Các Sở NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính kiểm tra, đánh giá nguyên nhân sạt lở, đề xuất giải pháp xử lý bảo đảm an toàn đê điều cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân.