Đi học muộn phổ biến
Nghỉ Tết hơn chục ngày, quen với việc đi ngủ và thức dậy muộn, nên 2 ngày qua, nhiều HS, nhất là trẻ mầm non, mè nheo không chịu đi học, khóc nhè khi đến lớp…
Anh Tuấn có con học tại Trường mầm non Việt Triều (quận Đống Đa) kể, Tết năm nay được nghỉ dài nên gia đình cho con gái về quê ngoại ăn Tết, đến mùng 8 mới ra Hà Nội. "Khi gọi được taxi đến đón, thì con gái nhất định không chịu về cùng bố mẹ mà đòi ở lại với ông bà, dỗ mãi cũng không chịu. Tôi đành cho con ở lại với ông bà thêm ít hôm, hai vợ chồng ra trước cho kịp ngày đi làm", anh Tuấn cho biết. Không chỉ gia đình anh Tuấn, mà hầu hết các gia đình có con nhỏ đều bối rối vì nền nếp sinh hoạt bị đảo lộn. "Mấy ngày nay tôi phải ngủ cùng cậu con trai đang học lớp 10 (thường cháu ngủ phòng riêng) vì mấy ngày nghỉ Tết, tối nào cháu cũng xem phim, nghe nhạc đến 1 - 2 giờ sáng nên phải ngủ cùng để "ốp" con ngủ sớm, sáng dậy đi học đúng giờ", chị Minh Hà nhà ở phường Kim Liên chia sẻ.
Giờ học của cô và trò trường Mầm non An Dương.Ảnh : Hải Linh
Sáng 19/2, phóng viên có mặt tại trường Tiểu học Kim Liên, trường Mầm non Hoa Sữa, trường Tiểu học Khương Thượng…, mặc dù theo quy định, HS vào học lúc 8 giờ, nhưng 8 giờ 30 phút vẫn thấy khá nhiều HS được bố mẹ, ông bà đưa tới trường. Một bác bảo vệ trường Tiểu học Kim Liên cho biết, HS đi học muộn nhiều, đặc biệt là ngày đầu tiên (18/2), phần vì quen ngủ dậy muộn trong những ngày nghỉ, phần vì tắc đường. Việc khó bắt nhịp lại với việc học tập thường lệ là điều khiến nhiều phụ huynh đang lo lắng.
Không tạo áp lực bài vở
Sau kỳ nghỉ Tết dài, dễ thấy HS không mấy hứng thú với việc học tập. Nắm bắt được tâm lý này nên hầu hết các giáo viên đều cố gắng tạo không khí tươi vui, nhẹ nhàng để kéo HS thích nghi trở lại, chứ chưa quá khắt khe chuyện bài vở.
Cô Hạnh, giáo viên một trường mầm non ở quận Hà Đông chia sẻ: "Mấy ngày học đầu năm mới, lớp mình vắng gần chục HS, các lớp khác cũng thiếu HS. Năm nào cũng vậy, phải hết tuần đầu mới ổn định nền nếp lớp". Không riêng bậc học mầm non, mà các bậc học khác, các giáo viên trong những ngày đầu năm mới cũng linh động đưa HS trở lại nền nếp học tập chứ chưa đặt nặng áp lực bài vở. Cô Diệp, giáo viên chủ nhiệm lớp 2D, trường Tiểu học Kim Liên cho hay, cô không giao bài tập cho HS trong những ngày nghỉ Tết để các em được vui chơi thoải mái, nên khi quay lại trường, nhiều em chểnh mảng với việc học. Tuy vậy, cô không tạo áp lực với HS mà nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc để giúp các em lấy lại tinh thần học tập một cách nhanh nhất.
Cô Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Thượng cho biết: Sĩ số các lớp khá ổn định, tuy nhiên số HS đi muộn vẫn còn. "Đối với những HS đi muộn, giáo viên động viên các con phải đi ngủ sớm, dậy đúng giờ, đi học đúng giờ. Đồng thời, trường cũng yêu cầu giáo viên phải là những người gương mẫu, lên lớp đúng giờ, đặc biệt phải tạo không khí vui tươi trong buổi học với những câu chuyện vui xuân nhẹ nhàng, giúp các con lấy lại sự hăng hái trong học tập" - cô Lan chia sẻ.
Cũng theo các nhà tâm lý giáo dục, cần gợi cho trẻ niềm vui khi trở lại trường bằng cách bắt đầu từ môn học trẻ yêu thích nhất, cùng sự động viên nhẹ nhàng để tạo tâm lý thoải mái, phấn chấn với việc học, có vậy mới mong việc học của con đạt hiệu quả.