Gỡ “nút thắt” pháp lý
Vào trung tuần tháng 2, Bộ TN&MT ban hành Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ, hướng dẫn các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Trong đó xác định các dự án du lịch nghỉ dưỡng sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp quyền sử dụng (sổ đỏ) có thời hạn từ 50 – 70 năm tùy từng khu vực, sau khi hết hạn thì được xem xét gia hạn nếu có nhu cầu.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam, những quy định tại Văn bản số 703 của Bộ TN&MT, đã mở “nút thắt” về hành lang pháp lý cho dòng sản phẩm BĐS condotel, vốn là vấn đề đã được đưa ra bàn luận từ nhiều năm nay.
Chị Hoàng Thu Trang, trú tại ngõ Sở, phố Trần Bình, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây hai năm chị có đầu tư vào một căn hộ du lịch tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Mặc dù đã vận hành kỳ nghỉ được 2 năm nhưng chị vẫn chưa có bất cứ giấy tờ pháp lý nào liên quan đến việc sở hữu căn hộ này. Mặc dù vẫn được thanh toán lợi nhuận định kỳ nhưng với số tiền hàng tỷ đồng đã bỏ ra đầu tư, chị Trang mong muốn sẽ được hợp thức hóa việc sở hữu tài sản này.
“Tôi rất lo lắng khi hết thời gian cam kết lợi nhuận theo hợp đồng, chủ đầu tư sẽ tiếp tục xử lý như thế nào đối với sản phẩm mà tôi đã phải bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng để đầu tư. Nhưng sau khi văn bản hướng dẫn cấp quyền sở hữu căn hộ du lịch được ban hành, tôi bớt lo ngại hơn” – chị Trang chia sẻ.
Trong khi đó, chị Hoàng Thị Vy, trú tại phường Thạch Thang (TP Đà Nẵng) - một nhà đầu tư thứ cấp của một dự án condotel tại quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, mặc dù đã có văn bản hướng dẫn thực hiện việc cấp quyền sở hữu đối với căn hộ condotel nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thực tế.
“Tôi nghĩ vẫn cần phải chờ đợi thêm thời gian để xem các cơ quan chức năng và chính quyền các tỉnh, TP thực hiện như thế nào. Chỉ đến khi công bố chính thức về việc cấp quyền sử dụng condotel mới thực sự yên tâm” – chị Vy chia sẻ.
Nên chấm dứt hình thức kinh doanh cam kết theo lợi nhuận
Số liệu từ Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện tại Việt Nam có trên 55.000 sản phẩm condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, TP ven biển và các tỉnh có thế mạnh về du lịch. Thời gian qua, việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng khiến cho nhiều người lo ngại về dòng sản phẩm này. Và sự cố Cocobay Đà Nẵng càng tạo thêm những nghi ngại.
Phó Giám đốc một sàn giao dịch BĐS cho biết, mặc dù condotel đã có hướng mở, song các cơ quan chức năng vẫn cần đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng hơn, minh bạch hơn để sản phẩm này được phát triển ổn định.
Mặc dù có nhiều ý kiến tích cực về việc Bộ TN&MT đã xây dựng được hành lang pháp lý về quyền sở hữu đối với condotel nhưng bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng cho rằng không nên phát triển hình thức kinh doanh theo kiểu cam kết lợi nhuận tại Việt Nam.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, việc cam kết lợi nhuận giữa chủ đầu tư với các nhà đầu tư thứ cấp là một chuyện không giống với cách kinh doanh thông thường. Ở các nước khác, họ thực hiện theo hình thức chung vốn đầu tư cùng khai thác rồi ăn chia lợi nhuận. Nhưng ở Việt Nam, việc tồn tại nhà đầu tư thứ cấp khiến cho các chủ đầu tư chạy đua, các dự án triển khai sau có xu hướng cam kết cao hơn để thu hút thêm được nhà đầu tư thứ cấp.
Cũng theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, condotel mặc dù chưa có khung pháp lý rõ ràng nhưng vẫn phát triển khá mạnh trong giai đoạn trước năm 2018, vì đây là hình thức mới. Thời điểm đó hầu hết các địa phương vẫn giao đất theo hình thức sử dụng lâu dài, giống như đất ở, nhằm vận dụng để thu hút đầu tư. Nhưng có ý kiến là làm trái pháp luật nên nhiều địa phương mới thực hiện siết lại, nhiều địa phương chưa giao đất đều chuyển thành 50 năm.
“Tôi cho rằng nên đưa vào câu chuyện kinh doanh thật minh bạch, chia sẻ lợi ích theo một nguyên tắc nào đó, sẽ bảo đảm sự bình thường so với việc cam kết lợi nhuận từ trước. Khi chính sách có sự thay đổi theo hướng minh bạch hơn, thị trường sẽ phát triển bền vững" – GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho biết thêm.
Một số chuyên gia cho rằng, cấp giấy chứng nhận cho condotel không đóng vai trò quyết định trong sự tồn vong của dòng BĐS này. Condotel phát triển ra sao phụ thuộc vào các quy định từ pháp lý và sự minh bạch của các chủ đầu tư.
Thực chất, condotel là loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch. Do đó cần sớm xây dựng các quy định pháp luật đặc thù, nhằm bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp cho người mua cũng như việc thực thi triển khai dự án của chủ đầu tư.
"Rất hoan nghênh các bộ, ngành chuyên môn đã ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch cho khách hàng (nhà đầu tư thứ cấp – PV) tại các dự án nghỉ dưỡng. Điều này hoàn toàn phù hợp với các căn cứ pháp luật. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân và giúp cho thị trường BĐS phát triển một cách minh bạch, bền vững." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu |