Từ năm 2019, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển. Triển khai thí điểm mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 28/2/2019 về hỗ trợ cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020; Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 8/4/2019 về sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh năm 2019 - 2020…
Hiện Sơn La đã có hơn 8.200 ha cây trồng được công nhận sản xuất hữu cơ và sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó, 187 ha cây trồng được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ; gần 400 ha cam, bưởi, lúa được chứng nhận chuyển đổi hữu cơ; cấp 216 mã số vùng trồng; xây dựng, duy trì 288 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn; xây dựng 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Yên Châu.
Huyện Mường La hiện có 855,7 ha cây trồng được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng. Trong đó, 25 mã số vùng trồng, với diện tích 633 ha xuất khẩu Trung Quốc, thị trường EU và tiêu thụ tại các siêu thị: BigC, Vinmart, Lotte, AEON, Co.opmart, Metro và nhiều cửa hàng rau, củ, quả sạch trong và ngoài tỉnh. Sản lượng quả đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm ước 1.565 tấn/năm, chủ yếu là xoài, chuối, táo, nhãn; có 284 lồng cá sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm, sản lượng khoảng 180 tấn/năm.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Mường La có 700 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, phát triển các loại cây trồng, như xoài, cây mận, chuối, dứa... theo chuỗi liên kết phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; sản lượng đạt 20.100 tấn; trong đó 4.690 tấn được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, sản phẩm an toàn.
Tại huyện Mai Sơn, từ 5 mô hình sản xuất hữu cơ do Nhà nước hỗ trợ năm 2019, đến nay, có 51 doanh nghiệp, HTX và hàng trăm hộ dân áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, với tổng diện tích 2.245 ha.
Từ năm 2021 đến nay, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Thuận Châu đã vận động Nhân dân xây dựng 14 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Vận động Nhân dân thành lập HTX để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, huyện có 54 HTX đang hoạt động, trong đó, 50 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.
Nổi bật là các mô hình: gừng trâu; áp dụng kỹ thuật bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh nâng cao chất lượng đất trồng lúa; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; nuôi gà H’Mông thương phẩm; vừng đen và mô hình lúa giống mới….
Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ 89 doanh nghiệp, HTX triển khai 24 mô hình sản xuất xoài, nhãn, chanh leo, na, thanh long, cam, bưởi... với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; tuyên truyền, vận động sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hướng dẫn tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn để ủ phân vi sinh, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.