Sơn Tây, Ba Vì: Kiến nghị tăng quản lý, đầu tư tại các khu xử lý chất thải rắn

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng nay (17/5) tại Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Sơn Tây, đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc với đại diện thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì và các DN, HTX về tình hình thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Tại đây, đại diện UBND huyện, thị xã và DN, HTX làm dịch vụ đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng, cải tạo các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn…, đồng thời phản ánh những khó khăn, đề xuất kiến nghị với TP để tháo gỡ.
 Quang cảnh buổi làm việc.

Trong đó đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phan Thị Hảo cho hay: Theo Trung tâm mua sắm tài sản công (Sở Tài chính), giá trị gói thầu công tác duy trì VSMT thị xã từ 1/3/2017 đến 31/12/2020 được xác định trên cơ sở giá trị thực hiện trung bình 3 năm liền trước đó, từ đó xác định khối lượng công việc cần thực hiện, nên cơ bản khối lượng các hạng mục thực hiện không thay đổi nhiều so với các năm trước.

Song, hàng năm trên địa bàn đều phát sinh các công việc duy trì VSMT, nên việc khống chế giá gói thầu như vậy khiến phần khối lượng phát sinh không được đưa vào hồ sơ mời thầu, việc bổ sung khối lượng sẽ phải qua nhiều cấp ngành với thời gian phê duyệt lâu, gây bức xúc trong Nhân dân.

Việc triển khai thu giá dịch vụ VSMT cũng gặp khó do khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm theo hồ sơ trúng thầu được duyệt mới đạt 70% tổng khối lượng ngõ xóm trên địa bàn. Đặc biệt, với khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn phạm vi vùng ảnh hưởng 500m, việc hỗ trợ bằng tiền cho Nhân dân chủ yếu trong phạm vi 500-1.000m, nhưng thực tế mức hỗ trợ tại phạm vi này còn thấp, chưa phản ánh đúng mức ảnh hưởng môi trường từ khu vực trên.

Còn theo lãnh đạo UBND huyện Ba Vì, địa bàn rộng, mật độ dân thưa, khoảng cách giữa các hộ lớn hơn các quận huyện khác, khối lượng thực hiện duy trì ngõ xóm trên 2m lên tới 350km trong tổng số 874km khối lượng cần duy trì. Trong khi, người dân chưa có thói quen xả rác đúng nơi quy định, thiếu ý thức nộp giá dịch vụ VSMT; người dân một số xã trung du, miền núi thường tự tiêu hủy rác.

Do đó, huyện, thị xã đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng tăng quản lý, giám sát để các đơn vị xử lý rác Khu xử lý chất thải Xuân Sơn thực hiện đúng quy trình chôn lấp, đốt rác nhằm giảm ô nhiễm môi trường xung quanh; TP cần đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại nhằm xử lý triệt để việc gây ô nhiễm từ hoạt động của khu này. UBND TP cũng cần xem xét đầu tư hỗ trợ thực hiện một số mô hình xử lý môi trường làng nghề, ô nhiễm môi trường nông thôn. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây kiến nghị HĐND TP nâng mức hỗ trợ bằng tiền cho người dân phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp; UBND TP tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực bãi rác Xuân Sơn theo Nghị quyết 08 của HĐND TP cho 14 dự án thuộc xã Xuân Sơn.

Qua ý kiến trao đổi tại đây, đoàn giám sát ghi nhận cố gắng của các đơn vị, địa phương trong quản lý, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân-Trưởng đoàn giám sát khẳng định, đây là nội dung TP đang rất quan tâm; đoàn sẽ tổng hợp toàn bộ vướng mắc, đề xuất của các đơn vị và trao đổi, thống nhất với các sở, ngành để báo cáo Thành ủy, HĐND TP và kiến nghị UBND TP kịp thời giải quyết.

Trong đó, các địa phương đều phản ánh phát sinh khối lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt cần thu gom, vận chuyển ngoài gói thầu, nên cần làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm của phía địa phương, DN, đoàn sẽ phản ánh để TP quan tâm giải quyết.

Với khó khăn trong duy trì VSMT các ngõ xóm dưới 2m, địa phương cũng cần làm rõ thực tế công tác vệ sinh ở những nơi này thế nào, các DN làm những việc gì và kinh phí thu được ra sao; đoàn sẽ tìm hiểu rõ để phản ánh đúng thực tế với TP, nhằm có giải pháp hiệu quả. Với các nhà đầu tư, cần triển khai dự án đúng cam kết; Ban Đô thị sẽ đôn đốc Sở QH-KT tạo điều kiện thủ tục nhanh nhất. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần