Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóng gió chính trường Anh: Lỗi tại ai?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy 7 tuần sau lễ nhậm chức, bà Liz Truss có nguy cơ trở thành Thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh, bởi sai lầm trong chính sách tài khóa mà chính bà đã thừa nhận. Nhưng sâu xa, đảng Bảo thủ cầm quyền được cho cũng là một phần nguyên nhân.

Thủ tướng Anh Liz Truss trong một cuộc họp báo ở Thủ đô London ngày 14/10. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Liz Truss trong một cuộc họp báo ở Thủ đô London ngày 14/10. Ảnh: Reuters

Ngân sách nhỏ - sai lầm lớn

Đầu tháng 9/2022, bà Liz Truss nhậm chức trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nữ hoàng Elizabeth II qua đời chỉ vài ngày sau khi bà tiếp quản quyền lực từ người tiền nhiệm Boris Johnson, khiến mọi lời hứa của nhà lãnh đạo mới chìm nghỉm trong không khí tang tóc của đất nước, và thậm chí là cả thế giới lúc bấy giờ. Nhưng đó vẫn chỉ là một trong vô số thách thức gai góc ảnh hưởng đến Chính phủ London, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine và mối đe dọa ly khai của Scotland, cũng như các cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, giới quan sát đã mong đợi một sự thận trọng từ tân Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, vào ngày 23/9, Bộ trưởng Tài chính Anh lúc bấy giờ là Kwasi Kwarteng đã vạch ra một khoản “ngân sách nhỏ” nhưng vô cùng táo bạo cho Quốc hội. Kế hoạch mới này hứa hẹn sự tăng trưởng cho nền kinh tế Anh đang gặp khó khăn, dựa vào một gói cắt giảm thuế lớn. Nó được định hình để trở thành kế hoạch cắt giảm thuế lớn nhất trong nửa thế kỷ qua ở Anh, nhưng với lợi ích chủ yếu dành cho các bộ phận người dân giàu có trong xã hội.

Thực tế, đây không phải là một quyết định bất ngờ, bởi bà Truss đã tích cực vận động tranh cử bằng kế hoạch giảm thuế trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo của đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, quy mô và tốc độ của thông báo dường như là quá sức tưởng tượng, mà theo cách nhà báo Nicholas Watt của BBC mô tả là “một chiến thuật gây sốc và kinh ngạc”. Truyền thông Anh đại ý đều cho đây là “một canh bạc táo bạo” của Thủ tướng Liz Truss, và bà đã hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục thị trường.

Chỉ trong vòng vài ngày sau thông báo của ông Kwarteng, đồng bảng Anh đã giảm mạnh, khiến chi phí đi vay của Anh tăng lên. Lãi suất tăng vọt đã gây khốn khổ cho hàng triệu người ở Anh do các khoản thanh toán thế chấp bị đẩy cao hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi các chính sách kinh tế ban đầu của bà Truss là “một sai lầm”, và nói rằng tình trạng hỗn loạn kinh tế kéo theo sau khoản “ngân sách nhỏ” của Chính phủ London là điều “có thể dự đoán được”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhanh chóng kêu gọi chính phủ Anh đánh giá lại các kế hoạch cắt giảm thuế vì chúng có thể “gây ra lạm phát tăng vọt”.

Cảnh báo rằng lãi suất có thể cần phải tăng nhiều hơn mức dự kiến trước đây do lạm phát đang tăng với tốc độ gần như nhanh nhất trong 40 năm, Ngân hàng Trung ương Anh đã buộc phải mua trái phiếu chính phủ với số lượng không hạn chế, để bảo vệ nền kinh tế Anh không bị suy thoái hơn nữa. Với áp lực gia tăng từ sự bất an ngày càng cao trong công chúng cũng như các thành viên đảng nhà, bà Truss đã buộc phải sa thải đồng minh thân cận Kwasi Kwarteng hôm 14/10.

Cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã lên thay thế ông Kwarteng, ngay lập tức thu hồi gần như tất cả các biện pháp đã hứa trong khoản “ngân sách nhỏ” của người tiền nhiệm. Ông Hunt nhấn mạnh rằng điều này là cần thiết để khôi phục niềm tin vào nền kinh tế Anh, nhưng cũng được xem như là sự phủ nhận mạnh mẽ đối với tân Thủ tướng.

Đỉnh điểm, việc bà Truss liên tiếp vắng mặt tại một cuộc họp khẩn của Quốc hội và một sự kiện truyền thông đã được lên kế hoạch sau đó khiến niềm tin vào khả năng xử lý một cuộc khủng hoảng chính trị của Thủ tướng Anh sụt giảm trầm trọng. Như chưa đủ tồi tệ, vào ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Suella Braverman thông báo từ chức, chỉ sau 43 ngày được bổ nhiệm.

Nữ Thủ tướng - từng được ví là “Margaret Thatcher 2.0” - hiện đang cố gắng cứu vãn những gì còn lại trong thẩm quyền của bà. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC gần đây, bà Truss thừa nhận về những sai lầm trong chính sách tài khóa nhưng vẫn kiên quyết rằng bản thân sẽ lãnh đạo đảng Bảo thủ trong các cuộc bầu cử tiếp theo. Tuy nhiên, quyết định đó hiện không còn nằm trong tay bà nữa.

Vấn đề của Đảng Bảo thủ

Giới phân tích hầu hết tin rằng, tình trạng hỗn loạn hiện nay trong chính trường Anh cần được hiểu không chỉ là bởi phản ứng đối với thời gian ngắn làm Thủ tướng của bà Liz Truss, mà còn là kết quả của những vấn đề trong nội bộ Đảng Bảo thủ kể từ khi đảng này lên nắm quyền vào năm 2010.

Đảng Bảo thủ là một nhóm khoảng 180.000 người có xu hướng giàu có và lớn tuổi hơn so với trung bình người dân Anh. Chính nhóm này đã chọn bà Truss làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ, và cũng chính nhóm này đã tán thành các chính sách mà bà cố gắng áp đặt lên đất nước, gây ra sự phản đối kịch liệt từ người dân cũng như thị trường.

Phương pháp hiện tại được áp dụng trong gia đoạn gần nhất đảng Bảo thủ là đảng đối lập (1997 - 2010), nghĩa là nó được thiết kế cho những thay đổi của nhà lãnh đạo ở ngoài Chính phủ. Cách thức này có thể là tốt khi là một đảng đối lập, nhưng khi ở trong Chính phủ, thay đổi lãnh đạo có nghĩa là thay đổi Thủ tướng. Chính liên kết này đã làm suy yếu đáng kể tính hợp pháp của bất kỳ ai trở thành tân Thủ tướng trong lượng cử tri khổng lồ của Vương quốc Anh.

Đảng Bảo thủ cầm quyền Anh được cho cũng đã quá chú trọng vào các nhà lãnh đạo - một xu hướng của thời đại, nhưng trong một số trường hợp, điều này khiến Thủ tướng không phải được chọn vì khả năng lãnh đạo của chính người đó, mà bởi lý do bỏ phiếu cho một đảng cụ thể.

Chẳng hạn, Đảng Bảo thủ từng ủng hộ Boris Johnson vì ông hứa sẽ “hoàn thành Brexit”. Nhưng nếu sự ủng hộ của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 là vì bản thân ông Johnson và Brexit, chứ không phải là sự chuyển đổi lâu dài hơn sang phe Bảo thủ, thì các lá phiếu đó cũng không còn giá trị sau chính quyền đó. Điều này giúp giải thích sự cấp thiết của đảng Bảo thủ trong việc loại bỏ ông Johnson, cũng như sự tiếp nhận kém nơi công chúng đối với các chính sách của bà Truss.

Trong trường hợp xấu nhất, Thủ tướng Liz Truss có thể phải sớm rời nhiệm sở khi bị chính các nhà lập pháp đảng nhà phế truất - theo nguồn tin của truyền thông Anh. Một số ứng cử viên có khả năng thay thế bà - theo cái cách mà bà đã thay thế người tiền nhiệm Boris Johnson - có thể kể đến như: Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt, hoặc Bộ trường Tài chính đương nhiệm Jeremy Hunt. Đây đều là những đối thủ tranh cử của bà Truss hồi tháng 7 năm nay. Hay thậm chí có thể là sự trở lại của Boris Johnson, như một lựa chọn táo bạo của đảng Bảo thủ nếu xét đến hoàn cảnh mà ông đã buộc phải rời nhiệm sở.

Nhưng bất cứ ai lãnh đạo nước Anh lúc này, dù là bà Truss hay một người Bảo thủ nào khác, chắc chắn sẽ phải đối mặt với chặng đường vô cùng gian nan để lấy lại niềm tin và sự ủng hộ của cử tri.

 

Trong một cuộc thăm dò của Ipsos được thực hiện vào cuối tuần trước, 53% người dân Anh được hỏi cho rằng Thủ tướng Liz Truss nên từ chức, trong khi chỉ 20% phản đối việc từ chức của bà.