Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Sống khỏe” nhờ trồng bưởi theo hướng hữu cơ

Bài, ảnh: Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện bưởi, cam rớt giá trong thời gian qua là hậu quả tất yếu của việc phát triển ồ ạt diện tích. Nhưng, với hướng sản xuất hữu cơ, nông dân trồng bưởi ở Đan Phượng vẫn “sống khỏe” nhờ đánh trúng nhu cầu thị trường.

Trên diện tích hơn 3.000 m2, năm 2000 ông Nguyễn Khắc Kỳ, Cụm 1, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng đã chuyển đổi trồng trên 150 gốc bưởi tôm vàng. Với mong muốn giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu gây hại cho môi trường, từ 3 năm nay, ông Nguyễn Khắc Kỳ đã sử dụng các chế phẩm sinh học chăm sóc cho quá trình sinh trưởng phát triển của cây bưởi. Đến nay, vườn bưởi trên 150 gốc mỗi năm cho gia đình ông thu hoạch trên 1 vạn quả, tương đương gần 300 triệu đồng/năm. “Sản xuất theo hướng hữu cơ vừa tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và cả người sản xuất. Đặc biệt chất lượng sản phẩm được nâng cao, phù hợp với xu thế tiêu dùng. Mặc dù năm nay thị trường bưởi mất giá, nhưng nhà tôi vẫn bán được từ 30 – 35.000 đồng/quả nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ và liên kết đầu mối tiêu thụ từ trước” – ông Kỳ chia sẻ.
 Mô hình trồng bưởi tôm vàng theo hướng hữu cơ ở xã Hạ Mỗ, Đan Phượng.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Thu: Hiện xã Hạ Mỗ có 250 hộ trồng bưởi với diện tích trên 45 ha. Mỗi ha trồng bưởi của xã ước đạt 250-300 triệu đồng, qua đó góp phần từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Để nâng cao giá trị cây bưởi, Hội Nông dân xã đã cho thành lập Câu lạc bộ Bưởi sinh học tại cụm 1, xã Hạ Mỗ với 60 thành viên trên diện tích 10 ha. Vùng bưởi sinh học này đã được Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho đi kiểm nghiệm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cho phép. Qua 3 năm triển khai mô hình, không chỉ cây bưởi phát triển tốt mà chất lượng và mẫu mã quả bưởi cũng được nâng cao giúp nâng cao giá trị sản xuất. Hiện nay, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QR Code truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Bưởi tôm vàng là đặc sản và niềm tự hào của người dân Đan Phượng. Năm 2012, bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Đây là cơ hội để các hộ nhỏ lẻ tập hợp thành một tổ chức có quyền lợi chung nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong cơ chế thị trường. Để phát huy hiệu quả thương hiệu này, Đan Phượng đã sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, mô hình đã khẳng định được hiệu quả vượt trội so với cách trồng truyền thống. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng, chuẩn hóa quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi tôm vàng, mở rộng diện tích sản xuất an toàn sinh học để cung cấp ra thị trường những sản phẩm có độ đồng đều cao, năng suất, chất lượng đạt yêu cầu.