Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sống lại di tích Hồ Văn

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ Văn là một trong những khu vực quan trọng thuộc quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nhưng nhiều năm cửa đóng then cài, miếu thờ tự phát cũng được dựng lên. Chính vì vậy, ý tưởng tạo dựng hoạt động làm sống lại Hồ Văn đang là biện pháp được mong đợi để cứu di sản.

 Gò Kim Châu sẽ được cải tạo về cảnh quan.
Sẽ di dời miếu thờ
Đầu tháng 5/2018, các nhà khoa học gồm PGS.TS Đỗ Văn Trụ, PGS.TS Đặng Văn Bài, PGS.TS Phạm Mai Hùng; đại diện cơ quan quản lý của Sở VH&TT Hà Nội, Cục Di sản… đã được lấy ý kiến lần thứ 3 về phương án phục dựng tòa phương đình, tôn tạo gò Kim Châu. Thực tế, năm 1998 phương án phục dựng tòa phương đình ở gò Kim Châu đã được đặt ra, nhưng 20 năm qua công việc này vẫn nằm trong kế hoạch. Chính vì vậy, nhiều người đặt câu hỏi, liệu ý tưởng lần này có thể thành hiện thực ở một điểm di tích vẫn còn rất nhiều bất cập.
Nhiều năm trước, 2 - 3 trường hợp đã chết ở Hồ Văn, người trượt chân chết đuối, người nhảy hồ tự vẫn. Tính thiêng của hồ vì thế được thổi lên bằng ngôi miếu dựng tự phát. Đã từng có những lần hóa mã, nhảy đồng tại ngôi miếu giữa gò Kim Châu. Chính quyền và người dân không ít lần căng thẳng để dẹp bỏ hành động mê tín, nhưng đến nay hiện trạng vẫn giữ nguyên.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn. Theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Tại hội nghị lấy ý kiến vừa qua, cơ bản các thành viên đều đồng ý với phương án kỹ thuật của đơn vị tư vấn đưa ra là: Phục dựng tòa phương đình tại gò Kim Châu, dựng cầu đá bắc ngang giữa hồ ra gò; giúp Hồ Văn là nơi sinh hoạt văn hóa giáo dục, không chứa đựng các hoạt động tâm linh, thờ cúng. Đồng nghĩa với việc này là di dời ngôi miếu thờ tự phát tại gò.
Sau rất nhiều lần tiếp xúc, trao đổi cơ quan quản lý và người dân đã thống nhất 2 phương án di dời: Do người dân đề xuất hoặc Sở VH&TT sẽ gợi ý lựa chọn. Hệ thống cây xanh sẽ được giữ nguyên. Ngoài ra, đơn vị thi công sẽ cải tạo hệ thống thoát nước và điện chiếu sáng quanh hồ. Theo kế hoạch, dự án phục dựng tòa phương đình, tôn tạo gò Kim Châu sẽ hoàn thành trong năm 2018.
 Nhiều hoạt động trải nghiệm làm thi sĩ và các trò chơi dân gian sẽ được tái dựng tại Hồ Văn trong dịp hè này.

Nơi tái dựng cảnh lều chõng đi thi

PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ: “Chủ trương của dự án là đúng, nhưng phục dựng xong mà để ngắm thì rất lãng phí”. Trước khi làm sống lại Hồ Văn bằng một công trình vật thể, Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã xây dựng các hoạt động tạo dựng hồn cốt của di sản. “Chúng tôi chú trọng đến các hoạt động mang tính chất văn hóa giáo dục, chứ không phải văn hóa văn nghệ đơn thuần” – ông Kiêu nhấn mạnh.

Bên cạnh Hội chữ Xuân thường niên vào dịp đầu năm, hè 2018 này, Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám khởi động sự kiện không gian văn hóa trải nghiệm tại Hồ Văn mang tên “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ”. “Không chỉ trải dài trong vòng gần 3 tháng hè (từ 1/6 đến 20/8), mà điểm khác biệt lớn nhất của sự kiện này so với các không gian trải nghiệm ở nơi khác là thiếu nhi sẽ được tham gia vào các ngành nghề, các bộ môn nghệ thuật liên quan đến quá trình thi cử của các sĩ tử ngày xưa, ví dụ như: Làm giấy dó, game thi học chữ “Lều chõng”, thi chữ đẹp…” – bà Tăng Thu Hà - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Longlink Việt Nam, đơn vị phối hợp tổ chức cho biết.
Như vậy, bên cạnh Hội chữ Xuân 2018 đã chú trọng tái dựng cảnh lều chõng đi thi của các sĩ tử, thì các chương trình trải nghiệm trong thời gian tới cũng bám sát vào lịch sử của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám – nơi diễn ra các khoa thi thời phong kiến.