Sống lại ký ức “60 ngày đêm khói lửa” qua triển lãm tại Hoàng thành Thăng Long

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu đến công chúng triển lãm chuyên đề “Hà Nội - Âm vang lời thề quyết tử” với nhiều hình ảnh, tư liệu quý về 60 ngày đêm khói lửa .

Triển lãm gồm 3 phần: “Ngàn cân treo sợi tóc”; “Hà Nội - Âm vang lời thề quyết tử”; “Tiến về Hà Nội” phục vụ du khách tham quan từ ngày 16/12 với phiên bản trưng bày trực tuyến tại website: http//trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền cách mạng non trẻ đã phải đối diện với với muôn vàn những khó khăn. Gia tài của chính quyền cách mạng vừa giành lại là một ngân sách gần như trống rỗng; hơn 2 triệu người đã chết đói, cùng nguy cơ một nạn đói hiện hữu, hơn 90% dân số mù chữ. Đặc biệt, các đội quân nước ngoài và những thế lực thù địch, cùng tay sai tiến vào Việt Nam dưới danh nghĩa quân Đồng minh với thực hiện âm mưu chống phá, lật đổ chính quyền.
 20 vạn quân Tưởng vào Hà Nội, tháng 9/1945. Nguồn ảnh tại triển lãm.

Tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc ấy” được thể hiện sinh động tại triển lãm “Hà Nội – Âm vang lời thề quyết tử” thông qua một số hình ảnh tiêu biểu như: “20 vạn quân Tưởng vào Hà Nội, tháng 9/1945”, “Binh sĩ Pháp diễu hành trên phố Tràng Tiền ngày 18/3/1946”.

Trước bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát động những phong trào nhằm tiêu diệt “giặc đói”, “giặc dốt” đẩy lùi những khó khăn về mặt kinh tế, xã hội trong nước và từng bước xây dựng nội lực của quốc gia. Có thể thấy rõ không khí đánh giặc ấy ở Thủ đô thông qua tư liệu về Đoàn quân “Tiễu trừ giặc đói” tại phố Lương Văn Can, năm 1945 và lớp “Bình dân học vụ” ở Hà Nội nhằm diệt giặc dốt tại triển lãm.

 Đoàn quân “Tiễu trừ giặc đói” tại phố Lương Văn Can, năm 1945. Nguồn: Bảo tàng Hà Nội

Đặc biệt, đối với nhiệm vụ trọng yếu bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, Chính phủ Việt Nam đã mềm mỏng nhưng kiên quyết thực hiện sách lược “hòa để tiến” trong mục tiêu tránh cùng một lúc đối diện với nhiều kẻ thù và những cuộc xung đột quân sự trực tiếp trong bối cảnh lực lượng quân sự của ta còn mỏng. Có thể thấy rõ đường lối đó thông qua những hình ảnh trưng bày như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Sainteny - đại diện Chính phủ Pháp, bản Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 đẩy lùi 20 vạn quân Tưởng khỏi Việt Nam”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet ký bản “Tạm ước 14/9/1946”.

Người dân Thủ đô đứng lên đấu tranh

Những nỗ lực để bảo vệ nền hòa bình mong manh của dân tộc đã không thể giữ được lâu bởi sự bội ước của thực dân Pháp, chiến tranh đã nổ ra như một sự tất yếu. Đêm 19/12/1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã cùng cả nước đứng lên, pháo đài Láng nã những loạt đạn đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ.
 Pháo đài Láng nơi nổ phát súng đầu tiên báo hiệu toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946. Nguồn: Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù, Hà Nội đã trở thành mặt trận điển hình cho đường lối chiến tranh Nhân dân. Mỗi ngôi nhà, từng con phố đều trở thành trận địa, chiến hào. Mỗi người dân từ cậu bé 9 tuổi đến cụ già tóc hoa râm, từ anh nhạc sĩ đến chị nông dân, từ trí thức tiểu tư sản đến anh công nhân áo xanh, giày vải đã cùng chung vai gánh vác với đội quân đã đảm nhận trọng trách giam chân địch, tạo điều kiện cho T.Ư Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn. Tất cả những con người bình thường đó đã gắn bó với nhau trong cùng ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên khúc tráng ca của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.
 Sĩ quan Pháp đang nhìn những đoàn lính của họ đi qua cầu Long Biên, rút khỏi Thành phố Hà Nội, ngày 9/10/1954. Nguồn: TTXVN.

Ý chí hào hùng ấy được tái hiện thông qua nhiều hình ảnh gây xúc động với người xem trong triển lãm như khoảnh khắc chiến sĩ ôm bom ba càng, những “Vệ út” còn đang nhỏ (Phạm Đình Luận 9 tuổi, Phùng Đệ 13 tuổi, Trang Công Lũy 10 tuổi) tham gia chiến trận và các chiến lũy được dựng lên khắp các đường phố Hà Nội nhằm chặn bước tiến của thực dân Pháp.

Sau hai tháng chiến đấu, ngày 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô đã vượt vòng vây thắng lợi. 17 giờ ngày 17/2/1947 lệnh rút khỏi Hà Nội đến với các chiến sĩ Trung đoàn thủ đô. Tin đến bất ngờ, các chiến sĩ bàng hoàng cảm động. Còn một giờ nữa sẽ tạm biệt Thủ đô yêu dấu, các chiến sĩ lấy gạch non viết vội lên tường nhà: “Hà Nội thân yêu ơi, ta sẽ trở lại!”, “Hỡi quân xâm lăng, chúng bay sẽ thất bại!”.
 Những người lính trẻ được hân hoan chào đón trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngày 10/10/1954. Ảnh: Thân Trọng Ninh. Nguồn: TTXVN.

Và sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngày 10/10/1954, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chiến đấu tại mặt trận Hà Nội năm xưa đã đi đầu Đại đoàn quân Tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô giữa rừng cờ hoa, niềm hân hoan vô bờ của người dân Thủ đô và Nhân dân cả nước. Khoảnh khắc “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về” được thể hiện rõ nét qua nhiều hình ảnh tại triển lãm như: “Một đơn vị quân đội Nhân dân Việt Nam đang tiếp quản tại cầu Long Biên. Phía sau là các sĩ quan Pháp đang làm thủ tục bàn giao và rút khỏi Hà Nội, ngày 9/10/1954”, “Những người lính trẻ được hân hoan chào đón trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngày 10/10/1954”, “Bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính vẫy chào Nhân dân trong ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954”.

Thông qua các hình ảnh được trưng bày có thể thấy, triển lãm là dịp để thế hệ hôm nay được “đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công, đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân…” luôn thấy tự hào về một thời Thủ đô ta sục sôi đánh giặc, lấy máu xương bảo vệ, giữ vững hồn thiêng sông núi Việt Nam. Hình ảnh các thế hệ người Hà Nội vùng lên quyết tâm “sống chết với Thủ đô” luôn khắc sâu trong tâm khảm người Việt Nam, trở thành biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nể phục của bè bạn năm châu về Thủ đô vì hòa bình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần