“Sóng ngầm” trong bình chọn hộ nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cố ý làm trái, giả danh hộ nghèo nhằm trục lợi lại không xâm phạm trực tiếp đến quyền...

Kinhtedothi - Cố ý làm trái, giả danh hộ nghèo nhằm trục lợi lại không xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của bất cứ ai. “Cha chung không ai khóc”, vì thế việc núp bóng hộ nghèo trước nay chưa từng bị xử lý đúng với bản chất nghiêm trọng của nó.

Chỉ có những người nghèo thực sự phải khóc trong hờn tủi vì đến cái danh “hộ nghèo” cũng bị mất.

Kỳ 1: Những ngôi nhà khuất ánh sáng

Kỳ 2: 
Giá trị của mác nghèo

Kỳ 3: Nước mắt chảy ngược

Những sai phạm hoàn hảo

Quả thật, xét theo quy định về chuẩn nghèo, cận nghèo TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND) thì tại Hà Nội, con số hộ nghèo không thể cao như thế. Theo quy định, khu vực thành thị, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 750.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo; từ 751.000 đồng - 1 triệu đồng/người/tháng là hộ cận nghèo. Khu vực nông thôn, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 550.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo; từ 551.000 – 750.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo. Với Hà Nội, trong thời điểm hiện tại, rất hiếm người sống nổi với thu nhập này, đặc biệt tại vùng ngoại thành đang có tốc độ đô thị hóa cao. Chính vì vậy, có rất ít trường hợp thuộc diện nghèo đúng quy định. Nhà bà Phạm Thị Quyết (Thọ Am, Liên Ninh, Thanh Trì) dù chồng ốm yếu không có lương, 2 con khuyết tật, thiểu năng nhưng với mức lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng đang hưởng, nếu bà còn sống thì vĩnh viễn gia đình này không thể thuộc diện hộ nghèo.
Các nhà hảo tâm trao quà tình nghĩa 5 triệu đồng cho gia đình bà Phạm Thị Quyết, thôn Ngọc Am, Liên Ninh, Thanh Trì. 	Ảnh: Nam Hải
Các nhà hảo tâm trao quà tình nghĩa 5 triệu đồng cho gia đình bà Phạm Thị Quyết, thôn Ngọc Am, Liên Ninh, Thanh Trì. Ảnh: Nam Hải
Vì thế, dù là nghèo nhất thôn, nhất xã nhưng khi chứng kiến những hộ gia đình kinh tế khá “chạy” suất hộ nghèo, bà Quyết cũng không thể đứng ở "bên nguyên” trong bất cứ một vụ “xâm hại quyền lợi” nào do cán bộ địa phương gây ra. Thực tế này cộng với “định mức hộ nghèo” được phân bổ cho từng địa phương khiến việc quyết định cho ai đó được nghèo hoàn toàn nằm trong tay cán bộ thôn, xã. Nếu muốn có một hộ nghèo thì chỉ cần tách hộ, toàn bộ những người có hưởng lương hàng tháng vào một hộ, những người lao động tự do, kể cả buôn bán nhỏ vào một hộ với nhận xét “không có nghề nghiệp” của cán bộ địa phương là hoàn tất việc xây dựng hộ nghèo. Như đã nói, về mặt nguyên tắc, việc bình chọn hộ nghèo tổ chức công khai, dân chủ thông qua bỏ phiếu tại thôn, xóm. Tuy nhiên, cán bộ thôn thường thuộc về dòng họ chiếm số đông, áp đảo các dòng họ khác về số lượng. Và khi bình xét hộ nghèo thì cũng tương tự, cán bộ thôn muốn người dòng họ mình hay bản thân được suất hộ nghèo thì họ cũng sẽ có được số phiếu áp đảo.

Tại thôn Ngoại Độ, Đội Bình, Ứng Hòa, những người thuộc diện nghèo “có vấn đề” phần nhiều mang họ Dư. Ông Dư Văn Chức, Dư Văn Dị, Dư Ngọc Tuynh hưởng lương hưu gần 3 triệu đồng, bà Dư Thị Hoài làm bếp trưởng có lương 5 triệu đồng/tháng cũng thuộc diện hộ nghèo… Thôn Ngoại Độ có mấy dòng họ, trong đó họ Dư chiếm áp đảo, mỗi khi có họp hành hay bình xét gì, dòng họ này bao giờ cũng thắng. Vì thế mới xảy ra chuyện mấy ông cán bộ xã đương nhiệm và cán bộ huyện về hưu là người họ Dư được vào diện hộ nghèo và cận nghèo.

Thực trạng này đã và đang khiến việc giả danh hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội trở thành “Đúng hoàn toàn về mặt quy định” và “Nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân”. Có thể nói những sai phạm trong việc xét hộ nghèo diễn ra hết sức thoải mái suốt bao năm qua.

Một loại tội phạm?

Thời gian tới, tiêu chí xét hộ nghèo đa chiều không chỉ dựa vào mức thu nhập hàng tháng, mà sẽ có thêm các tiêu chí đất ở, đất sản xuất, tài sản… của các gia đình. Tuy nhiên, muốn có nhiều đất thì khó chứ muốn có ít đất, ít tài sản thì thậm chí còn dễ hơn việc tách hộ để có hộ nghèo như đã từng diễn ra. Việc bình chọn hộ nghèo vẫn là một khoảng trống để những cán bộ tại các địa phương lợi dụng. Nếu không xử lý nghiêm, đúng bản chất những sai phạm giả danh hộ nghèo, thì tình trạng này sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn và lan rộng về những nơi chuẩn bị đô thị hóa trên khắp địa bàn Hà Nội.

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2000, Bộ luật Hình sự đã quy định tội phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 165. Theo đó: Khởi tố cá nhân nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, mức án thấp nhất cho tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Từ trước tới nay, việc giả danh hộ nghèo chỉ được nhìn theo khía cạnh thiếu trách nhiệm, vi phạm chính sách ưu đãi, tuy nhiên chưa gây hậu quả nghiêm trọng, dễ khắc phục. Chính vì vậy, những xử lý sai phạm không đúng bản chất hành vi và không đủ sức răn đe. Việc nhìn nhận đây là hành vi phạm tội cố ý làm trái nhằm trục lợi 50% tiền sử dụng đất, gây thất thu cho ngân sách quốc gia thì chưa có tiền lệ.

Rất cần một cuộc rà soát kỹ lưỡng cộng với những hình thức xử lý nghiêm những sai phạm trong bình chọn hộ nghèo trên toàn TP. Ngay bây giờ cũng đã là quá muộn.
Chính phủ có dự thảo Quyết định về việc ban hành tiêu chí và mức chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Xét diện hộ nghèo được căn cứ vào nhiều tiêu chí chứ không chỉ dựa vào thu nhập như trước đây. Theo đó, chuẩn thu nhập để xét hộ nghèo là có thu nhập từ 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống tại thành thị và 800.000 đồng/người/tháng tại nông thôn. Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến công khai từ 30/11/2015 - 30/1/2016.