Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sống thử, phép thử nên làm?

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sống thử không còn là câu chuyện xa lạ tại Việt Nam, xu hướng xã hội cũng cởi mở hơn, tỉ lệ các cặp đôi sống thử đương nhiên cũng cao hơn so với những thập niên trước.

 Ảnh minh họa
Dĩ nhiên, bất cứ việc gì cũng đều có hai mặt lợi hại của nó, sống thử cũng không ngoại lệ. Nhưng cái lợi lớn nhất của sống thử là cho ta biết ta và đối phương có hợp với nhau trong đời sống hàng ngày không.
Nhiều cô vợ sau đám cưới mới bắt đầu than thở rằng: Không ngờ chồng lại bừa bộn như vậy, ở bẩn như vậy, lười biếng đi làm về không phụ vợ được việc gì, rồi là chân tay lóng ngóng vụng về, vợ nhờ làm việc gì là đổ bể việc ấy,... và còn bao nhiêu là tính xấu khác.
Chồng cũng than vãn với bạn rằng: sao vợ nói nhiều quá, ngày xưa đâu thế, giờ càm ràm suốt ngày, rồi suốt ngày sai vặt chồng, chồng làm gì cũng không vừa ý, nấu ăn thì không ngon...
Nói chung, vợ chồng than vãn nhau toàn vì chuyện cái chổi để không đúng chỗ, cái bát rửa chưa sạch, vỏ trái cây ăn xong không vứt thùng rác, bộ quần áo thay ra chưa giặt... mấy chuyện tưởng cỏn con nhưng chính chúng lại đẩy mâu thuẫn trong gia đình lên cao khi hai người không tìm được tiếng nói chung, không chỉnh sửa để cho phù hợp với tính cách của người còn lại. Để rồi cả hai cùng thốt lên “biết thế ngày xưa sống thử chứ trước chỉ đi chơi làm sao mà biết có cái tính như này". Sau 1 - 2 năm, khi không thể chịu đựng được nhau nữa, người ta mang nhau ra tòa ly hôn.
Cậu em tôi quen có thời gian sống thử với bạn gái cũng than vãn mệt mỏi vì phải chịu đựng nhau, đến mức sau giờ làm cậu không muốn về nhà vì thấy ngột ngạt, cuối tuần là cậu phi xe về quê. Cũng chỉ vì mấy chuyện con cá củ dưa hành, cuối cùng cậu quyết định dọn ra ở riêng. Sau đó thì cả hai lại vui vẻ trở lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Sống thử để biết có hợp nhau trong lối sống, trong quan hệ vợ chồng,... đây được xem là phép thử tiền hôn nhân. Nếu hợp nhau thì tiến tới hôn nhân chính thức, ngược lại thì đường ai nấy đi nhẹ nhàng. Nhưng xã hội văn minh thì cũng hãy sống thử thật văn minh, tránh những rủi ro như có thai ngoài mong muốn, những xô xát khi mâu thuẫn... Đặc biệt, vấn đề tài sản trong quá trình sống thử sẽ do 2 bên tự thỏa thuận, nếu phát sinh mâu thuẫn sẽ giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhưng trên hết, dù sống thật hay sống thử cũng hãy tôn trọng đối phương.
Sống thử không xấu, nó chỉ xấu khi chúng ta làm không đúng cách. Có nên làm phép thử này trước khi tiến tới hôn nhân hay cũng sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh và quan điểm riêng của mỗi người. Tự bản thân chúng ta có thể cân nhắc về những lợi hại mà sống thử mang đến.
Hơn nữa, không cần sống thử, nếu chú ý kỹ tìm hiểu chúng ta cũng có thể hiểu "đối phương" là người như thế nào để quyết định gắn bó trong đời. Bởi việc sống thử, ngoài lợi ích cũng có thể mang nhiều hệ lụy, như: Có thai ngoài ý muốn, “vết thương lòng” nhiều khi khó hàn gắn, “người đến sau” có khi không chấp nhập vợ/ chồng từng đã sống thử... Thay vì sống thử, nên chăng cần học một lớp học tiền hôn nhân để hiểu về đời sống gia đình, sức khỏe tình dục và sinh sản, cách chăm sóc - nuôi dạy con?