Tái khởi động dự án mang nhiều ý nghĩa
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, năm 2020, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP ước khoảng 7.000 tấn/ngày đêm, trong khi đó các bãi rác đã và đang rơi vào tình trạng quá tải. Từ thực tế trên, bài toán thay đổi công nghệ thu gom, xử lý rác thải, đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân được đặt ra cấp thiết. Nắm bắt yêu cầu của cuộc sống, chương trình phân loại rác thải tại nguồn, đổi rác thải lấy quà tặng đã được Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) tổ chức thực hiện thí điểm trên địa bàn 4 quận nội thành. Chương trình không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, sử dụng hợp lý TN&MT, giảm thiểu ô nhiễm mà còn giúp tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác.Tổng Giám đốc Urenco Nguyễn Hữu Tiến cho biết, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, trong đợt triển khai này, Urenco Chi nhánh Hoàn Kiếm đã tham mưu cho lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng chương trình quản lý, phân loại rác, phòng chống rác thải nhựa và túi nilon trên địa bàn tầm nhìn đến năm 2025, với những mục tiêu rất cụ thể. Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2020), phân loại rác thành 2 loại (rác tái chế và rác còn lại); giai đoạn 2, từ năm 2021 trở đi, phân loại rác theo công nghệ của TP. Bên cạnh đó, Công ty Urenco đã phối hợp với Công ty Unilever và chính quyền các phường tổ chức chương trình đổi rác lấy quà tặng. Trong năm qua, Urenco đã phối hợp với UBND 4 quận trung tâm và các đơn vị liên quan… thành lập được 10 điểm Greenday (Ngày xanh), thu đổi được hơn 150 tấn rác tái chế với gần 10.000 lượt người tham gia…Để phân loại rác trở thành thói quenGiám đốc Urenco Chi nhánh Hoàn Kiếm Nguyễn Hữu Bình cho biết, quận Hoàn Kiếm đã và đang xây dựng mô hình quản lý nguồn thải để tái sử dụng hiệu quả. Đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, DN, tổ chức, nhất là học sinh trên địa bàn về việc cần thiết phải phân loại rác thải tại nguồn. Đặc biệt, quận đã tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân cùng tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng danh sách thống nhất điểm tập kết tạm thời rác thải, người thu rác tái chế, cấp thẻ thành viên và quản lý nhằm đem lại hình ảnh văn minh cho đô thị. Thông qua phần mềm phân loại rác thải tại nguồn ứng dụng công nghệ 4.0, người dân có thể liên hệ với người thu gom rác tái chế, đặt lịch đến thu gom rác tái chế tại nhà vào 2 ngày/tuần (thứ Bảy và Chủ nhật)… nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình.Để giải quyết tình trạng ô nhiễm tại các bãi rác, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn công suất lên đến 4.000 tấn/ngày đêm với công nghệ hiện đại, hạn chế được những bất cập so với phương pháp chôn lấp truyền thống. Với phương pháp này, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác đốt được và không đốt được, phù hợp với công nghệ xử lý của nhà máy. Do đó, việc phân loại rác, đổi rác tái chế lấy quà tặng giúp người dân nhận biết được các loại rác tái chế và không thể tái chế, giảm lượng rác thải. Theo các chuyên gia, để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trở thành thói quen của mỗi người dân, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ cùng vào cuộc. Bên cạnh đó, các công ty vệ sinh môi trường tăng cường tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn người dân phân loại rác thải; đổi mới công nghệ thu gom rác thải, chủ động phục vụ hoạt động nhà máy đốt rác. Với cách làm mới, hướng về cộng đồng, xây dựng thói quen phân loại rác cùng với đầu tư đồng bộ, hệ thống tái chế hiện đại, chắc chắn môi trường của Hà Nội sẽ được cải thiện theo hướng xanh, sạch, bền vững.