Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sốt ruột với đầu tư công

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến hết tháng 7, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%). Vốn có mà chưa thể triển khai sẽ là một lãng phí không nhỏ. Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương bận rộn với công tác phòng, chống dịch nên nhiều dự án bị đình trệ.

Dự án Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng thời điểm đầu năm 2021. Ảnh: Hải Phương
Tuy vậy, ngoài nguyên nhân khách quan trên, nguyên nhân chủ quan còn tồn tại trong GPMB, thủ tục đầu tư, bố trí vốn và năng lực của chủ đầu tư… Không những thế, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công còn do người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao vốn chưa quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, chưa sát sao xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. Điều này lý giải vì sao trong cùng một hệ thống pháp luật, có những bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân khá cao, song lại có tới 15 bộ, cơ quan T.Ư 7 tháng giải ngân thấp dưới 25%. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm, khi dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp, nhưng giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 1/5 kế hoạch, 41/50 bộ và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Cũng cần nói thêm rằng, không chỉ năm nay, mà ngay cả các năm trước dù không ảnh hưởng dịch bệnh vẫn luôn có tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.

Tỉ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ. Theo tính toán của cơ quan quản lý, dự báo giai đoạn 2021 - 2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. Bởi vậy, trước nhiều thách thức do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, tình hình kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, đầu tư công tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2021.

Từ thực tế này Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương... Cùng với đó khâu tổ chức thực hiện cũng rất quyết liệt như thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do người đứng đầu các cấp thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn. Qua đó giải ngân vốn đầu tư công đã được gỡ rối nhiều rào cản. Các “nút thắt” thể chế cũng từng bước được tháo gỡ. Trên cơ sở đã phân cấp, phân quyền, Chính phủ có thể áp dụng chiến lược “cây gậy” và “củ cà rốt” đối với các bộ, ngành, địa phương. Nếu như bộ ngành, địa phương nào giải ngân vốn đầu tư công kém, “cây gậy” mà Chỉnh phủ sử dụng là cương quyết thu hồi hoặc điều chuyển vốn. Số vốn đó sau khi xem xét, cân nhắc sẽ được điều chuyển sang dự án thực sự cần thiết và chứng minh được cơ hội giải ngân tốt hơn. Đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu các cấp rất quan trọng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, nhiệm vụ đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Từ đó, thúc đẩy triển khai vốn đầu tư công cả về tiến độ và chất lượng, góp phần tạo dư địa, động lực cho tăng trưởng.