Sốt ruột với giá tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 12 lần giảm giá xăng dầu trong năm 2014, người tiêu dùng kỳ vọng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ ăn uống cũng sẽ giảm giá, thế nhưng các cửa hàng ăn uống lấy lý do giá thực phẩm không giảm nên khó giảm giá bán.

Giá phở vẫn… bất động

Có một nghịch lý ai cũng thấy, khi giá xăng dầu tăng, ngay lập tức giá dịch vụ ăn uống lao theo, thậm chí tăng cao gấp mấy lần giá xăng dầu. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm (mà giảm đến 12 lần liên tiếp) nhưng giá dịch vụ ăn uống, nhất là mặt hàng cơm - phở không hề giảm.

Với nhiều người tiêu dùng, khi giá các mặt hàng thực phẩm biến động, giá một bát phở thường được chọn làm “mốc” để so sánh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại một số quán cơm - phở trên địa bàn Hà Nội, phần lớn vẫn giữ nguyên bảng giá.

 
Sốt ruột với giá tiêu dùng - Ảnh 1

 
Chị Kim Thoa,  nhân viên một ngân hàng ở quận Cầu Giấy cho biết: “Ngày trước, lấy lý do tăng giá xăng, quán phở tăng dần từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/bát. Nay xăng đã giảm 12 lần, xuống còn hơn 17.000 đồng/lít thế nhưng cửa hàng phở vẫn không chịu giảm giá bán”. Không chỉ những quán phở ở khu vực Cầu Giấy không giảm giá mà hầu hết các quán phở trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Quản lý quán Phở Sướng trong ngõ Nguyên Hồng cho biết: Một bát phở ở đây tùy vào chất lượng thực phẩm, tái nạm, tái chín, tái gầu... được bán với giá từ 45.000 - 60.000 đồng/bát; tại quán phở Gầm Cầu trên phố Đồng Xuân, giá lên tới 80.000 - 100.000 đồng/bát, phở Lý Quốc Sư cũng có giá 75.000 – 85.000 đồng/bát...

Khi khách hàng thắc mắc vì sao giá cao như vậy, đa phần các chủ quán đều có chung quan điểm, thực phẩm tăng cao nên giá bán phải cao mới có lãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng những bát phở này không hơn bao nhiêu so với các quán phở bình dân treo biển “Phở Nam Định”, giá chỉ 30.000 - 40.000 đồng/bát.

Anh Lương Duy Doanh, nhà ở khu tập thể Nam Đồng bức xúc, hầu hết các nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ có tăng giá bán chứ không bao giờ có chuyện giảm. Đơn cử, quán lẩu ếch tại phố Trúc Bạch trước đây đã nâng giá từ 450.000 đồng lên 500.000 đồng/nồi cho 4 người ăn với lý do giá xăng tăng khiến giá thực phẩm, nhân công đều tăng. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm nhiều lần nhưng chủ kinh doanh ở đây vẫn chưa tính đến việc giảm giá theo.

Các quán cơm bình dân cũng trong tình trạng tương tự. Khảo sát tại một số quán cơm bình dân gần Đại học Quốc gia trên địa bàn quận Thanh Xuân cho thấy, giá bán dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/suất, cơm văn phòng giá 40.000 – 60.000 đồng/suất... Anh Nguyễn Nhật Minh, sinh viên năm 3 Đại học Quốc gia Hà Nội bức xúc: “Gần 3 năm sinh viên là 3 năm phải ăn cơm bụi nhưng chỉ thấy giá cơm bình dân tăng chứ chưa bao giờ thấy giảm. Cách đây 3 năm, giá chỉ 12.000 – 15.000 đồng/suất, giờ lên tới 25.000 – 30.000 đồng/suất, hôm nào gọi thêm chút nữa còn lên tới 35.000 đồng/suất”.

Giá ở chợ tăng do khó quản?

Khó có thể chấp nhận giá nhiều mặt hàng vẫn đứng ở mức cao trong khi chỉ số giá tiêu dùng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu giảm mạnh nhưng đó là thực tế đang diễn ra tại các chợ trên địa bàn TP. Tại chợ Hôm – Đức Viên giá thịt bò vẫn giữ ở mức 245.000 – 270.000 đồng/kg, thịt lợn tùy theo loại dao động từ 65.000 – 85.000 đồng/kg; rau, củ, quả cùng tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Hà, bán hàng rau, củ, quả tại chợ Hôm – Đức Viên cho biết, giá cả vẫn giữ nguyên, không tăng cũng không giảm dù giá xăng đã giảm khá sâu, nhưng do nhập hàng vẫn thế nên không thể giảm giá được. Nếu như trước đây, khi giá tăng, nhiều hộ kinh doanh thực phẩm chỉ giải thích một câu: Do giá xăng dầu tăng thì nay khi giá mặt hàng này giảm, họ lại đưa ra đủ thứ lý do là chăn nuôi giảm, tải trọng xe bị quản lý chặt nên đẩy giá thành cao...

Mặc dù giá xăng đã giảm mạnh nhưng nhiều ngành hàng, đặc biệt là các hộ tiểu thương kinh doanh những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng vẫn cứ “bất động”. Rõ ràng, việc quản lý giá đang thiếu những thiết chế tạo sức ép lên những người kinh doanh tự do. Bên cạnh đó, việc bình ổn thị trường còn cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là sự vào cuộc thực sự của những đơn vị, DN lớn.