Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa: Không thể chủ quan

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chưa phải thời gian cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết (SXH), nhưng từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh này tại Hà Nội tăng rất cao.

Điều đáng lo là nhiều người dân vẫn thờ ơ phòng dịch, thờ ơ với sức khỏe của chính mình.
Điểm nóng
Tại quận Đống Đa, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 37 ổ dịch với 165 ca mắc SXH ở 18 phường, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, hiện vẫn còn 9 bệnh nhân đang điều trị.
Trước tình trạng dịch bệnh phức tạp tại địa bàn này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã dẫn đầu Đoàn công tác của Sở trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Qua kiểm tra cho thấy, địa bàn có nhiều công trường xây dựng, nhiều khu vực giải tỏa bị bỏ hoang thiếu người quản lý. Bên cạnh đó, nhiều bể chứa nước bằng xi măng không có nắp đậy ở khu A tập thể Văn Chương, khu E tập thể Trung Liệt, khu Láng Hạ, Láng Thượng. Nhiều khu nhà ở bị bỏ hoang, không có người trông coi, quản lý… khiến cho dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp từ năm này qua năm khác.

Đoàn kiểm tra Sở Y tế khảo sát nơi phát sinh loăng quăng, bọ gậy trong lu nước nhà một người dân tại quận Đống Đa.   Ảnh: Bảo Ngọc

Kiểm tra khu ký túc xá của Đại học Luật Hà Nội - nơi có 11 bệnh nhân mắc SXH, Đoàn công tác phát hiện có ổ bọ gậy trong bể nước đã không sử dụng từ lâu trong một phòng ở của sinh viên. Bên cạnh đó là các dụng cụ chứa nước phát sinh bọ gậy trong các khu dân cư, từ lọ hoa, hòn non bộ, dụng cụ phế thải cho đến các khay, hộp trồng rau sạch, dụng cụ chứa nước để nuôi chim, gà, vịt… Nhiều gia đình không có ý thức tự phòng chống dịch, không tìm cách diệt loăng quăng, bọ gậy, thậm chí còn vô tình “nuôi” mầm bệnh SXH.
Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn TP ghi nhận 669 người mắc SXH, tăng so cùng kỳ năm 2016. Số mắc tập trung chủ yếu ở quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...
Mắc rồi vẫn có thể mắc lại
Đề cập đến vấn đề phòng chống dịch, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, nhiều người dân chưa có ý thức phòng chống dịch. Khi ngành chức năng cử lực lượng giúp người dân vệ sinh xung quanh nhà cửa, loại bỏ ổ loăng quăng thì không nhận được sự hợp tác. Thậm chí, nhiều người còn… đuổi cổ cả cán bộ y tế đến phun thuốc phòng dịch. Ngoài ra, chính quyền một số địa bàn còn lơ là, chưa quan tâm đến công tác phòng chống dịch, cho rằng đó là nhiệm vụ của ngành y tế. Đây là một trong những nguyên nhân vì sao dịch bệnh vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường.
Ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết thêm, ngoài vấn đề một bộ phận người dân còn kém thì sự biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường khiến cho muỗi vằn (trung gian truyền bệnh SXH) có sức đề kháng để sinh tồn và phát triển. Không như trước đây, dịch bệnh SXH chỉ tăng cao vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, thì nay, bệnh lưu hành quanh năm và có thể bùng phát không theo quy luật. Đáng lo ngại, virus SXH lưu hành ở nhiều tuýp nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại túyp khác, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng cho biết, bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không chịu đi khám dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp trên cả nước, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau một tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do bệnh SXH. 
Khi xuất hiện các triệu chứng sốt cao đột ngột 39 – 400C, kéo dài sau 2 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen… cần đi khám ngay để điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được truyền dịch tại nhà, có thể bị sốc dẫn đến tử vong.
Ông Nguyễn Nhật CảmGiám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi
Bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi có những dấu hiệu rất giống nhau khiến nhiều người nhầm lẫn. Trong khi đó, hai loại bệnh này có căn nguyên gây bệnh và cách điều trị khác nhau. Vậy làm thế nào để phân biệt được bệnh nhân mắc SXH hay sốt phát ban?
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới T.Ư, bệnh SXH có hai triệu chứng chính, đó là sốt và xuất huyết. SXH thường sốt cao từ 39 – 40 độ C, kéo dài từ 2 – 7 ngày, bệnh nhân thường khó hạ sốt kể cả khi đã uống thuốc. Người bệnh thường đau nhức sau gáy, hai bên thái dương, hốc mắt, ngoài ra những triệu chứng như ho khan, đau họng… cũng đồng thời xuất hiện. Có một số trường hợp bị xuất huyết dưới da như nôn ra máu, kinh nguyệt tới sớm bất thường, chảy máu cam, chảy máu chân răng…
Còn sốt siêu vi cũng có những triệu chứng giống với SXH, nhưng biểu hiện của sốt siêu vi theo từng cơn, nhiệt độ từ 38 – 39 độ C, có lúc lên tới 40 – 41 độ C. Những người bệnh bị sốt siêu vi thường chảy nước mũi, viêm đường hô hấp, hắt hơi. Những khu vực quanh cổ, mặt, đầu thường có dấu hiệu sưng to, chảy nước mắt và mắt đỏ… Sốt siêu vi không nguy hiểm, chủ yếu là do những vi trùng, virus tự xâm nhập cơ thể gây ra, và sẽ tự hết trong vòng 3 – 7 ngày.
Để biết chính xác bệnh nhân mắc SXH hay không, người bệnh sẽ được khi xét nghiệm công thức máu. Bệnh nhân SXH sẽ cho kết quả bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm rõ, tốc độ lắng máu tăng.
Đối với người bệnh, nhất là trẻ em, khi thấy có dấu hiệu khác thường như sốt cao, chân tay lạnh, da lạnh ẩm, vật vã, bứt rứt khó chịu, đau bụng, mạch nhỏ, tiểu ít, huyết áp tụt… cần cho đi khám kịp thời để được bác sĩ tư vấn và điều trị đúng phác đồ.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, ngoài điều trị, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho bệnh nhân SXH đóng vai trò quan trọng. Khi mắc bệnh SXH, bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, tình trạng xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa… làm người bệnh bị thiếu dinh dưỡng, thiếu máu nghiêm trọng. Do đó, người bị SXH trong và sau khi khỏi bệnh, cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bù đủ nước là vô cùng cần thiết. Tất cả các loại nước suối, nước sôi để nguội, nước cam, nước dừa, nước chanh, nước ép trái cây đều dùng được. Đối với trẻ em, cha mẹ cần kiên trì thay đổi khẩu vị để trẻ đỡ ngán. Nên ưu tiên các món giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất… như cháo cà rốt, thịt gà, uống nước quả cam, quýt, sinh tố… nhằm giúp trẻ tăng cường đề kháng.
Ngọc Bảo