Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo dịch , diễn biến rất phức tạp

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hai tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn đến ngày 30/10/2022 có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021.

Cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, số ca mắc số xuất huyết trong năm 2022 tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%.

Bệnh SXH Dengue trên bình diện chung cả nước số ca mắc đang tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đặc biệt tại các tỉnh, TP miền Nam. Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số mắc SXH thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, số mắc SXH năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó, cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống SXH Dengue.

Triệu chứng ban đầu của SXH Dengue khá tương đồng với với một số bệnh sốt khác nên dễ bỏ sót. Đáng chú ý trẻ nhiễm bệnh lần 2 là yếu tố nguy cơ khiến bệnh nặng hơn.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, cho biết theo chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch SXH lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch SXH lớn xảy ra. “Do đó, khi người dân có những biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người nên đến các cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm, được thầy thuốc tư vấn, chỉ định. Không tự ý truyền dịch, truyền đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống…” – PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo

Đề cập đến vấn đề trẻ nhỏ mắc SXH, bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho biết, trẻ có thể từ không triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/nặng. Do có tới 4 loại SXH Dengue, nên một người có thể nhiễm tới 4 lần.

Vì vậy, khi trẻ mắc SXH, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Nếu trẻ bị nhẹ chỉ cần điều trị ở nhà, cho trẻ nghỉ ngơi và hạ sốt. Cha mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt acetaminophen/paracetamol, tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt. Hầu hết là trẻ sẽ hồi phục sau khi hết sốt, nhưng ước tính có 1/20 bệnh nhân nhiễm SXH Dengue có thể tiến triển nặng/nguy kịch, đe doạ tính mạng, trong đó trẻ mắc bệnh lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng.

Đặc biệt, chuyên gia cảnh báo biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ là sốc. Quá trình chuyển nặng, nguy kịch thường xuất hiện khi đã hết sốt, có thể nguy hiểm đến tính mạng, liên quan đến thoát mạch, ứ dịch, tình trạng suy hô hấp, khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể, dễ dẫn tới tử vong.

Khi cha mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu sau nên cho trẻ nhập viện điều trị: Đau bụng; li bì/kích thích và nôn liên tục; cơ thể thay đổi đột ngột (đang sốt cao, trẻ hạ thân nhiệt); trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi/ miệng/tiểu máu/phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái; chân tay trẻ lạnh/ẩm; đau bụng/ gan to ra, ấn tức vùng bụng.

Biện pháp phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt, người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh sau:

Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng.

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/loăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Phun hoá chất diệt muỗi tại một trường học trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ.
Phun hoá chất diệt muỗi tại một trường học trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Đề cập đến dinh dưỡng cho người mắc SXH, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, trong thời gian mắc SXH, người bệnh thường mệt mỏi, đau người, nhức đầu, sốt cao, người bệnh không cảm thấy muốn ăn bất cứ thứ gì trong giai đoạn này. Người bệnh bị SXH thường cảm thấy buồn nôn, nôn mửa và cực kỳ suy nhược, trong tình trạng này, chế độ ăn lỏng, mềm cần được khuyến nghị cho người bệnh, vì nó dễ tiêu hóa, hấp thu hơn so với chế độ ăn đặc.

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, người bệnh SXH nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước dừa. Bên cạnh đó, cần tăng cường thực phẩm giàu vitamin C như: cam, chanh, ổi, kiwi, đu đủ, dâu tây, xoài… có tác dụng chống oxy hóa tốt cho cơ thể khi hồi phục sau bệnh SXH. Các loại trái cây này đặc biệt tốt cho người bệnh SXH, có tác dụng giải khát, cung cấp nhiều vitamin. Người bệnh SXH nên ăn sữa chua, giàu dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể để tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và khả năng chống viêm.

Người bệnh SXH phải thực hiện chế độ ăn giàu protein. Vì vậy, những lời khuyên kiêng ăn đồ tanh như: cá, trứng hay thịt gà là không có cơ sở. Những thực phẩm này cung cấp cho cơ thể lượng chất dinh dưỡng phù hợp để giúp cơ thể chống chọi lại nhiễm trùng.

Người bệnh SXH không chỉ bị sốt, cảm mà còn mệt mỏi vô cùng. Một điều quan trọng khác cần lưu ý khi đối phó với bệnh SXH là virus có thể khiến hệ tiêu hóa của cơ thể bạn yếu đi, do đó điều quan trọng là phải tránh thức ăn cay và nhiều dầu mỡ trong thời gian bị nhiễm bệnh.