Diễn biến thị trường tiêu dùng Việt Nam nửa cuối năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 đạt khoảng 562,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, người Việt đang có xu hướng tăng chi tiêu cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, các sản phẩm có tính bền vững, rõ nguồn gốc xuất xứ và an toàn cho sức khỏe [1].
Song song đó, sự thay đổi trong phương thức mua bán hàng hóa cũng khá rõ rệt trong nửa cuối năm nay. Các phương thức mua bán truyền thống đang dần giảm mạnh khi người tiêu dùng nước ta ngày càng chuộng mua sắm trực tuyến qua các nền tảng và ứng dụng như Shopee, TikTok Shop, Lazada,… Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2024 đã tăng trưởng trong khoảng từ 18 - 20% và dự kiến sẽ vượt mốc 25 tỷ USD trong năm 2025. Điều này chứng minh sự phát triển đầy tiềm năng của xu hướng kinh doanh online đối với các chủ doanh nghiệp trong nhiều năm tới. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các trường Đại học tại Việt Nam đang mở rộng tuyển sinh đối với ngành Kinh doanh số (Digital Business) nhằm đào tạo nhân lực cho thị trường đầy tiềm năng này [2].
Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng start-up. Trong đó, nước ta có 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Các doanh nghiệp trẻ này tại Việt Nam hiện nay có xu hướng tập trung vào một số lĩnh vực chính như: công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, FnB, logistics, AI và chuyển đổi số,… Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của nước ta cũng có dấu hiệu phát triển tích cực, thăng hạng từ vị trí thứ 58 lên 56 vào năm 2024 [3].
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn dành cho các start-up tại Việt Nam cũng còn những khó khăn, thách thức do bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy yếu cùng các vấn đề khác như lạm phát, bất ổn địa chính trị… có thể khiến việc khởi nghiệp gặp nhiều rủi ro, bởi thị trường có nhiều biến động khó lường, người tiêu dùng thay đổi trong thói quen chi tiêu hay dòng vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm có xu hướng giảm.
Thị trường đại chúng
Theo từ điển Oxford, khái niệm “mass market” được dịch là thị trường cho các sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn.
Thuật ngữ này xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19 do sự đô thị hóa, tăng trưởng dân số và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai. Những tiến bộ trong cuộc cách mạng này không chỉ thay đổi cách thức sản xuất mà còn định hình lại hành vi tiêu dùng, khi các kỹ thuật sản xuất hàng loạt cho phép tạo ra nhiều sản phẩm với chi phí thấp hơn, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao của đại chúng. Những “nhà bán lẻ” đầu tiên của thị trường đại chúng là các cửa hàng bách hóa (department stores), nơi nhiều mặt hàng với giá thành khác nhau, đối tượng khách hàng khác nhau được bán ở cùng một địa điểm, mang lại sự tiện lợi và phong phú cho khách hàng khi mua sắm. Sau đó, thị trường này tiếp tục phát triển qua các gia đoạn khi ngày càng nhiều thương hiệu mở rộng các chuỗi cửa hàng (chain stores) vào đầu thế kỷ. [4]
Chính sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với những kiểu hình buôn bán này khiến cho các nhà máy sản xuất buộc phải giảm chi phí bán ra, là tiền đề ra đời của thị trường đại chúng hiện đại.
Trên thế giới, một số doanh nghiệp đi theo hướng thị trường đại chúng thành công và được biết đến rộng rãi có thể kể đến như Coca-Cola, McDonald’s, Walmart, Unilever,…
Thị trường ngách
Lịch sử của thị trường ngách (niche market) bắt đầu từ trước cuộc Cách mạng Công nghiệp, khi các hoạt động giao thương diễn ra trong quy mô nhỏ. Ở giai đoạn này, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất thủ công và nông nghiệp, vì vậy, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được tập trung đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng cá nhân. Từ thế kỉ 20 đến nay, với sự bùng nổ dân số toàn cầu, các nhu cầu tiêu dùng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Vì vậy, thị trường ngách dần được phục hồi và trở nên rất phổ biến trong xã hội hiện đại [5].
Ở thị trường ngách hiện nay, khách hàng sẽ được trải nghiệm các dịch vụ và sản phẩm có tính cá nhân hóa cao, mang lại trải nghiệm mới mẻ. Bên cạnh đó, thị trường cũng mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận cao, dù quy mô có phần nhỏ hơn nhiều so với các doanh nghiệp đại chúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc liên tục đổi mới chiến dịch marketing và phát triển thương hiệu là rất quan trọng với các start-up theo hướng này để không bị đào thải khỏi thị trường đầy cạnh tranh.
Trên thế giới, một số doanh nghiệp đi theo hướng thị trường ngách thành công và được biết đến rộng rãi có thể kể đến như Leica, Dr.Martens, Tesla, Rolex, Aesop, …
Thực trạng thị trường đại chúng và thị trường ngách tại Việt Nam
Thị trường đại chúng
Thị trường đại chúng tại Việt Nam có sự tăng trưởng đều và mạnh trong nhiều năm nay. Bên cạnh các doanh nghiệp đại chúng quốc tế đã có tên tuổi tại Việt Nam như Unilever, CocaCola hay Grab, Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều doanh nghiệp và start-up trẻ thành công khi lựa chọn thị trường đại chúng là mục tiêu phát triển cho doanh nghiệp của mình. Một trong số những doanh nghiệp đó có thể kể đến là tập đoàn Masan với hơn 24 năm hình thành và phát triển. Tập trung vào lĩnh vực chế biến các loại thực phẩm cần thiết cho mỗi gia đình như nước chấm, mì ăn liền hay đồ uống. Chính nhờ tiếp cận trực tiếp tới những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, đồng thời có chất lượng sản phẩm tốt nhưng giá thành phù hợp với số đông.
Một thương hiệu khác có thể kể đến chính là VieOn - nền tảng giái trí trực tuyến hiện đang rất thịnh hành tại Việt Nam. VieOn đã đi trước một bước khi nắm được tiềm năng phát triển mạnh của văn hóa đại chúng tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đã đứng ra tổ chức và phát triển các chương trình giải trí riêng, theo đúng nhu cầu và sở thích của thị trường nội địa. Chính nhờ điều này, VieOn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khán giả nước nhà.
Những thành công này phần lớn phụ thuộc vào quy luật cung cầu, khi các doanh nghiệp đáp ứng được các nhu cầu của người tiêu dùng về dịch vụ và dịch vụ hiện còn thiếu trên thị trường. Đồng thời, sự kết hợp của các yếu tố công nghệ và tìm hiểu thị trường cũng là một chìa kháo quan trọng giúp các doanh nghiệp đại chúng trong thời buổi hiện nay.
Thị trường ngách
Dù không có quy mô lớn và được biết đến rộng rãi như thị trường đại chúng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đã tìm kiếm được nhiều cơ hội phát triển mạnh qua hướng tiếp thị ngách. Các start-up theo hướng thị trường ngách đã đặc biệt thành công trong việc tăng độ phủ sóng và nhận diện thương hiệu nhờ tận dụng được các ưu thế sẵn có.
Một ví dụ điển hình chính là thương hiệu Nerman. Được thành lập vào giữa năm 2019, Nerman là nhãn hàng chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp dành cho nam giới, một thị trường ngách đầy tiềm năng tại nước ta. Sau thời kì khó khăn của đại dịch, nắm được xu thế thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại Việt Nam, thương hiệu này đã có nhiều thành tựu đáng kể. Mới qua quý I/2022, Nerman đã có khoảng 150.000 khách hàng và hơn 330.000 sản phẩm trên các kênh bán hàng online [6].
Tiềm năng tăng trưởng và rủi ro trong năm 2025
Đối với Việt Nam, năm 2025 chính là thời điểm vàng để các cá nhân hay nhóm cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp dần thực hiện hóa những hoài bão đầy sáng tạo của mình. Vì vậy, việc hiểu và đưa ra định hướng đúng đắn cho doanh nghiệp là rất quan trọng.
Đối với thị trường đại chúng
Trong năm tới, đối tượng khách hàng chính của thị trường đại chúng sẽ là những gia đình ở tầng lớp trung lưu. Tại Việt Nam, sự gia tăng của tầng lớp này sẽ thúc đẩy các nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm phổ thông như thực phẩm, thời trang hay điện tử, dịch vụ giải trí. Sự phát triển nhanh chóng của các loại hình công nghệ, thương mại điện tử, ngành quảng cáo và truyền thông cũng sẽ là một trong những tiềm năng thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển theo hướng đại chúng có thể củng cố vị thế trong thị trường.
Do vậy, năm 2025 sẽ là cơ hội lớn đối với các startup kinh doanh công nghệ như Fintech, Edtech hay Healthtech. Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa nhanh chóng song song với sự bùng nổ của du lịch nội địa và quốc tế sẽ tạo ra thêm nhiều lĩnh vực khởi nghiệp mang lại lợi nhuận cao như ngành bán lẻ, bất động sản, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Việc tập trung vào đầu tư giáo dục và đào tạo cũng sẽ là một lựa chọn thông thái của năm 2025 khi xu thế học tập suốt đời, trau dồi kỹ năng số tăng cao tại nước ta, đặc biệt ở nhóm dân số trẻ và lao động phổ thông.
Tuy nhiên, năm 2025 chắc chắn vẫn sẽ mang lại những thách thức không hề nhỏ với các startup trẻ lựa chọn thị trường đại chúng tại Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến là sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường khi các doanh nghiệp lớn tại Việt nam chuyên cung cấp các mặt hàng cho đại chúng đã có những thành công riêng và ghi được dấu ấn lớn đối với người tiêu dùng. Hơn thế nữa, khách hàng trong thị trường cũng luôn không ngừng lựa chọn các sản phẩm và nhãn hàng có giá thành hợp lí, phải chăng hơn trong thời buổi hiện nay. Vì vậy, nếu không tìm ra hướng đi mới hay có những sản phẩm khác biệt nhưng thực tiễn cùng chi phí sản xuất được tối ưu hóa, các startup trẻ có nguy cơ sẽ sớm bị loại bỏ khỏi thị trường đầy cạnh tranh tại Việt Nam.
Ngoài ra, một số lĩnh vực của thị trường đang có dấu hiệu bão hòa như ngành điện tử tiêu dùng, khiến cho việc tăng trưởng doanh nghiệp càng trở nên không dễ dàng nếu thiếu đi sự khác biệt để nổi bật hơn so với các thương hiệu cùng mảng...
Đối với thị trường ngách
Sự khác biệt, độc đáo của thị trường ngách sẽ là điểm mạnh quý giá để các doanh nghiệp tận dụng và phát triển trong năm 2025. Với xu thế thị trường đại chúng có khả năng bão hòa, nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu dần được đáp ứng, việc người tiêu dùng tìm kiếm những mặt hàng hay dịch vụ đem lại trải nghiệm mới mẻ sẽ không ngừng tăng trong giai đoạn năm 2025.
Đặc biệt, năm 2025 được dự đoán là một năm của sự vươn mình, vì vậy, việc tập trung vào thị trường ngách có thể sẽ là “mỏ vàng mới” với các ý tưởng khởi nghiệp vào năm tới. Đồng thời, khách hàng ngày nay đang có xu hướng ưu ái với các sản phẩm có tính cá nhân hóa bảo vệ môi trường do sự tăng nhanh của các chiến dịch phát triển bền vững.
Đây sẽ là cơ hội tích cực giúp các doanh nghiệp trẻ sớm thành công và có được sự trung thành nhất định từ nhóm khách hàng mục tiêu. Với đặc tính ít cạnh tranh và những hỗ trợ công nghệ, vốn, đào tạo, … từ chính phủ, các startup theo hướng thị trường ngách chắc chắn sẽ có bước đà vững chắc để ngày một tăng trường tại nước ta vào năm 2025.
Dù vậy, thị trường ngách vẫn còn nhiều hạn chế mà các cá nhân sẽ cần lưu tâm khi quyết định khởi nghiệp. Chủ yếu hướng tới đối tượng khách hàng rất nhỏ và có đặc tính, sở thích riêng, thị trường ngách có thể giới hạn tiềm năng doanh thu của doanh nghiệp, khiến việc duy trì sản xuất trở nên khó khăn.
Thêm nữa, chính quy mô nhỏ này cũng có thể là "con dao hai lưỡi", bởi nếu không tìm hiểu kĩ thị trường mục tiêu ngay từ ban đầu, doanh nghiệp rất dễ bị mắc sai lầm trong quá trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, từ đó dẫn đến sự lãnh phí vốn đầu tư hay thậm chí là phá sản do không nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng.
Song song với tình trạng này, sự thay đổi nhu cầu hiện tại ở thị trường Việt Nam là không hề nhỏ và có thể diễn ra bất chợt, khó lường. Do vậy, việc tập trung xác định và dự đoán kĩ lưỡng xu thế của năm 2025 sẽ là điều kiện tiên quyết để các startup trẻ gặp hái thành công trong thời gian tới.
Trong xu thế phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2025, các cá nhân cần nắm bắt thời cơ quan trọng này để dần thực tế hóa các ý tưởng kinh doanh của mình. Việc xác định rõ hướng đi trong tương lai cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng tại những giai đoạn sơ khai nhất. Các startup trên nên tìm hiểu rõ đặc điểm của thị trường và cân nhắc với những ý tưởng ban đầu. Việc tìm ra đúng thị trường mục tiêu sẽ góp phần xây dựng sự trung thành của khách hàng và xây dựng vị thế doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, việc tự nhìn nhận và đánh giá khách quan nguồn lực của startup trước khi hoạt động sẽ là một trong những bước cần phải làm để tránh những rủi ro tiềm tàng về vốn và nhân sự.