Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Startup Việt hút vốn đầu tư

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều lợi thế từ chính sách cho đến chất lượng con người đã giúp Việt Nam dần nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, việc có được những bước tiến nhanh trong các lĩnh vực mới như Metaverse và Blockchain đã giúp các startup Việt luôn có được vị trí ưu tiên trong mắt nhà đầu tư.

Điểm đến của startup công nghệ

Khi đánh giá về vị trí của Việt Nam trên bản đồ startup công nghệ thế giới, ngân hàng HSBC khẳng định, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore. Có cùng ý kiến tương tự là ngân hàng ADB khi tin tưởng rằng “kỳ lân” khởi nghiệp trong giới công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam. Những nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở nếu biết trong khoảng 3 năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư vào các startup của Việt Nam, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp công nghệ đã liên tục tăng cao.

Khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết
Khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết

Trong năm 2021, nguồn tiền đổ vào này đã chiếm tới 13% tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ các startup của khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, năm 2021, đã có 1,3 tỷ USD được đổ vào các startup Việt, tăng gấp 4 lần năm 2020, với nhiều thương vụ đình đám như Tiki (258 triệu USD), VNLife (250 triệu USD), Loship (50 triệu USD)… Trong năm 2022 con số này dự kiến sẽ vượt mốc 2 tỷ USD với nhiều thương vụ đã được hoàn thành, có thể kể đến như Sky Mavis (150 triệu USD), OnPoint (50 triệu USD) hay Timo (20 triệu USD) …

Theo nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức đầu tư, nguyên nhân khiến startup công nghệ Việt hút vốn là do Việt Nam đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành một trung tâm khởi nghiệp mang tầm quốc tế. Dân số trẻ, độ phủ internet cao, lượng người sử dụng smartphone lớn cùng sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển DN công nghệ.

Trên thực tế, không phải mới gần đây, mà từ nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ đã liên tục có nhiều đổi mới về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khởi nghiệp. Có thể kể đến như năm 2017 với Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đây được xem là cột mốc quan trọng nhằm tạo ra môi trường khởi nghiệp đầy năng động như ngày hôm nay.

Ngay cả trong Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước nhanh và bền vững sẽ chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Bên cạnh mở đường về chính sách, Chính phủ cũng đã cụ thể hóa việc hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp thông qua xây dựng hàng loạt các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp như Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF), Cơ quan Quốc gia về Phát triển Công nghệ, Doanh nhân và Thương mại hóa (NATECD), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia (NSSC), Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (NIC).

Cùng với đó là hàng loạt các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam cũng ra đời như: Vietnam Venture Summit, Techfest, Festival khởi nghiệp, Startup Wheel, Vietnam Startup Day, Vietnam Innovation Summit, Startup Kite… Đây đều là những bệ đỡ quan trọng giúp cho lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam có thể phát triển bùng nổ trong 2 năm trở lại đây.

Ngoài ra cũng phải kể đến sự “xôm tụ” của hơn 100 quỹ đầu tư ngoại và hàng loạt DN trong nước cũng tham gia vào lĩnh vực này nhằm tìm những dự án khởi nghiệp có tiềm năng trong tương lai.

Còn nhiều cơ hội mới

Vào cuối tháng 10/2022 vừa qua, tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2022, startup công nghệ Việt có tên Airlios đã thu hút được nhiều sự chú ý của khách tham quan cũng như nhà đầu tư về mẫu môtô bay cá nhân của mình. Loại phương tiện này được cho là sẽ rất có tương lai trong lĩnh vực du lịch cũng như vận chuyển hàng hóa, hành khách, cứu hộ, cứu nạn.

Điểm đặc biệt của Airlios không chỉ nằm ở sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao mà đây còn là startup đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á hướng tới phương tiện bay cá nhân. Ngay cả trên thế giới phân khúc này cũng đang mới ở giai đoạn đầu phát triển và quy mô chỉ đạt khoảng hơn 3 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, tới năm 2030, lĩnh vực này được dự đoán sẽ có dung lượng thị trường vào khoảng 30 tỷ USD.

Đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho nhận định rằng: Startup Việt vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là với những lĩnh vực chúng ta đang ở tương đương hoặc không thua kém quá nhiều so với thế giới. Hiện tại, với Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), bảo mật và Metaverse, Việt Nam đang đứng ngang hoặc có cùng điểm xuất phát với các quốc gia khác. Đây chính là cơ hội.

Sự thành công của Sky Mavis với game Axie Infinity dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain cũng là điển hình cho câu chuyện nắm bắt cơ hội mới. Với việc ứng dụng Blockchain vào game từ khá sớm nhằm đón đầu xu hướng đã giúp Axie Infinity thu được hàng trăm triệu USD đầu tư cùng mức vốn hóa có thời điểm lên tới 8,5 tỷ USD. Cho tới hiện tại, Axie Infinity vẫn là một trong những sản phẩm Blockchain thành công nhất trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab Đặng Khánh Hưng, các startup bước vào các lĩnh vực mới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Do thuộc nhóm đi đầu nên vẫn sẽ là tự đi, tự dò đường thay vì đi theo con đường có sẵn như các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó tâm lý cho rằng startup là phải kiếm tiền thật nhanh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Cần phải có thời gian, sự kiên nhẫn cùng quyết tâm thì mới có thể tạo ra một startup tốt, được người dùng ủng hộ, đó mới là hướng đi đúng đắn.

Việc Việt Nam thường đi sau so với thế giới về công nghệ không phải điều lạ nhưng ở những mảng mới như Metaverse và Blockchain thì hoàn toàn ngược lại. Nói theo cách khiêm tốn thì khoảng cách đã được thu nhỏ, còn nếu nói tự tin thì khoảng cách là không còn.
Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab Đặng Khánh Hưng