Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

STEAM for Vietnam: Ươm mầm tài năng công nghệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn trong tương lai Việt Nam sẽ có nhiều công ty công nghệ, nhiều sản phẩm công nghệ ở quy mô toàn cầu do chính trẻ em Việt Nam hôm nay là những người làm chủ, TS Trần Việt Hùng - Founder dự án STEAM for Vietnam đã xây dựng nên một nền tảng dạy lập trình miễn phí cho trẻ em.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
TS Trần Việt Hùng là một người không xa lạ trong giới startup. Dự án Got It do anh làm CEO & Founder là một trong số ít startup được sáng lập bởi người Việt thành công tại thung lũng Silicon. Got It hiện thường xuyên ở trong top 10 ứng dụng giáo dục tại Apple Store của Mỹ. Nguồn vốn từ các nhà đầu tư vào Got It đến nay là hơn 25 triệu USD.
Ngoài mảng giáo dục, Got It đã nhanh chóng phát triển sang các lĩnh vực khác với mục tiêu tiếp cận hàng triệu người dùng có nhu cầu cung cấp kiến thức trên toàn thế giới. Hiện công ty có trụ sở ở 3 quốc gia là Silicon Valley (Mỹ), Ấn Độ và Việt Nam. Anh cũng là thành viên trẻ tuổi nhất trong Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục & đào tạo giai đoạn 2015 – 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
 Tiến sỹ Trần Việt Hùng - Founder STEAM of Vietnam. Ảnh: Phương Nga
Được đi du học và tiếp cận với nền công nghệ tân tiến nhất thế giới, TS Trần Việt Hùng luôn đau đáu về lực lượng làm công nghệ trong nước và mong muốn mang những công nghệ đó đến gần với trẻ em Việt Nam, xây dựng một thế hệ người Việt giỏi về công nghệ.
Để hiện thực mong muốn của mình, năm 2020, anh tiếp tục khởi nghiệp với dự án STEAM for Vietnam - một tổ chức phi lợi nhuận nhưng cách thức vận hành, tăng trưởng giống như một startup công nghệ. Dự án dạy lập trình miễn phí cho trẻ em Việt trên toàn cầu, bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt tài năng trên khắp thế giới.

Chia sẻ về lý do quyết định dồn tiền của, công sức vào triển khai dự án, anh Hùng cho biết, mùa Hè năm 2019, sau khi tiếp nhận một số học sinh trung học cơ sở vào công ty thực tập, anh đã đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về khả năng tiếp thu và sáng tạo với công nghệ của trẻ em Việt Nam. Chỉ sau 3 tháng thực tập, các em đã làm ra những sản phẩm công nghệ khiến nhiều người phải kinh ngạc.
“Ở lứa tuổi từ 8 – 13 tuổi là độ tuổi vàng để học công nghệ. Có thể lấy ví dụ những người thành công trên thế giới như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Elon Musk… đều học lập trình, làm quen với máy tính và công nghệ từ lứa tuổi lên 10. Trên nền tảng đó, họ đã có những sáng tạo không giới hạn trong bước đường thành công sau này” – anh Hùng dẫn chứng.

Thêm vào đó, thời điểm năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát được xem là thời điểm chín muồi để dự án đến gần hơn với người dân. Bởi, trong thời gian phòng dịch, mọi người dành nhiều thời gian rảnh ở nhà hơn và cũng bắt đầu chấp nhận học online. “Tôi cho rằng, STEAM for Vietnam ra đời đã hội tụ đủ 3 yếu tố gồm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đây là cơ sở để dự án đi nhanh và đi xa hơn” – anh Hùng cho hay.

Mang công nghệ tiên tiến nhất tới trẻ em Việt

STEAM for Vietnam là khóa học đặc biệt dành cho các học sinh từ 8 - 16 tuổi lần đầu tiên làm quen với lập trình máy tính. Các em sẽ được đào tạo nhập môn tư duy máy tính và lập trình Scratch; nhập khoa học máy tính với Python; thiết kế và lập trình Robotics với VEX IQ. Hình thức đào tạo trực tuyến, “học mà chơi, chơi mà học” bởi đội ngũ giảng viên là các kỹ sư phần mềm đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Với việc áp dụng mô hình giáo dục Online merge Offline đã tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ trong việc truyền tải kiến thức một cách tương tác tới một số lượng lớn người học ở nhiều nơi khác nhau. Founder STEAM for Vietnam cho biết, STEAM for Vietnam ra đời đã giải quyết được 3 vấn đề. Đầu tiên là tăng quy mô lớn về giáo viên giỏi. Nhờ giải pháp công nghệ, một giáo viên giỏi có thể cùng lúc dạy cho hàng nghìn học sinh, cả ở thành thị và nông thôn.
Vấn đề thứ 2 là thay đổi về độ bao phủ. Nếu theo mô hình truyền thống thì phải xây trường, quảng cáo, tuyển sinh. Nhưng với giải pháp này, mọi học sinh trên mọi miền tổ quốc, vượt ra khỏi tầm khu vực đều có thể tham gia. Vấn đề thứ 3 là tính cá nhân hóa. Mỗi học sinh đều có thể tự do sáng tạo theo sở trường cá nhân.

Để tạo hiệu quả và kích thích khả năng sáng tạo của mỗi học sinh, mỗi khóa học được thiết kế giống một show truyền hình, mỗi buổi học lại giống như một tập phim. Sau mỗi khóa học, các em sẽ có những sản phẩm cụ thể. Không chỉ dạy chuyên môn, dự án còn dạy các kỹ năng mềm khác như kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình… Đặc biệt, trong danh sách giảng viên, còn có một số người có tầm ảnh hưởng lớn như TS Jeremy Frank – một nhà khoa học nổi tiếng đang làm việc ở NASA, hay các chuyên gia tới từ Đại học Harvard, chuyên gia của Google, Microsoft.

Theo TS Trần Việt Hùng, mặc dù vận hành bài bản, được người dùng đón nhận, nhưng dự án vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Đầu tiên là quy mô quá lớn là bài toán khó của cả nhóm. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghĩ ra cách bắt tay với nhiều đối tác cùng vì mục tiêu chung.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng công nghệ ở Việt Nam chưa đồng đều cũng là trở ngại của dự án. Bước qua những rào cản đó, mùa Hè năm 2021, dự án dự kiến tổ chức một bus tour chạy dọc đất nước, vào cả các làng, bản dạy lập trình, giúp các em làm quen với máy tính để nhiều trẻ em thấy được cơ hội.

Với ý nghĩa nhân văn và thiết thực của dự án, ngay khóa học đầu tiên đã có 7.000 trẻ em Việt trên 34 quốc gia trên thế giới đăng ký học lập trình; khóa học mùa Xuân có 11.000 người đăng ký. Dự kiến vào học kỳ mùa Hè, dự án sẽ có tổng số 30.000 học viên đăng ký học.