Sự chung tay của người dùng sẽ giải quyết triệt để vấn nạn cuộc gọi rác

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những nỗ lực từ cơ quan quản lý Nhà nước thông qua các văn bản luật hay biện pháp kỹ thuật từ nhà mạng là chưa đủ để ngăn chặn cuộc gọi rác. Do đó, cần sự phối hợp của người dùng nhằm giải quyết triệt để vấn nạn này.

Hơn 74 triệu cuộc gọi rác từ đầu năm

Là một kiến trúc sư có lịch trình công việc hàng ngày vô cùng bận rộn nhưng mỗi khi thấy một số điện thoại lạ gọi đến là chị Hoàng Giang (Hà Nội) lại thêm một lần “đấu tranh” nghe hay không nghe. Bởi lẽ, đây có thể là cuộc gọi giúp chị Giang có thêm đầu việc mới hoặc có thể chỉ là một cuộc gọi rác. Thật đáng buồn khi tỷ lệ số cuộc gọi làm phiền ngày càng gia tăng.

Cuộc gọi rác đang bùng phát mạnh trong thời gian gần đây
Cuộc gọi rác đang bùng phát mạnh trong thời gian gần đây

"Trung bình mỗi ngày tôi phải nhận ít nhất 3-5 cuộc điện thoại quảng cáo, từ chào mới mua bất động sản, bảo hiểm cho đến đầu tư chứng khoán. Việc nghe điện thoại từ số lạ thực sự là ám ảnh với tôi, không nghe thì sợ do khách hàng liên hệ, nghe thì lại bực mình vì cuộc gọi rác. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, tôi đã chặn hơn 200 số điện thoại nói trên nhưng tới hiện tại, tôi vẫn bị làm phiền bởi những cuộc gọi kiểu này" - chị Giang than phiền.

Cũng theo chị Giang, cách đây 6 tháng, trong khi mang bầu cháu thứ 2, chị đã nhận được một cuộc gọi mua bảo hiểm. Mặc dù chị đã từ chối với lý do mua bảo hiểm rồi nhưng người hỏi vẫn khẳng định chị chưa hề mua, đồng thời, gợi ý nên mua cả cho đứa con sắp sinh. "Lúc đó, tôi thực sự ngạc nhiên khi không hiểu vì sao thông tin tôi sắp sinh con mà bên bán bảo hiểm cũng nắm được, ai đã để lộ thông tin cá nhân của tôi"- chị Giang bức xúc đặt câu hỏi.

Không chỉ có người dân bình thường, ngay cả đại biểu Quốc hội cũng đau đầu về vấn nạn cuộc gọi rác. Vào giữa tháng 8/2022 vừa qua, tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã nói rõ thực trạng, nhiều khi đang họp phải nhận các cuộc gọi, tin nhắn rác liên quan bán bất động sản, hàng hoá này kia làm mất thời gian. 

Đáng chú ý, cuộc họp mà ông Vũ Hồng Thanh tham gia là buổi góp ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đặt ra vấn đề, cần phải bảo vệ quyền lợi người dùng bằng các văn bản luật cụ thể khi tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác đang ngày càng gây ra nhiều phiền toái.

Theo một thống kê từ Bộ TT&TT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan này đã ghi nhận được hơn 74 triệu cuộc gọi rác, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Về phần các doanh nghiệp viễn thông đã tiến hành chặn hơn 113.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Đây thực sự là con số đáng báo động về vấn nạn này.

Cần sự hỗ trợ từ người dùng

Trên thực tế, việc mạnh tay ngăn chặn tin nhắn rác cũng như cuộc gọi rác đã được Bộ TT&TT cùng các nhà mạng tiến hành từ nhiều năm trở lại đây. Ngay từ năm 2020, các nhà mạng đã đồng loạt triển khai giải pháp kỹ thuật như: quản lý thông tin thuê bao di động, dừng phát hành thuê bao mới trên kênh phân phối, xử lý thuê bao ảo, thu hồi sim rác kích hoạt sẵn… Đây đều được coi là yếu tố phát sinh cuộc gọi rác.

Các nhà mạng cùng ký cam kết xử lý cuộc gọi rác, tin nhắn rác
Các nhà mạng cùng ký cam kết xử lý cuộc gọi rác, tin nhắn rác

Sau những đợt “truy quét” nói trên, đã có hàng trăm nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý, hàng triệu sim kích hoạt sẵn trên hệ thống phân phối bị thu hồi. Từ đó, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo lập thị trường viễn thông lành mạnh, an toàn.

Và mới đây nhất, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT, các nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel, Reddi và Gmobile đã cùng ký vào bản thỏa thuận cam kết cùng nhau thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác, quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.

Bộ TT&TT cũng thể hiện rõ quan điểm “triệt tiêu đến cùng cuộc gọi rác” khi giao Cục Viễn thông và Thanh tra Bộ giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện cam kết nói trên. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đưa ra khả năng sẽ mời công an vào cuộc xử lý những sai phạm liên quan đến phát tán tin nhắn rác và cuộc gọi rác.

Mặc dù cơ quan quản lý và các nhà mạng đang rất nỗ lực trước vấn nạn cuộc gọi rác nhưng theo Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng chỉ thế thôi là chưa đủ. Tỷ lệ phản hồi của khách hàng chính là sở cứ giúp nhà mạng tìm ra và chặn đứng cuộc gọi rác. Người dùng cần có trách nhiệm chung tay cùng cơ quản lý nhà nước, các nhà mạng giải quyết câu chuyện này. 

Tin nhắn của Bộ TT&TT đề nghị người dùng phối hợp nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác
Tin nhắn của Bộ TT&TT đề nghị người dùng phối hợp nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác

"Người dùng cần thấy được quyền và nghĩa vụ của họ khi trợ giúp nhà mạng và cơ quan quản lý thực thi pháp luật xử lý vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo" - ông Nguyễn Hồng Thắng khẳng định.

Từ đó, đại diện Cục Viễn thông cũng đề nghị người dân khi nhận được tin nhắn khảo sát của nhà mạng được gửi tới ngay sau khi các cuộc gọi có dấu hiệu nghi ngờ là cuộc gọi rác hãy chủ động phối hợp chọn phương án trả lời “Có” hoặc “Không” nhằm giúp các nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác những cuộc gọi vi phạm. Đồng thời, đây cũng là cơ sở đề giúp cơ quan quản lý có thông tin chính xác nhằm đưa ra chế tài quản lý phù hợp.

Bên cạnh việc trả lời tin khảo sát của nhà mạng, người dân có thể chủ động phản ánh về trường hợp cụ thể nghi ngờ đã thực hiện hành vi cuộc gọi rác thông qua tổng đài 5656, website https://thongbaorac.ais.gov.vn của Bộ TT&TT hoặc tổng đài CSKH, các ứng dụng của nhà mạng.

Nói về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh, cần thiết sự chung tay của cả xã hội mới để giải quyết triệt để vấn nạn cuộc gọi rác. Chính người dùng sẽ quyết định một thuê bao có phải là thuê bao rác, thực hiện cuộc gọi rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý các thuê bao này dựa trên quy định đã có.     

Bộ TT&TT sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý sim rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể để người dân phải chịu gánh nặng này, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định.