Theo đó, Cục Hàng không đề xuất kiến nghị trình Chính phủ tiến hành công tác điều tra tai nạn các quy định trên với sự tham gia của các bộ, ban ngành liên quan và quốc gia thiết kế, quốc gia chế tạo, nhà sản xuất máy bay, sản xuất động cơ máy bay.
Hiện nhà sản xuất máy bay Bell Helicopter và Ủy ban An toàn vận tải Canada đã gửi thư đến Cục Hàng không đề nghị hỗ trợ, cử đại diện tham gia điều tra nguyên nhân tai nạn.
Theo nhà chức trách hàng không, trước khi xảy ra vụ trực thăng rơi tại vịnh Hạ Long, Công ty Trực thăng miền Bắc khai thác hai máy bay Bell 505 có số đăng ký là VN-8650 và VN-8651. Các máy bay được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ theo nội dung đã được phê duyệt. Hai trực thăng này đã có 682 giờ bay chở khách du lịch với hơn 7.000 lượt hành khách.
Máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 bị tai nạn có tổng số giờ bay tính đến lúc rơi là 488 giờ. Trực thăng này đã có 2.655 lần cất/hạ cánh. Còn phi công lái trực thăng gặp nạn có giấy phép lái máy bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6-2026.
Về điều kiện thời tiết, khí tượng khi xảy ra tai nạn, Cục Hàng không Việt Nam cho biết thời điểm xảy ra sự việc tầm nhìn đạt từ 6 đến 8 km; nhiệt độ 26 độ C, hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt.
Trước đó, trong công điện về vụ việc, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn. Bộ GTVT được giao hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và phối hợp với Bộ Quốc phòng bảo đảm công tác an toàn bay và kỹ thuật hàng không.
Nạn nhân thứ 5 trong vụ trực thăng rơi ở Vịnh Hạ Long cũng đã được tìm thấy vào khoảng 8h sáng nay (ngày 7/4), tại khu vực cách các mảnh vỡ trực thăng được tìm thấy khoảng vài trăm mét thuộc vùng biển xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Việc cứu hộ toàn bộ 5 nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay trực thăng Bell 505 đã được hoàn tất. Hộp đen cùng các mảnh vỡ máy bay cũng đã được trục vớt từ ngày 6/4 và đưa về đất liền để phục vụ công tác điều tra.