Sự cố sập công trình xây dựng: Hậu quả của quản lý, giám sát lỏng lẻo

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sập tường tầng 3 tại trường Tiểu học Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng hồi tháng 8/2017, rồi dự án trường Mầm non Vườn Xanh, quận Nam Từ Liêm bị đổ sập đêm 25/9… một lần nữa báo động về chất lượng công trình ngay từ khâu thi công.

Lãnh đạo Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) nhận định, các sự cố xảy ra bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, phần lớn do sự quản lý lỏng lẻo của chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị giám sát.
Tan hoang sau… một đêm
Hiện dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ sập công trình trường Mầm non Vườn Xanh (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm). Liên quan đến sự cố bất thường này, các cơ quan chức năng đang khẩn trương xem xét để tìm ra nguyên nhân chính xác. Hiện trường công trình là toàn bộ phần sàn và cột tại khu vực từ tầng 1 đến tầng 3 đều bị sập và gãy; sàn cột bị gãy có xu hướng đổ, sàn cốt 0.00 bị võng xuống. Phần diện tích bị sập chiếm khoảng 498/749m2 sàn.
Đây là minh chứng mới nhất về tình trạng công trình kém chất lượng từ giai đoạn thi công xây dựng  - một mối lo ngại đã tồn tại nhiều năm qua ở các đô thị lớn. Làn sóng xây dựng ồ ạt đã khiến ở nhiều nơi, việc thiết kế và khảo sát địa chất không được tiến hành chu đáo, quá trình xây dựng không được giám sát chặt chẽ, tình trạng xây ẩu, sử dụng vật liệu không đủ tiêu chuẩn trở nên tràn lan.

Công trường xây dựng sập tường tầng 3 tại trường Tiểu học Đồng Tâm, Hai Bà Trưng. Ảnh:  Thảo Phương

Trước đó, vào trung tuần tháng 8, bức tường lớn của tầng 3 tòa nhà trường Tiểu học Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bất ngờ đổ ập xuống ngõ 128C Đại La vào 22 giờ đêm. Nguyên nhân sau khi được công bố không nằm ngoài dự án: Trong quá trình thi công, do bức tường của trường yếu nên dẫn đến sập đổ.
Ý kiến lo ngại về tình trạng lỏng lẻo trong công tác quản lý xây dựng đô thị cũng đặc biệt rộ lên kể từ sau khi xảy ra vụ sập đổ ngôi nhà 43 Cửa Bắc hồi tháng 8/2016. Bài toán xây chen trong đô thị luôn là nhiệm vụ khó khăn nhất mà chính quyền phải có sự quan tâm đặc biệt. Các công trình nhà ở có tuổi thọ trên dưới 100 năm, kết cấu chịu lực như tường, trụ bằng gạch, sàn nhà bằng gỗ hoặc sàn sang gạch nên rất yếu khi nhà bị lún lệch. Các ngôi nhà này đã cân bằng ổn định trong hàng chục năm rồi nên khi ngôi nhà bị lún không đều sẽ bị nứt vì sàn nhà không có độ cứng theo phương ngang, không có khả năng phân bố tải trọng ra các kết cấu chịu lực của tòa nhà. Độ lún lệch này ở các khu phố cổ của Hà Nội xuất hiện do hiện tượng lún ảnh hưởng bởi nền ngôi nhà bên cạnh bị vồng lên (do ngôi nhà lân cận được tháo dỡ) hoặc võng xuống (do ngôi nhà lân cận thi công móng mới).
 Ngừng thiên về “báo cáo”
PGS.TS Trần Chủng – Trưởng Ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) nhìn nhận rằng: Chúng ta đang hành chính hóa hoạt động của chính quyền các cấp là “báo cáo”. Thực tế, có quá nhiều báo cáo nhưng thiếu các kiến nghị cụ thể. Sau mỗi sự việc xảy ra như sập đổ ngôi nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo, ngôi nhà 43 Cửa Bắc… hay mới đây nhất là đổ sập tường tầng 3 tại trường Tiểu học Đồng Tâm và công trình trường Mầm non Vườn Xanh, chúng ta lại ồn ào quan tâm và các chỉ thị, nghị quyết được đưa ra nhưng các kế hoạch thực thi không có. Tất yếu, một thời gian sau, đâu vẫn hoàn đấy.
Một nội dung rất mới của Luật Xây dựng 2014 có Điều 127 về “Dừng khai thác, sử dụng công trình xây dựng”. Tại điều này, ghi rất rõ thẩm quyền của chính quyền quyết định dừng khai thác, sử dụng công trình khi có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng và cộng đồng. Vì vậy, các công trình đã hết thời hạn sử dụng, các công trình có nguy cơ mất an toàn, gây sự cố thì phải có biện pháp mạnh mẽ. Ở một số quốc gia phát triển, vì an toàn cho người dân, cho cộng đồng họ đã dùng các biện pháp rất quyết liệt như phong tỏa tòa nhà, cắt điện, nước…Việc làm đó suy cho cùng đều vì lợi ích của chính người dân.
Nhìn từ góc độ pháp lý, Luật sư Bùi Sinh Quyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, về trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố còn phải dựa trên các quy định trong hợp đồng. Đối với các dự án đang thi công, thông thường theo hợp đồng, sản phẩm chưa phải của chủ đầu tư mà đang là của nhà thầu. Nếu để xảy ra sự cố thì nhà thầu phải có giải pháp không ảnh hưởng chậm toàn tiến độ và chịu toàn bộ chi phí khắc phục.
Bằng phương pháp trực quan hiện trường sự cố sập trường Mầm Non Vườn Xanh, có thể thấy chất lượng liên kết giữa dầm sàn vào một số cột không tốt, bởi các đầu dầm đã bung ra ngoài liên kết khi bị phá hoại. Tại một số cột bị gãy, 4 thanh thép đầu dầm còn như nguyên vẹn (các thanh thép không còn liên kết với cột, trong đó có 2 thanh phía trên chịu kéo và 2 thanh thép phía dưới chịu nén khi làm việc). Điều này thể hiện liên kết neo (chiều dài, cấu tạo neo) của các thanh cốt thép này vào cột hầu như không có tác dụng. Để xác định lỗi này do thiết kế hay thi công cần phải kiểm tra thêm hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.
 TS Mỵ Duy Thành - Khoa Công trình, Đại học Thủy lợi

Sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã có trao đổi với nhà thầu thi công là Công ty TNHH Thương mại và kỹ thuật Trần Vũ. Phía nhà thầu khẳng định đã làm đúng quy trình xây dựng. Công trình bị sập đổ không phải do chất lượng bê tông. Trước khi đổ bê tông, họ đã kiểm tra đạt yêu cầu nên mới cho đổ. Để khách quan, đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu và giám sát đang phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xác định nguyên nhân. Khi có thông tin chính thức, sẽ cung cấp cụ thể đến báo chí.
Nguyễn Ngọc Anh đại diện chủ đầu tư trường Mầm non Vườn Xanh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần