"Sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã giải đáp những băn khoăn của người dân liên quan đến tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, miền núi và vấn đề huy động nguồn vốn xã hội hóa, góp phần giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống.

Chính sách hỗ trợ chưa đủ sức xoay chuyển tình thế

Về việc triển khai các chính sách mới ban hành dành cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, triển khai các đề án, chương trình, chính sách mới hỗ trợ đồng bào các dân tộc, khu vực miền núi.

Năm 2013, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc, Chương trình hành động về công tác dân tộc đến năm 2020; xây dựng một số chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc; tiếp tục thực hiện Chương trình 135, giúp đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn thoát khỏi đói nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi có tác dụng to lớn, giúp đồng bào có điều kiện phấn đấu, tổ chức lại sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng, các chính sách này còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đủ sức xoay chuyển tình thế. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do một số chính sách ban hành đã lâu, đã lạc hậu, chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình hiện nay. Sự phân công quản lý, điều hành các chương trình còn chồng chéo, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng. Một số chính sách chưa được bố trí ngân sách kịp thời…

Phát huy tiềm năng, nội lực của từng vùng

Đồng tình với ý kiến cho rằng, việc nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc, miền núi phụ thuộc nhiều vào việc phát huy tiềm năng kinh tế của từng vùng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: mỗi địa phương, địa bàn có lợi thế riêng, các dân tộc cũng có những tập quán rất riêng biệt, do vậy cần căn cứ vào tình hình phát triển của mỗi vùng, miền để có những chủ trương, chính sách phù hợp.

Ngoài ban hành các chính sách chung đối với cả nước, Ủy ban Dân tộc đã ban hành những chính sách riêng cho từng vùng, miền; hỗ trợ riêng cho một số dân tộc đặc biệt khó khăn và ít người.

Đề cập vấn đề huy động nguồn vốn hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nhận định hiện nay, nguồn lực phân bổ cho một số chính sách vùng dân tộc, miền núi đạt tỷ lệ thấp.

Chính sách định canh, định cư; chính sách hỗ trợ việc làm cho đồng bào các dân tộc mới đạt trên 30%. Chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dự kiến năm 2014 mới đạt khoảng 7%.

Đứng trước tình hình khó khăn của nguồn lực trong nước, vấn đề xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước là hết sức quan trọng.

Vừa qua, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã ký hiệp định đầu tư tài trợ của Chính phủ Ireland với Chính phủ Việt Nam, số tiền trị giá gần 15 triệu euro giai đoạn 2013-2015.

Bộ trưởng khẳng định, năm 2014, Ủy ban Dân tộc sẽ phân bổ nguồn lực đến các địa phương, đảm bảo nguồn hỗ trợ sẽ đến tay đối tượng được thụ hưởng. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, do nguồn vốn ít ỏi, nên các địa phương cần sử dụng hiệu quả, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự bao cấp của Nhà nước.

Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và tổ chức quốc tế, các địa phương cần phát huy nội lực, chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo.