Song, không phải ai cũng là người sử dụng MXH một cách an toàn, đảm bảo các quy định của pháp luật. Nhận thức rõ thực trạng trên, những năm qua, các đơn vị chức năng quận Cầu Giấy đã triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ người dân trở thành “người sử dụng MXH thông thái".
Con dao hai lưỡi
Hiện nay, cùng với việc duy trì các biện pháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng thích ứng, sử dụng MXH như Facebook, Zalo để truyền tải thông tin một cách nhanh, chính xác nhất đến người dân.
Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân phải hạn chế ra đường, MXH đã giúp chính quyền địa phương quản lý, giám sát, điều trị người nhiễm Covid-19 hiệu quả, đồng thời đưa các chỉ đạo đến người dân kịp thời.
Song, trong bối cảnh nhiều MXH chưa quy định chặt chẽ việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn người sử dụng, dễ dẫn đến việc một bộ phận dùng đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật. Cụ thể, ngày 14/2/2020, Công an quận Cầu Giấy đã xử phạt 1 trường hợp đăng tải thông tin về việc có ca nhiễm Covid-19 tại một trường học trên địa bàn.
Ngay sau đó, Công an quận Cầu Giấy đã khẩn trương xác minh và khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Đồng thời, lập biên bản xử phạt hành chính đối với chủ tài khoản Facebook là chị N.T. H với số tiền 10 triệu đồng.
Đây chỉ là số ít trường hợp tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật trên MXH mà lực lượng chức năng quận Cầu Giấy đã lập biên bản, xử lý theo quy định. Song, điều này đã cho thấy mức độ nghiêm trọng khi sử dụng MXH chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Trần Hải Yến cho biết, phường nằm ở trung tâm của quận Cầu Giấy với diện tích 135ha, dân số gần 3 vạn người. Do đó, công tác phổ biến kiến thức pháp luật, đặc biệt là quy tắc ứng xử trên MXH luôn là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo phường quan tâm thực hiện.
Hằng ngày, thông qua hệ thống phát thanh, UBND phường đã dành một thời lượng lớn để tuyên truyền phổ biến những quy định và mức xử phạt đối với các hành vi đăng, chia sẻ thông tin sai sự thật trên MXH. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống các nhóm Zalo trên địa bàn do lãnh đạo UBND phường đóng vai trò là Quản trị viên, những quy định đó cũng được “ghim” lên đầu để tránh thông tin bị trôi, tăng khả năng tiếp cận thông tin của thành viên trong nhóm.
Hay tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Chủ tịch UBND phường Chử Mạnh Hùng cũng cho biết, việc sử dụng MXH ngày càng phổ biến, không chỉ để kết nối, chia sẻ thông tin, mà còn giúp nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn. Song, sử dụng, ứng xử trên MXH như thế nào cho đúng vẫn là câu chuyện không hề đơn giản.
Cũng theo ông Chử Mạnh Hùng, từ thực trạng trên, thời gian qua, ngoài việc thông tin, truyền thông qua các hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hệ thống loa truyền thanh và loa di động… với 4 tiêu chí : “Tôn trọng, tuân thủ pháp luật”; “Lành mạnh”; “An toàn, bảo mật thông tin”; “Trách nhiệm” theo Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, UBND phường đã xây dựng một trang Zalo riêng để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật nói chung và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nói riêng. Nhờ đó, đến nay ý thức của người dân trong việc chấp hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đã từng bước được nâng cao.
Nhằm phổ biến quy định, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trên môi trường mạng, từ tháng 9 - 11/2022, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng”. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của người dân, qua đó xây dựng thói quen tích cực, kỹ năng cần thiết để mỗi người tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh.