Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp: Giải pháp bền vững

Nguyễn Nga – Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển sản xuất phân bón hữu cơ (PBHC) góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất PBHC đang gặp nhiều khó khăn, cần có một chiến lược tổng thể và sự vào cuộc của toàn xã hội.

Nhiều khó khăn
Theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, nhu cầu sử dụng phân bón ở nước ta ước tính khoảng 11 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, người nông dân hiện nay đang dần mất đi tập quán sử dụng PBHC trước đây, thay vào đó là sử dụng phân bón vô cơ do tác dụng nhanh, hiệu quả trước mắt mà chưa chú ý đến tác hại lâu dài của việc lạm dụng phân bón vô cơ như thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường, dư lượng chất độc hại trong nông sản... Trong khi đó, số lượng cơ sở sản xuất cũng như sản phẩm phân bón vô cơ cao hơn nhiều lần so với PBHC đã gây mất cân đối nghiêm trọng trong sản xuất, sử dụng phân bón hiện nay.
 Nông dân Đan Phượng xử lý phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất. Ảnh: Ngọc Ánh
Tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với PBHC (713 sản phẩm PBHC và 13.423 sản phẩm phân bón vô cơ). Hiện nay, cả nước có 180 DN sản xuất PBHC, chiếm 24,5% trên tổng số 735 DN sản xuất phân bón đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20.000 – 500.000 tấn/năm). Tuy nhiên, chỉ có một số DN sản xuất đầu tư công nghệ tiên tiến, còn lại hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng một số sinh vật phổ biến để ủ nguyên liệu hữu cơ dẫn đến hiệu suất, hiệu quả sử dụng thấp.

Những năm gần đây, nước ta đã và đang tập trung vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón, hợp nhất công tác quản lý Nhà nước về một đầu mối là Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, chưa có cơ chế chính sách cụ thể về tín dụng, đất đai, thuế... để khuyến khích sản xuất, sử dụng PBHC. Ngoài ra, các chương trình khuyến nông để giới thiệu, đẩy mạnh sử dụng PBHC chưa được quan tâm đúng mức.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Hiện nay, ngành phân bón mới sản xuất được khoảng trên 1 triệu tấn PBHC, chủ yếu từ nguồn than bùn, chất lượng thấp. Vì vậy, để phát triển ngành PBHC đủ về số lượng và chất lượng thì Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có một chiến lược toàn diện về phát triển sản phẩm đặc hữu này. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cần coi sử dụng PBHC cho cây trồng là điều kiện bắt buộc trong sản xuất trồng trọt và phải được luật hóa trong Luật Trồng trọt đang được chuẩn bị. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN để khuyến khích sản xuất, sử dụng PBHC.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần tăng tỷ lệ sản xuất và sử dụng PBHC để có một nền nông nghiệp bền vững. Theo đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nguồn nguyên liệu để Việt nam có thể sản xuất PBHC là khá lớn. Ngành trồng trọt mỗi năm loại ra 40 triệu tấn rơm rạ, bã ngô, mía; ngành chăn nuôi loại ra 80 triệu tấn chất thải... Từ những nguồn này, mỗi năm có thể sản xuất từ 5 – 6 triệu tấn PBHC theo mô hình hộ nông dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, phát triển PBHC là giải pháp tất yếu để đưa nền nông nghiệp nước ta nâng cao giá trị gia tăng, hội nhập sâu hơn nữa với thị trường thế giới. Do đó, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân bón nói chung và PBHC nói riêng để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý phân bón.
Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích ưu tiên sản xuất và sử dụng PBHC từ nguyên liệu sẵn có trong nước; xây dựng quy hoạch quốc gia về sản xuất phân bón trên cơ sở cân đối giữa phân bón vô vơ và hữu cơ, nâng dần tỷ trọng sản xuất và sử dụng PBHC. Đồng thời, Bộ NN&PTNT yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện của chính quyền các cấp trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng PBHC.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tăng lượng PBHC sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất 3 triệu tấn/năm, xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm. Tăng tỷ lệ PBHC so với tổng sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%. Khuyến khích, vận động để đảm bảo ít nhất 50% trong tổng số đơn vị sản xuất phân bón cam kết sản xuất PBHC. Trong năm 2018 cơ bản hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về PBHC.