Sử dụng sách giáo khoa: Băn khoăn về sự lãng phí

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có xuất bản và sử dụng SGK được đặc biệt quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Đề xuất 2 chính sách mới
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trình lần này đề xuất thêm hai chính sách mới. Đó là không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc thêm diện miễn và hỗ trợ học phí, cơ quan soạn thảo luật đã tính đến tính khả thi về mặt tài chính. Khi thực hiện chính sách này, hàng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm để hỗ trợ để thực hiện là 4.730 tỷ đồng. Dự kiến, nguồn kinh phí thực hiện, cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Trong báo cáo thẩm tra Dự Luật, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho rằng, do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế. Một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cần bổ sung quy định Chính phủ trình UBTV Quốc hội trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục, trong đó làm rõ các nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.
Về lộ trình và tính khả thi của việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, việc này cũng đã được tính toán cụ thể, dự kiến, cần thực hiện trong 6 năm, mỗi năm chi phí hết hơn 120 tỷ đồng, số tiền này ngân sách có thể cân đối được. Khi thực hiện chính sách này, các trường trung cấp sư phạm sẽ không còn nữa mà được sáp nhập vào các trường cao đẳng hoặc trung tâm bồi dưỡng giáo viên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nói thêm, theo xu thế thế giới nói chung, phổ cập giáo dục bắt buộc thực hiện ở mức nào thì Nhà nước miễn học phí ở mức đó. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam đã phổ cập THCS và đang tiến tới phổ cập THPT nhưng Nhà nước mới miễn học phí ở cấp tiểu học. Trên cơ sở tính toán nguồn lực, Chính phủ đề xuất thực hiện theo lộ trình, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

SGK dùng một lần quá lãng phí

Vấn đề liên quan đến SGK, Điều 29 Dự Luật có quy định: Mỗi môn học có một hoặc nhiều SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. Nêu quan điểm không thể để nhà trường chọn SGK vì có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần có sự thống nhất, tuỳ thuộc vào đặc điểm địa phương có thể loại bớt nội dung nhưng phải đảm bảo tính tổng thể. Không thể có kiểu làm SGK mà mỗi trường một kiểu sách, một kiểu học. Như thế, có khả năng làm phát sinh tiêu cực lớn mà chương trình giáo dục sẽ không tổng thể, không toàn diện. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận xét, giáo dục hiện đang gây áp lực quá lớn cho trẻ nhỏ, cho gia đình. Cần nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, những môn học mang tính chất hàn lâm nên đưa ra khỏi chương trình.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri hiện nay rất bức xúc liên quan đến SGK sử dụng một lần vì quá lãng phí. Năm học 2018 - 2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa và 100 triệu bản này sang năm sẽ hoàn toàn không sử dụng. Trung bình mỗi năm phụ huynh học sinh phải chi tới 1.000 tỷ đồng mua SGK chỉ một mục đích là quyển sách đó sử dụng một lần do có phần bài tập đi kèm, sang năm tái bản nội dung vẫn như vậy, chỉ in lại phần bài tập. “Tới đây, áp dụng “một chương trình nhiều bộ SGK”, vấn đề này sẽ như thế nào” - bà Hải lo ngại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lo ngại vì học sinh bây giờ không có hè, không có tuổi thơ, vui chơi. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, không thể có SGK tự chọn được. “Giáo dục bây giờ rất khó, không làm cho học sinh tiếp thu dễ dàng, đặt ra những cái quá cao siêu, hàn lâm, khác hẳn với cách học ngày xưa. Bây giờ thực nghiệm đổi mới nhiều quá, khổ học sinh” – Chủ tịch Quốc hội bày tỏ. Đồng thời đề nghị bố trí thêm thời gian thảo luận vào thời điểm thích hợp về Dự Luật này.
Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt

Trước các tranh luận liên quan đến một số thí điểm trong giáo dục, điển hình là cách dạy và học tiếng Việt ở lớp 1 thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức, đây chỉ là phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là dạy phát âm cho trẻ mới bắt đầu đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt. Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương này. “Giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm nên trong quá trình đổi mới phải rất thận trọng nhưng không thể không làm. Và đã đổi mới thì phải có thử nghiệm, thực nghiệm nhưng tôi khẳng định lại cải cách tiếng Việt thì Chính phủ chưa có chủ trương này ít nhất trong những năm tới đây" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần