Kinhtedothi - Áp dụng thang điểm 20 cho 8 môn thi, thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ mới phải nộp lệ phí, có chứng chỉ ngoại ngữ được tính 20 điểm,…là những thông tin nóng nhất được ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT thông báo tại cuộc họp công bố dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, chiều nay 18/12.
Thi tốt nghiệp ngày 1, 2, 3, 4/7/2015
Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3. 4/7/2015, giống như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác, thời gian tổ chức này, các sở GD&ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
|
Thí sinh làm nhiều nhất 8 bài thi
Kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi. Với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình.
Lệ phí dự thi ổn định
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.
Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Trinh lưu ý, trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây, bình quân cả nước chỉ có khoảng dưới 20% thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Do đó, phần kinh phí dành cho tổ chức thi tốt nghiệp cũng sẽ giảm hơn nhiều so với các năm trước. Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách này cùng với làm tốt công tác xã hội hóa để tạo điều kiện đưa các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đến các cụm thi dự thi một cách an toàn, thuận lợi.
Đề thi tương tự thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ
Đề thi THPT quốc gia sẽ theo định hướng đánh giá năng lực học sinh, tác động tích cực đến việc dạy và học trong các nhà trường. Đề thi sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Có chứng chỉ ngoại ngữ được 20 điểm
Thí sinh có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Ông Mai Văn Trinh cho rằng trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với HS hoàn thành chương trình THPT.
Một lưu ý là điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.
Thang điểm 20 áp dụng cho 8 môn thi
Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng, Bộ GD&ĐT mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20. Việc này sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Với các lý do nói trên, Bộ GDĐT chủ trương sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia.