Sự gương mẫu phải từ nhận thức đến hành động

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, để việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đạt hiệu quả thiết thực, các đơn vị tại Hà Nội đang tập trung vào ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương. Trong đó, đặc biệt đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Cán bộ bộ phận một cửa UBND huyện Thanh Trì giải quyết thủ thục hành chính cho người dân. Ảnh: Phạm Hùng
Bằng những việc làm, hành động cụ thể
Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc "nêu gương" của cán bộ, đảng viên. Theo Người, sở dĩ cần phải "nêu gương" là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Do đó, việc gương mẫu của người đứng đầu tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của người dân. Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị đến với quần chúng.

Thực tế, vẫn còn có rất nhiều những biểu hiện thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên mặc dù chưa đến mức kỷ luật hoặc chưa đủ cơ sở để xử lý vẫn gây bức xúc trong dư luận. Đó là tình trạng hách dịch, cửa quyền; đùn đẩy, né tránh trong công việc, việc dễ thì làm, việc khó thì chối, đến những ứng xử thiếu chuẩn mực trong cuộc sống... Hay trong thời điểm cả nước dốc sức phòng, chống dịch Covid-19, vẫn có những cán bộ, đảng viên, thậm chí là người đứng đầu vi phạm quy định phòng dịch, tạo nên hình ảnh rất đáng phê phán. Điều đó cho thấy việc thực hiện trách nhiệm nêu gương càng trở nên quan trọng và đòi hỏi ở mức độ cao. Bởi nêu gương thật sự là tự tu dưỡng, hướng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm.

Như TS Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức T.Ư) đã nhận định, cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao càng phải coi trọng trách nhiệm nêu gương một cách thiết thực, chân thành. Mọi cán bộ, đảng viên nêu gương tốt, chắc chắn công việc được vận hành có hiệu quả. Nêu gương chính là tạo động lực trong công việc, đẩy lùi những biểu hiện trì trệ, lười biếng, ỷ lại và những tiêu cực khác. Tuy nhiên, nêu gương phải bằng những việc làm, hành động cụ thể, không phải chỉ nghe báo cáo, viết báo cáo cho hay, tránh hô hào chung chung, không thực chất. Trong đó, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, ở từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị mà người dân quan tâm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo các kênh khác nhau.

Nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, đề cao tính tiên phong, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, của cán bộ, đảng viên, đó là yêu cầu đang được tiếp quán triệt, đúng như tinh thần "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"… đã được T.Ư và Thành ủy nhấn mạnh trong các chỉ đạo về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm

Nhìn từ cuộc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, việc nêu gương theo tư tưởng của Bác càng được thể hiện rõ. Như tại Hà Nội, cả hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở. Trước mỗi diễn biến của dịch, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lên phương án chuẩn bị kịch bản và chỉ đạo sát sao tới cơ sở, không ngại cùng cơ sở thị sát tới những nơi có ổ dịch.
Hiệu quả chống dịch tại địa bàn mình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành được coi là “thước đo” năng lực, trình độ, uy tín, tín nhiệm. Mỗi khi xuất hiện những điểm nóng, cán bộ cơ sở tại đó lại “quên ăn quên ngủ” để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, trực tiếp động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch… Nhiều địa phương, chính những cán bộ cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kêu gọi người dân không tụ tập, hội họp đông người và phải đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” khi đi ra ngoài…

Khi TP Hà Nội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình mới, khó khăn còn rất lớn, làm sao vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh tốt, vừa khôi phục, phát triển sản xuất, chăm lo đời sống người dân. Yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp càng được được đặt ra. Như lãnh đạo TP đã chỉ rõ, nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để lây lan dịch bệnh thì nhất quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các bộ phận, cán bộ, công chức liên quan.

Trên tinh thần này, càng thấy rõ vai trò của nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, trách nhiệm với mỗi vấn đề mình cần làm. Qua đó, thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ quá trình từ "học tập" sang "làm theo" Bác, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Nêu gương tốt, đó cũng chính là một cách thiết thực để tiếp tục góp phần lan tỏa tư tưởng của Bác đi vào đời sống.