Sự kết hợp độc đáo Đông - Tây y điều trị vô sinh - hiếm muộn

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vô sinh - hiếm muộn là một trọng tâm trong chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản. Điều trị vô sinh - hiếm muộn là một nhu cầu cấp thiết cho những cặp vợ chồng vô sinh nhằm bảo đảm hạnh phúc gia đình và phát triển hài hòa với xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Định nghĩa và phân loại, điều trị theo y học hiện đại

Theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO, tỷ lệ vô sinh trên thế giới hiện chiếm khoảng 8 - 15 % các cặp vợ chồng. Khả năng sinh sản đạt đỉnh cao ở khoảng từ 20 - 25 tuổi và giảm dần sau 30 tuổi ở phụ nữ và sau 40 tuổi ở nam giới.

Phân loại vô sinh bao gồm: Vô sinh nguyên phát: Hai vợ chồng chưa bao giờ có thai, mặc dù đã sống với nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào; Vô sinh thứ phát: Hai vợ chồng trước kia đã có con hoặc đã có thai, nhưng sau đó không thể có thai lại mặc dù đang sống với nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào.

Nguyên nhân vô sinh: Sự thụ thai có thể đạt được khi có các điều kiện đó là: Có sự phát triển nang noãn và phóng noãn; có sự sản xuất tinh trùng đảm bảo chất lượng; tinh trùng gặp được noãn; sự thụ tinh, làm tổ và phát triển tại tử cung cho đến đủ trên 37 tuần. Khi có rối loạn bất kỳ khâu nào trong chuỗi các hoạt động sinh sản này đều dẫn đến kết cục bất lợi. Các dữ liệu thu được cho thấy khoảng 30 - 40 % các trường hợp vô sinh do nguyên nhân nam giới đơn thuần, 40 % do nữ giới, 10 % do kết hợp cả nam và nữ và 10% không rõ nguyên nhân.

Vô sinh do nam giới: Bất thường tinh dịch: vô tinh do tắc nghẽn hoặc do bất sản, giảm chất lượng tinh trùng (tinh trùng ít, yếu, dị dạng)...; bất thường giải phẫu: Giãn tĩnh mạch thừng tinh, lỗ tiểu đóng thấp, đóng cao, tinh hoàn lạc chỗ; rối loạn chức năng: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, rối loạn phóng tinh, chứng giao hợp đau; các nguyên nhân khác: Chấn thương tinh hoàn, phẫu thuật niệu sinh dục, triệt sản nam, viêm nhiễm niệu sinh dục hay nguyên nhân di truyền.

Nguyên nhân do nữ giới: Bất thường phóng noãn: Vòng kinh không phóng noãn do ảnh hưởng của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng; nguyên nhân do vòi tử cung: Các bệnh lý có thể gây tổn thương vòi tử cung như viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh lây qua đường tình dục, tiền sử phẫu thuật vùng chậu và vòi tử cung, lạc nội mạc tử cung ở vòi tử cung, bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung hay do triệt sản; nguyên nhân tại tử cung: U xơ tử cung, viêm dính buồng tử cung, bất thường bẩm sinh (dị dạng tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn, không có tử cung...)...

Phương pháp điều trị: Tùy vào nguyên nhân vô sinh của vợ hay của chồng mà điều trị tương ứng. Một số phương pháp điều trị cơ bản:

Về phía người vợ: Nếu có bất thường phóng noãn: chỉ định kích thích buồng trứng theo nhiều phác đồ khác nhau nhằm tăng sự phát triển nang noãn, tăng trưởng thành và phóng noãn. Tắc vòi trứng: Phẫu thuật mổ thông vòi trứng qua mở bụng hoặc qua nội soi. Điều trị viêm nhiễm đường sinh dục nếu có trước khi thăm dò nguyên nhân vô sinh. Có khoảng 5% số bệnh nhân vô sinh có thai tự nhiên chỉ mới sau khi điều trị viêm âm đạo, cổ tử cung hoặc thay đổi môi trường âm đạo…

Về phía người chồng: Bất thường tinh dịch đồ: Tùy vào mức độ bất thường mà chỉ định phương pháp can thiệp; bất thường chức năng tình dục: loại trừ các nguyên nhân thực thể (đái tháo đường, bất thường mạch máu, thần kinh, u xơ tiền liệt tuyến...), tâm lý liệu pháp, các chế phẩm kích thích tình dục chỉ được chỉ định sau khi đã loại trừ các bệnh lý thực thể và chỉ dùng hạn chế với sự theo dõi của thầy thuốc; có thể chỉ định phẫu thuật sửa chữa trong giãn tĩnh mạch thừng tinh, lỗ tiểu đóng thấp, tinh hoàn lạc chỗ.

Quan niệm và phương pháp điều trị của Y học cổ truyền

Theo Kinh dịch: Trời đất hun đúc, muôn vật hóa thành, trai gái giao cấu, muôn vật hóa sinh. Đạo trời đất thì âm dương hòa hợp mới nuôi sống được muôn vật, đạo vợ chồng thì âm dương hòa hợp mới sinh nở được con cái. Nếu tinh cha huyết mẹ không đầy đủ mà có thể chửa đẻ thì chưa bao giờ có.

Về vô sinh nữ: Trong Đông y gọi là Chủng tử môn. Chủng tử môn bao gồm các chứng trạng không thụ thai được hoặc đã thụ thai mà không có khả năng để giữ noãn bào đã thụ thai ở lại trong bào cung hoặc không phát triển thành thai nhi.

Trong sinh lý về chức năng sinh sản của người phụ nữ theo YHCT, mạch Xung Nhâm đóng vai trò trọng yếu. Vì mạch Nhâm chủ về bào cung, thống quản mạch âm trong cơ thể con người. Vương Băng nói: “Mạch Xung là bể chứa huyết, mạch Nhâm chủ về bào thai. Hai mạch Xung Nhâm nương tựa hỗ trợ nhau tốt thì đấy là suối nguồn của kinh mạch, thai sản”.

Đông Y chia vô sinh nam thành tám bệnh danh chính:

Thận âm khuy hư: Tinh dịch lượng ít, số lượng tinh trùng giảm, lưng đau gối mỏi, nóng lòng bàn tay bàn chân, cảm giác sốt về chiều, thất miên, đạo hãn, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ.

Thận dương bất túc: Tinh dịch lạnh loãng, số lượng tinh trùng giảm, độ di động kém, mệt mỏi, tay chân lạnh, sợ lạnh, liệt dương hoặc di tinh, tiểu đêm nhiều.

Khí huyết khuy hư: Tinh dịch loãng, số lượng tinh trùng giảm, giảm ham muốn, liệt dương hoặc xuất tinh sớm, gầy yếu, mất ngủ, hay quên, ăn kém, đại tiện lỏng.

Tỳ thận dương hư: Tinh dịch lạnh loãng, số lượng và chất lượng tinh trùng giảm, giảm ham muốn, liệt dương hoặc di tinh, lưng đau gối mỏi, ngũ canh tả.

Đàm trọc trở trệ can mạch: Tinh dịch lượng ít, không có hoặc có rất ít tinh trùng, khó xuất tinh, tinh hoàn hay sưng nề, tức ngực, béo bệu.

Thể huyết ứ trở trệ kinh can: Giãn tĩnh mạch thừng tinh, đau khi xuất tinh, không có hoặc có rất ít tinh trùng, tỷ lệ chết cao, bụng dưới và bìu đau chướng, lưỡi có điểm ứ huyết.

Thể Thấp nhiệt phạm can mạch: Tinh dịch đặc lâu hóa lỏng và có nhiều bạch cầu, chất lượng tinh trùng giảm, tỷ lệ chết nhiều, sau sinh hoạt hay đau tức dương vật và tinh hoàn, tiểu tiện sẻn đỏ, có cặn đục, chân tay mỏi nặng, tâm phiền miệng khát, đại tiện khó, lưỡi đỏ rêu vàng dính.

Hàn trệ can mạch: Tinh dịch lạnh loãng, bộ hạ đau chướng và lạnh, sau sinh hoạt bụng dưới và tinh hoàn đau tức, lưng đau gối mỏi, tay chân lạnh, sợ lạnh, lưỡi nhợt và bệu, mạch căng như dây đàn.

Ngày nay, các thầy thuốc có sự kết hợp giữa Đông và Tây y trong điều trị vô sinh – hiếm muộn. Thông thường là, dùng kết quả xét nghiệm của Tây y kết hợp với cách chẩn đoán và các bài thuốc của Đông y. Tuy nhiên, các phương pháp riêng lẻ vẫn được sử dụng.

 

Theo YHCT, nguyên nhân vô sinh ở người phụ nữ chia 2 loại: Tiên thiên khuyết tật (không có âm đạo, tử cung, buồng trứng kém phát triển…) và bệnh lý hậu thiên. Bệnh lý hậu thiên cũng do ba nhóm nguyên nhân gây bệnh nội khoa như ngoại nhân, nội nhân, bất nội ngoại nhân…

Về vô sinh nam: Do đàn ông phòng lao quá độ, tiết tinh quá nhiều, tinh loãng như nước, hoặc lạnh như băng, lo nghĩ quá nhiều... Tất cả các nguyên nhân ấy đều dẫn đến khó có con.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần