Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện công nghệ tuần: Nhà mạng tiếp tục "trảm" sim rác

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone sẽ tiếp tục tiến hành chặn các thuê bao đã kích hoạt sẵn từ tháng 10/2016 ngay trong tháng 12 này.

Mạnh tay với sim được kích hoạt sẵn
Theo thông tin từ Cục Viễn thông, trong đợt thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối của các nhà mạng trong thời gian qua, tính đến 2/12, đã có 11 triệu sim rác bị khóa, 12 triệu sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn được gửi tin nhắn yêu cầu xác nhận lại thông tin và hơn 600.000 thuê bao đã đăng ký lại thông tin.
 
Cụ thể, VinaPhone đã khóa 3,7 triệu sim, MobiFone khóa 3,3 triệu sim và với Viettel là 3,7 triệu sim. Ngoài ra, các nhà mạng cũng đang bắt đầu giai đoạn 2 nhằm chặn các thuê bao đã kích hoạt sẵn từ tháng 10/2016 ngay trong tháng 12 này.
Số liệu từ VNCERT cho biết, tính đến 5/12, các nhà mạng đã thực hiện kết suất số liệu sim trả trước đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối đợt 2. Cụ thể, Viettel có 4,2 triệu SIM kích hoạt tháng 10, trong đó số phải chặn là 2,2 triệu SIM; VinaPhone có 2,8 triệu SIM và số SIM phải chặn khoảng 1 triệu; MobiFone có 1,8 triệu SIM và số SIM phải chặn khoảng 500.000 số.
FPT Telecom sắp lên sàn
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vừa đăng tải thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho FPT Telecom. Nhà mạng này sẽ có mã chứng khoán FOX và dự kiến niêm yết 137 triệu cổ phần trên sàn UPCoM trong thời gian tới.
 
FPT Telecom có vốn điều lệ 1.246 tỷ đồng, tương ứng 124,6 triệu cổ phiếu. Trong đó, Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) nắm 62,5 triệu cổ phiếu (50,16%) và tập đoàn FPT nắm 56,88 triệu cổ phiếu (45,64%), còn lại 4,18% thuộc về các cổ đông khác. Vào tháng 5/2016, SCIC đã thông qua danh mục triển khai bán vốn năm 2016 tại 120 doanh nghiệp, trong đó có FPT Telecom.
Trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 được Tập đoàn FPT công bố, doanh thu đạt 10.650 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 754 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 667 tỷ đồng. Trong đó Khối viễn thông ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 320 tỷ đồng, tăng 18%, trong khi doanh thu khối này đạt 1.744 tỷ đồng, tăng trưởng 20%.
Huawei sẽ đầu tư 1 triệu USD cho ngành ICT Việt Nam
Trong cuộc trả lời báo chí mới đây, ông David Sun, Chủ tịch Huawei khu vực Đông Nam Châu Á cho biết, Huawei dự kiến sẽ đầu tư 1 triệu USD trong vòng 3 năm vào sự phát triển ngành ICT Việt Nam, chủ yếu qua 3 hoạt động chính là viết ứng dụng sáng tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ICT và hoạt động công ích.
 
Trả lời câu hỏi về việc Huawei có ý định mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Samsung không? Ông David Sun cho biết, là một công ty toàn cầu hoá, Huawei phải tích hợp năng lực các quốc gia trên thế giới, tổng hợp tài nguyên để các ngành liên quan cùng thắng lợi, trong đó cũng bao gồm Việt Nam. Những người tuổi trẻ tại Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển cao, nhưng nhân tài ngành ICT lại thiếu. Cho nên, trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi sẽ tập trung vào việc bồi dưỡng nhân tài bản địa ngành ICT và xây dựng và mở rộng hơn nữa đội ngũ quản lý.
“Chúng tôi kiên trì không mở rộng thị trường bằng những tiêu chuẩn thấp, mà tập trung vào chất lượng và sự cống hiến lâu dài cho xã hội Việt Nam. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ tăng thêm tỷ lệ bản địa hoá nhân viên tại văn phòng Huawei Việt Nam, để những nhân tài tuổi trẻ trong ngành ICT được rèn luyện”, ông David Sun nói.
VNPT thu về 1.044 tỷ đồng từ thoái vốn ngoài ngành
Theo báo cáo của VNPT, Tập đoàn này đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 16 danh mục, vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác. Trên sổ sách, VNPT đã thoái vốn được 602 tỷ đồng/2002 tỷ đồng đầu tư trên sổ sách. Tổng giá trị thu về được 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.
 
VNPT đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 16 danh mục theo phương thức tích tụ, thực hiện thoái vốn tại 36 danh mục theo phương thức thoái vốn trực tiếp (khớp lệnh, thỏa thuận, đấu giá, sáp nhập, giải thể). Tuy nhiên, việc triển khai tại các đơn vị này khá khó khăn, VNPT đã thực hiện thủ tục công bố bán cổ phần nhiều lần nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.
Trong thời gian qua, VNPT cũng sắp xếp lại hoạt động của 3 bệnh viện theo cơ chế tự chủ tài chính. Thực hiện tổ chức lại trường Trung học Bưu chính viễn thông và CNTT II thành Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ III trực thuộc Tập đoàn. Trong thời gian tới, VNPT dự kiến đề xuất Bộ TT&TT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép VNPT được giữ lại Trường Trung học Bưu chính viễn thông và CNTT III để sáp nhập vào Trung tâm CNTT của VNPT Tiền Giang.
Đối với Công ty Tài chính Bưu điện, VNPT đã có phương án báo cáo Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước phương án sắp xếp lại công ty này theo hướng chuyển nhượng vốn của VNPT tại Công ty cho các tổ chức tài chính, tín dụng.