Sự kiện kinh tế: Thương vụ M&A lớn nhất giữa Vingroup và Masan

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vingroup nhượng mảng Vincommerce và VinEco cho Masan; Tỷ phú Thái muốn đưa Sabeco lên sàn chứng khoán Singapore; Xuất siêu cán mốc kỷ lục... là nội dung chú ý tuần qua.

Vingroup nhượng mảng Vincommerce và VinEco cho Masan
Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.
 Thương vụ sáp nhập lớn nhất trong năm giữa Vingroup và Masan
Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp), Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco sẽ do Masan quản lý, vận hành.
Ông Trương Công Thắng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, cho biết sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp.
Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng.
Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Hồi tháng 8/2019, trong công cuộc tái cơ cấu sở hữu nội bộ, Vingroup đã không còn sở hữu trực tiếp cổ phần trong VinCommerce mà sở hữu gián tiếp thông qua công ty con là VCM, một công ty mới thành lập, ban đầu có vốn điều lệ 1 tỉ đồng do Vingroup góp vốn 64,3%; hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý, Chủ tịch của VCM là bà Mai Hương Nội - phó tổng giám đốc Vingroup.
Với VinCommerce, trước khi được chuyển giao về VCM, công ty này đã được phân tách để tạo nên P&S vốn điều lệ 1.698 tỉ đồng; Adayroi vốn điều lệ 50 tỉ đồng và VinCommerce như hiện tại.
Tỷ phú Thái muốn đưa Sabeco lên sàn chứng khoán Singapore
Theo Bloomberg, Thai Beverage Pcl (ThaiBev) đang xem xét chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Singapore, với mảng kinh doanh bia tại Thái Lan và Việt Nam.
 ThaiBev đang xem xét IPO trên sàn chứng khoán Singapore
Nhà sản xuất đồ uống lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang đàm phán với các nhà tư vấn với kỳ vọng mức định giá lên tới 10 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ IPO lớn nhất trên sàn Singapore. Kỷ lục trước đó được xác lập năm 2011 sau khi Hutchison Port Holdings Trust niêm yết và huy động được 5,5 tỷ USD.
Với mức định giá 10 tỷ USD, ThaiBev được xếp vào nhóm các công ty bia lớn nhất khu vực châu Á, tương đương với quy mô vốn hóa của Tsingtao (Trung Quốc), nhưng nhỏ hơn so với mảng kinh doanh châu Á của Anheuser-Busch InBev.
ThaiBev nổi tiếng với sản phẩm bia Chang, với nhãn hiệu đặc trưng là hai con voi. Năm 2017, thông qua công ty con, ThaiBev đã mua lại số cổ phần đủ nắm quyền chi phối Sabeco - công ty bia giữ thị phần lớn nhất Việt Nam - với mức giá 4,8 tỷ USD.
Trong khi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đi ngang hoặc giảm, Đông Nam Á được xem là điểm sáng về tiêu thụ bia. Theo Euromonitor International, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và dân số trẻ đã làm tăng 300% nhu cầu bia ở Việt Nam trong giai đoạn 2002-2017. Cổ phiếu của ThaiBev đã tăng 43% trong năm 2019, với mức định giá khoảng 16 tỷ USD.
Ngoài mảng kinh doanh bia, ThaiBev còn sở hữu các nhà máy chưng cất rượu, kinh doanh đồ uống không cồn và thực phẩm. Nhóm công ty này thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu nhất Thái Lan với tài sản 19,5 tỷ USD.

Bắt tay với Amazon, bầu Hiển thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam

Ngày 4/12, tại Hội nghị Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới với chủ đề "Vươn mình ra biển lớn" tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Amazon chính thức công bố Tập đoàn T&T Group là đối tác chiến lược, SHB là đối tác tài chính ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam trong hỗ trợ thanh toán và nghiệp vụ cho các DN Việt Nam xuất khẩu.

 Lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo T&T Group, Amazon và các đại biểu tại Hội nghị 

Theo thỏa thuận hợp tác, Amazon Global Selling, T&T Group, SHB trước tiên sẽ hợp tác với hai nội dung chính: Đào tạo nhân lực 4.0. và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử thông qua hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, tại chương trình đào tạo nhân lực 4.0, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Amazon, T&T Group đã phối hợp tổ chức cuộc thi "Tài năng TMĐT xuyên biên giới Việt Nam 2019" để phát triển năng lực TMĐT cho sinh viên Việt Nam. Cuộc thi đã được phát động vào tháng 9/2019, dự kiến kết thúc vào ngày 31/3/2020. Đây sẽ là bước khởi đầu giúp các khách hàng DN, cá nhân từ Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tiếp với hơn 300 triệu khách hàng trên toàn thế giới.

Trong hoạt động hợp tác thứ hai "Hỗ trợ DN xuất khẩu trên nền tảng TMĐT thông qua hệ thống ngân hàng", Amazon Global Selling, T&T Group, Ngân hàng SHB sẽ đồng hành, triển khai chiến lược dài hạn tại Việt Nam trong chương trình xây dựng và vận hành các "Trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu thông qua TMĐT" tại chi nhánh lớn của SHB trên toàn quốc mà bước đầu là hai trung tâm đã được mở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Những buổi đào tạo đầu tiên đã được lãnh đạo Amazon Việt Nam và các chuyên gia tiến hành tại hai trung tâm này và nhận được sự đánh giá cao của các DN tham gia. Các trung tâm này sẽ nhanh chóng trở thành địa điểm đào tạo TMĐT cho các DN Việt Nam muốn tìm hiểu, bắt đầu xuất khẩu qua Amazon hoặc tăng cường năng lực TMĐT với các dịch vụ tiện ích như: Hướng dẫn mở tài khoản, lập tài khoản thanh khoản, cung cấp tài liệu về bán hàng hiệu quả trên Amazon, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình vận hành tài khoản...

Tiếp theo, SHB nhanh chóng đưa vào triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ tiện ích dành riêng cho các khách hàng cá nhân và DN quan tâm tới việc bán hàng qua hệ thống Amazon.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển cho biết, Amazon là một nền tảng hỗ trợ giao dịch thương mại hiện đại và hiệu quả, mà ở đó, sản phẩm của cộng đồng DN Việt Nam, với thương hiệu của Việt Nam sẽ đến được với hơn 300 triệu tài khoản người tiêu dùng thế giới. Thông qua Amazon, thế giới sẽ thực sự hiểu hơn về Việt Nam, về những sản phẩm thế mạnh,về trí tuệ cũng như bàn tay khéo léo của người Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc

Tối 2/12, Ngân hàng Nhà nước thông báo giảm mạnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng sau 14 năm duy trì.

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước cho biết để phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường, cơ quan này đã quyết định hạ lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền giữ vượt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng giảm còn 0,8%/năm thay vì mức 1,2%/năm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc về mốc 0%/năm.

Đối với ngoại tệ, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 0%/năm, còn vượt dự trữ bắt buộc 0,05%/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định hạ lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%/năm.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam là 1%/năm, đối với ngoại tệ là 0,05%/năm.

Mặt khác, lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Bảo hiểm tiền gửi là 0,8%/năm.

Xuất siêu cán mốc kỷ lục
Số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương cho thấy, tháng 11, Việt Nam xuất siêu 100 triệu USD, giảm kỷ lục so với mức 1,86 tỷ USD của tháng 10. Nhưng tính chung 11 tháng năm 2019, Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu khoảng 9,12 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ. Trong đó khu vực trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 32,6 tỷ USD (gồm dầu thô).
Sự kiện kinh tế: Thương vụ M&A lớn nhất giữa Vingroup và Masan - Ảnh 5
Ảnh minh họa
Với dữ liệu này, mức xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ 2012 trở lại đây. Nhà chức trách dự báo năm 2019 sẽ là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
Xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ và cả năm đạt mục tiêu tăng 7 - 8% so với 2018, nhập siêu kiểm soát dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, số lượng mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tăng lên con số 32, trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Điện thoại và linh kiện vẫn dẫn đầu trong số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, gần 49 tỷ USD; dệt may dù khó khăn về đơn hàng so với năm ngoái nhưng vẫn xuất khẩu gần 30 tỷ USD...
Bộ Công Thương dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu trong tháng 12 khi nhu cầu nhập lượng lớn hàng hóa sản xuất, tiêu dùng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng cao. Cùng đó, Samsung dự kiến tăng nhập khẩu các linh kiện điện tử phục vụ cho đợt ra mắt sản phẩm mới vào quý I/2020, sẽ góp phần không nhỏ vào chiều nhập khẩu của Việt Nam vào tháng cuối cùng năm 2019.
Ở chiều ngược lại, hoạt động xuất khẩu được dự báo "không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu". Chưa kể, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam, đáng kể nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó khăn do kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm.
Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Cảnh báo lừa đảo vay tiền trực tuyến
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa cảnh báo trước tình trạng thời gian gần đây, đơn vị này tiếp nhận nhiều khiếu nại liên quan đến giao dịch vay tiền trực tuyến. Do đó, để hạn chế các tranh chấp phát sinh khi người tiêu dùng thực hiện các giao dịch nêu trên, cơ quan này đã đưa ra khuyến cáo.
Sự kiện kinh tế: Thương vụ M&A lớn nhất giữa Vingroup và Masan - Ảnh 6
Ảnh minh họa
Theo đó, hiện có nhiều mô hình cho vay online, cho vay trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam, trong khi chưa có các quy định pháp luật để phân loại rõ ràng, cụ thể.
Do vậy, việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với các đơn vị "trá hình", "tín dụng đen núp bóng", nên cẩn thận trọng, cân nhắc kỹ sử dụng dịch vụ này.
Trong trường hợp quyết định sử dụng, người tiêu dùng cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có thể hiện đầy đủ thông tin, ví dụ: Website hoặc ứng dụng của đơn vị đó phải có đầy đủ các thông tin.
Đơn cử như thông tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại… Ngoài ra, website hoặc ứng dụng phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch. Ví dụ: Công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…
Đặc trưng của các dịch vụ cho vay trực tuyến là lãi suất cho vay và các mức phí kèm theo thường rất cao. Do vậy, để tránh phát sinh nằm ngoài dự kiến, người tiêu dùng cần biết rõ các mức lãi suất, mức phí và chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể (trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ…).
Trong quá trình tìm hiểu các thông tin nêu trên, người tiêu dùng cần đảm bảo việc lưu giữ thông tin để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh tranh chấp.
Ví dụ, có nhiều trường hợp người tiêu dùng nghe nhân viên tư vấn qua điện thoại nhưng không kiểm tra lại nội dung hợp đồng trước khi ký, dẫn đến, khi có tranh chấp phát sinh mới phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn.
Sau khi ký hợp đồng, nếu đơn vị cho vay không gửi hợp đồng hoặc không có thông tin hướng dẫn người tiêu dùng cách thức tải về, tham khảo hợp đồng đã ký thì người tiêu dùng cần ngay lập tức liên hệ và yêu cầu đơn vị cho vay cung cấp bản sao hợp đồng đã ký.
Theo hướng dẫn của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong trường hợp có tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng cần phản ánh, khiếu nại trực tiếp tới đơn vị cho vay. Người tiêu dùng cần lưu ý việc phản ánh, khiếu nại phải được thực hiện qua các phương thức có thể lưu lại bằng chứng như gửi email, gửi thư có xác nhận báo phát…