Sự kiện kinh tế tuần: Bộ Tài chính quyết tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính quyết tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu; Tổng giám đốc EVN làm Thứ trưởng Bộ Công Thương; Bộ Công Thương: Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ Tài chính quyết tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ngày 16/5 thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Bộ Tài chính quyết tăng kịch khung thuế BVMT xăng dầu. Ảnh minh họa
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Đây không phải lần đầu tiên, Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Và lần nào đưa ra, Bộ Tài chính cũng bị phản đối kịch liệt. Các ý kiến phản đối đều cho rằng mức thuế tăng rất vô lý.
Để bảo lưu quan điểm đánh thuế cao của mình, tờ trình do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ký cũng dẫn ra một số liệu thống kê được Bộ lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông điện tử của ngành.
Cụ thể, trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý thì có 19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác.

Về cơ bản, theo Bộ Tài chính, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về nội dung của dự thảo. Trong đó, 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Các ý kiến còn lại cũng được Bộ giải trình, tiếp thu...
Lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế đối với mặt hàng xăng dầu là do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do).
Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cụ thể, xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%). Bên cạnh đó, việc thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.
Ngoài ra, theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ dưới lên trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít. Theo đó, giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Trung Quốc và thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, châu Á như Singapore, Philippines, Hồng Kông.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường)...
Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại. Cụ thể, đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.
Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng/kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ đạt khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm. Đối với mặt hàng dung dịch, với đề xuất tăng 1.000 đồng mỗi kg (từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, nếu phương án được tăng qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.
Tổng giám đốc EVN làm Thứ trưởng Bộ Công Thương
Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An, tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương.
  Tân Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An
Được biết, ông Đặng Hoàng An sinh năm 1965, là kỹ sư chuyên ngành năng lượng điện, thạc sĩ về hệ thống điện, quê quán tại Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Ông An là người gắn bó nhiều năm với ngành điện, từng kinh qua các vị trí công tác: Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, trưởng ban kỹ thuật lưới điện, phó giám đốc Công ty truyền tải điện I, trưởng ban kế hoạch EVN, Phó Tổng GĐ rồi Tổng Giám đốc EVN.
Thời gian công tác trong ngành điện, từ năm 1990 đến tháng 10/1991, ông An là cán bộ Viện Quy hoạch và Thiết kế công nghiệp, Bộ NN&PTNT. Từ tháng 11/1991 đến tháng 1/1993, ông An là cán bộ Viện Quản lý Khoa học, Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường.
Ông An chính thức tham gia vào ngành điện từ năm 1995 khi làm việc tại Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Từ tháng 8/2008 đến tháng 6/2015, ông An làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVN vào tháng 7/2015.
Bộ Công Thương: Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm
Theo Bộ Công Thương, ngày 16/4/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CT về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức làm việc với các bên bị điều tra, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
  Bộ Công Thương: Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm. Ảnh minh họa.
Quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.
Theo đó, Cơ quan này đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức và sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm 30 - 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo trước cho cơ quan cạnh tranh, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Trước đó, ngày 26/3, Grab đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ngay sau đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã gửi công văn đề nghị Grab Việt Nam cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại nêu trên.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Bộ Công Thương về thương vụ này sau khi được yêu cầu, Grab khẳng định việc kết hợp thị phần với Uber trên thị trường Việt Nam khiến tổng thị phần vẫn thấp hơn 30%. Do đó, Grab cho rằng mình không cần phải báo cáo với cơ quan chức năng về giao dịch.
Phía Grab cũng không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định về thị phần nêu trên. Mặc dù vậy, thương vụ này cũng hoàn tất và kể từ ngày 8/4, hoạt động của Uber tại Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt và văn phòng Uber tại Việt Nam cũng đóng cửa.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng
Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), qua thực tế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trong năm 2017 và quý I/2018, cơ quan này nhận thấy có rất nhiều khiếu nại liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng.
Trong đó, cái tên được nhắc tới nhiều nhất là Công ty FE Credit. Đã có hơn 100 vụ việc khiếu nại liên quan đến FE Credit, trong đó tập trung chủ yếu vào các giao dịch vay tiền để mua bộ mỹ phẩm và hành vi liên hệ để thu hồi nợ.
  FE Credit bị thanh tra vì quấy rối người tiêu dùng. Ảnh minh họa.
Trong Công văn số 286/CT-NTD gửi tới Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã nêu lên 4 hành vi phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của FE Credit.
Cụ thể: Quy trình tư vấn, ký hợp đồng cho vay tiêu dùng có nhiều dấu hiệu không rõ ràng, đầy đủ. Ví dụ, thông tin của người tiêu dùng được điền tự động, không thông báo cho người tiêu dùng, thời gian phê duyệt nhanh, nhân viên tư vấn không thông báo nhưng đề nghị, ép buộc người tiêu dùng ký vào các tài liệu vay tiền.
Bộ hợp đồng ký vay tiền không có con dấu xác nhận, có dấu hiệu không đảm bảo giá trị pháp lý; FE Credit không cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng lưu giữ. Bên cạnh đó, công ty này không cho phép người tiêu dùng điều chỉnh thông tin khi phát hiện có sai sót; hành vi thu hồi nợ có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng.
Theo nhận định của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng: “Những vụ việc nêu trên đang ảnh hưởng tới tình hình tài chính của một số đông người tiêu dùng, tạo tâm lý bức xúc và e ngại trong quá trình tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính từ phía người tiêu dùng”.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các TCTD.
Qua đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay theo quy định tại Thông tư 39; Nghiêm túc thực hiện các quy định về nguyên tắc, phương pháp tính lãi và phí, minh bạch lãi suất cấp tín dụng theo Thông tư số 14 quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.
Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất cho vay theo quy định tại Thông tư 43.
Các công ty cần thực hiện nghiêm các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ theo đúng quy định tại Thông tư 43 và quy định của pháp luật có liên quan; Rà soát, quản lý chặt chẽ các điểm giới thiệu dịch vụ, nhân viên giới thiệu dịch vụ, đối tác của TCTD để bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ của TCTD.
Ngoài ra, các TCTC cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật về hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh, đơn vị kinh doanh trong mạng lưới hoạt động TCTD; đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật (trong đó bao gồm minh bạch thông tin hợp đồng, bảo mật thông tin khách hàng, sử dụng biện pháp thu hồi nợ phù hợp...);
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.