Việt Nam có nhiều kịch bản để đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế
Vấn đề cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi tới Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 6/6.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Zing |
Trả lời, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng sự cạnh tranh của 2 cường quốc đang tác động lớn đến kinh tế thế giới và khu vực. “Như Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế đã nói, một trong 4 đám mây bao phủ nền kinh tế là cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế cũng lo ngại vấn đề này”, ông nói.
Theo Phó thủ tướng, có một số dự đoán rằng nếu cạnh tranh tiếp tục kéo dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại. Có dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,5% xuống 3,2%. Ngoài ra, vấn đề cung - cầu thương mại cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, do đó bất cứ tác động nào từ bên ngoài cũng bị ảnh hưởng”, ông nói.
Theo Phó thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ cũng đã thành lập một ban chỉ đạo để nghiên cứu, đánh giá tình hình. Từ đó, ban chỉ đạo đưa ra kiến nghị chính sách cho nền kinh tế.
Đánh giá về ngắn hạn, Phó thủ tướng cho rằng cạnh tranh thương mại sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, ông dẫn đánh giá cho thấy dấu hiệu kinh tế Việt Nam có thể giảm tốc. “Một số đánh giá cho biết GDP Việt Nam có thể giảm 0,2-0,3%. Thậm chí trong 5 năm tới, GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng”, Phó thủ tướng phát biểu trước Quốc hội.
Nói về biện pháp, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đang xây dựng nhiều kịch bản và biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định của nền kinh tế, trong đó có việc ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt tỷ giá, kiềm chế lạm phát, nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Thống đốc Ngân hàng: Việt Nam không thao túng tiền tệ
Sáng 6/6, chất vấn trước Quốc hội, ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nêu vụ việc, ngày 29/5/2019 Bộ Tài chính Mỹ đã gửi Quốc hội Mỹ báo cáo đưa 9 nước trong đó có Việt Nam vào danh sách cần giám sát.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng. |
“Xin Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã dự báo trước tình huống này chưa? Khó khăn, trở ngại, thách thức của Việt Nam gặp phải sẽ là gì? Giải pháp giải quyết vấn đề này như thế nào?”, ông Hàm nêu.
Cũng theo ông Hàm, hiện Việt Nam đang hội nhập sâu và độ mở của nền kinh tế rất lớn. Vậy có sự việc nào tương tự việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách cần giám sát không? Nếu có nguy cơ đó thì giải pháp của Chính phủ là gì để không ảnh hưởng đến phát triển đất nước. Có cần giao cho một cơ quan đặc trách để tham mưu cho Chính phủ giải pháp để đảm bảo cân bằng lợi ích quốc gia với hội nhập, phát triển bền vững không?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã trả lời câu hỏi này. Ông Hưng xác nhận, ngày 29/5, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô thương mại và tỷ giá của các đối tác có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ, đưa ra danh sách 9 quốc gia cần phải theo dõi giám sát trong đó có Việt Nam.
“Theo quy định của phía Hoa Kỳ, có 3 tiêu chí để đánh giá các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ. Một là tiêu chí thặng dư thương mại với phía Hoa Kỳ trên 20 tỷ đô la. Thứ hai là thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và thứ 3 là có can thiệp ngoại hối một chiều tức là mua dòng ngoại tệ trong vòng 6 tháng liên tục của 2% GDP”, ông Hưng giải thích.Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, Việt Nam có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn hơn 20 tỷ đô la và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Còn về phần can thiệp ngoại hối một chiều thì thấp hơn ngưỡng Hoa Kỳ đưa ra.
“Báo cáo Quốc hội là báo cáo của phía Hoa Kỳ cũng có kết luận là không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện việc thao túng tiền tệ. Và chúng ta cũng khẳng định với phía đối tác Hoa Kỳ là chúng ta điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, không dùng những chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế một cách không công bằng”, ông Hưng khẳng định, đồng thời cho biết, báo cáo này chỉ đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Chính phủ và cho bộ ngành, ngân hàng nhà nước...
“Những khuyến nghị về chính sách mà phía Hoa Kỳ đưa ra cũng tương tự với khuyến nghị của quỹ tiền tệ quốc tế khi hàng năm đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Và những khuyến nghị này cũng nằm trong lộ trình mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có Ngân hàng nhà nước triển khai để hoàn thiện các cơ chế điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.", ông Hưng cho biết.
Xử lý nghiêm hàng hoá nước ngoài giả mạo nhãn hiệu Việt Nam
Cũng trong phiên chất vấn hôm 6/6, trả lời câu hỏi của đại biểu về việc xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn hiệu Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, vừa qua, báo chí phản ánh nhiều và lực lượng chức năng cũng phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Các đối tượng nhập giả mạo nhãn hiệu của Việt Nam, của nước ngoài, dán sẵn tem, nhãn mác ở nước ngoài, sau đó thông qua nhiều hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước. Cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ việc.
Cho đến nay, các hiện tượng, hành vi này đã ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có nguy cơ khiến hàng hóa trong nước bị xem xét khi xuất khẩu vào một số thị trường nước ngoài vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, nền kinh tế nước ta.
Nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng, do hàng hóa Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, tạo sự tin dùng của các thị trường bên ngoài, nên một số đối tượng lợi dụng nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu hàng kém chất lượng.
Giải pháp trong thời gian tới là tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, biên giới không để hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam thẩm lậu. Tăng cường điều tra cơ bản, kiểm tra các kho tàng, bến bãi, địa điểm kinh doanh. Xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh, phân phối hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân, doanh nghiệp không bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm xâm phạm thương hiệu Việt Nam và quyền lợi người tiêu dùng.
Muốn lên sàn, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 30 tỷ đồng?
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội chiều 6/6 đưa ra quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng. Việc siết lại quy định này, theo giải thích của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, là lấp kẽ hở luật hiện hành doanh nghiệp phát hành với giá trị rất lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn rủi ro với các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Với chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, ông Dũng cho biết, luật hiện hành chưa quy định điều kiện về đối tượng tham gia, hạn chế chuyển nhượng. Cho nên, thực tế có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chào bán cổ phiếu riêng lẻ thay vì chào bán chứng khoán ra công chúng, để tránh phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ.
Dự thảo luật cũng đưa ra quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ. Theo Bộ trưởng Tài chính, vốn công ty đại chúng 10 tỷ đồng trở lên là thấp so với quy mô doanh nghiệp hiện nay. Ông dẫn thống kê cho biết, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đã tăng 16,35 lần trong 10 năm qua. Mặt khác, các công ty đại chúng vốn quá nhỏ sẽ khó khăn khi hoạt động trên thị trường chứng khoán.
"Vốn công ty đại chúng quá nhỏ như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng nhiều công ty đăng ký công ty đại chúng, nhưng sau một thời gian lại nộp hồ sơ đăng ký hủy tư cách công ty đại chúng, gây khó khăn trong quản lý", ông Dũng nêu bất cập. Vì lẽ đó, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đưa ra quy định tăng vốn điều lệ tối thiểu công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ.
Thẩm tra các quy định này, đa số ý kiến của thành viên Uỷ ban Kinh tế đồng tình tăng vốn điều lệ công ty đại chúng lên 30 tỷ đồng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán. Mặt khác, với tính chất phức tạp và rủi ro của thị trường chứng khoán, quy định nâng mức vốn điều lệ sẽ hạn chế những rủi ro cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính còn thấp khi tham gia.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có hơn 81% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ chỉ tác động đến khoảng 18% các công ty đại chúng đang hoạt động.
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến lại không đồng tình việc tăng vốn công ty đại chúng, do e ngại đây sẽ là rào cản với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vốn trên thị trường chứng khoán. Vì lẽ đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội về quy định này. Dự luật sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ được thảo luận ở hội trường ngày 13/6.