Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng, dầu tiếp tục giảm nhẹ

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng dầu lại đồng loạt giảm từ chiều 31/10; CPI tháng 10 tăng 0,59%; Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ và lừa dối người tiêu dùng... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Nợ công đã giảm một nửa

Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, nợ công giảm một nửa so với giai đoạn trước nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh.

Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng, dầu tiếp tục giảm nhẹ - Ảnh 1
 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội.

Chiều 31/10, giải trình trước Quốc hội về cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 2019 là năm thứ 2 liên tiếp thu ngân sách trung ương vượt dự toán. Các chỉ tiêu tổng thu, huy động vào ngân sách, thu nội địa... đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm, trong đó thu nội địa năm 2020 dự kiến đạt 84% ngân sách.

Bội chi kiểm soát cả số tuyệt đối và tương đối, khi năm 2020 ước 3,44% GDP, vượt mục tiêu dưới 3,5% GDP. "Nhờ kiểm soát tốt, nợ công đã giảm một nửa so với giai đoạn trước và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa", ông Dũng nhấn mạnh.

Ông phân tích, nợ công giai đoạn 2011 - 2015 tăng khoảng 18% GDP một năm và GDP danh nghĩa là 14,5% thì nay đã giảm về lần lượt 8,2% và 9,7% một năm. Theo tính toán, nợ công năm 2020 khoảng 54,3% GDP, thấp hơn nhiều mức 63,7% GDP cách đó 4 năm.

Dù vậy, người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận, điều hành ngân sách gặp khó khăn khi tỷ lệ huy động thuế, phí giảm dần và chưa đạt mục tiêu 21% GDP giai đoạn 2019 - 2020. Nguyên nhân là nguồn đóng góp từ dầu thô, xuất nhập khẩu giảm nhanh trong vài năm qua, từ mức 7,3% GDP năm 2015, xuống 4,5% năm 2016, dự kiến còn 4,2% 2019 và giảm tốc về 3,6% năm 2020.

Thu từ một số lĩnh vực tăng trưởng cao trước đây đều giảm, trong đó thu từ nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất giảm tới 19%, còn thu từ ngành than chỉ 8,2%... Mặt khác, thu nội địa một số thành phố lớn có điều tiết về ngân sách trung ương đều giảm, như Hà Nội năm 2020 giảm gần 10% so với 2017; TP Hồ Chí Minh giảm hơn 3%, Bình Dương gần 8%..., ông Dũng nói "là nguyên nhân cân đối thu ngân sách trung ương khó khăn".

Trước đó, thảo luận tại Quốc hội sáng 31/10, đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Đoàn tỉnh Tây Ninh cho rằng hiện có khoảng 100 loại phí và 50 loại lệ phí. Khoản thu từ đất tiếp tục chiếm vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách, khoảng 11%/năm; trong nguồn thu này có tới 80% là thu từ quyền sử dụng đất. Nguồn thu từ quyền sử dụng đất có tính chất là thu một lần, do đó, thiếu tính bền vững.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương góp ý, thuế trực thu ngày càng thấp cho thấy chúng ta đang dựa nhiều vào thuế tiêu dùng và có tác động không tốt đến công bằng trong chi tiếu. Vì vậy cần cân nhắc khi đề xuất tăng thêm các khoản thu với tiêu dùng.

Thay vì thế, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung các loại thuế đối với tài sản.

Rà soát lại ưu đãi về thuế với DN, nhất là DN FDI. Cần công khai cho người dân biết số thực thu do ưu đãi thuế. Đồng thời cần tính toán cân nhắc giảm số hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Nhiều chuyên gia cho rằng thuế khoán làm thất thu và dễ xảy ra tham nhũng.

Đối với nguồn thu ngân sách dựa trên bán tài sản từ đất, vốn không bền vững và sẽ ngày càng sụt giảm. Do đó Chính phủ cần có biện pháp cắt giảm chi tiêu hiệu quả. Và tìm kiếm nguồn thu khác bổ sung.

GDP bình quân đầu người Việt Nam thua thế giới 8.400 USD

Phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình - kinh tế xã hội sáng 30/10, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chia sẻ quan điểm kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, "chưa hóa rồng, hóa hổ".

Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng, dầu tiếp tục giảm nhẹ - Ảnh 2
 

"Mặc dù tăng trưởng của Việt Nam với 7%, đạt mức cao trong khu vực và thế giới, nhưng xét về con số tuyệt đối, thì ngày càng cách xa. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm", ông Hàm chỉ ra.

Theo đó, khoảng cách giữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam với thế giới năm 2017 là khoảng 8.300 USD, năm 2018 là 8.400 USD. "Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn", ông Hàm nêu quan điểm.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, có 3 vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu gồm: Trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục, đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của DN; có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Muốn vậy phải có kênh, nguồn vốn, chính sách cho khởi nghiêp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro vì theo thống kê chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công còn 94% là thất bại nhưng nếu thành công thì mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn. 3 vấn đề không mới, đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện.

“Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chúng ta chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ”, ông Hàm nói.

Cũng theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, đời sống của nhân dân, thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa cùng với tốc độ tăng trưởng. Cần có chỉ tiêu pháp lệnh để nhận rõ vấn đề này. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 200% GDP, xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là DN FDI vì các DN này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu, phần hưởng lợi đó được tính trong tổng GDP của nước ta nên cần phải loại trừ yếu tố này mới nhìn nhận phù hợp thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Đây không phải là bất cập. Đất nước đi lên từ gian khó chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để phát triển, việc thu hút FDI một cách chọn lọc là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp.

Do đó, ông Hoàng Quang Hàm đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa) như trước đây cần giao thêm chỉ tiêu GNI “thu nhập quốc dân” để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân.

Giá xăng dầu lại đồng loạt giảm từ chiều 31/10
Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có văn bản gửi các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc giảm giá bán lẻ các mặt hàng này từ 15h00 chiều 31/10.
 Ảnh minh họa
Theo đó, xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 218 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 350 đồng/lít; Dầu diesel giảm 166 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 121 đồng/lít; Dầu mazut giảm 299 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 có mức giá tối đa là 19.252 đồng/lít; Xăng RON95-III là 20.445 đồng/lít; Dầu diesel 16.057 đồng/lít; Dầu hỏa 15.137 đồng/lít; Dầu mazut 12.517 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 và dầu diesel là 100 đồng/lít; xăng RON95 trích lập ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa trích lập ở mức 200 đồng/lít, dầu mazut trích lập ở mức 700 đồng/lít.
Đồng thời không chi Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng dầu (kỳ trước chi 200đồng/lít đối với xăng RON95). Việc trích lập và điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện kể từ 15h00 chiều nay (31/10).
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 31/10/2019 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.
Cụ thể: 67,553 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,231 USD/thùng, tương đương -1,79% so với kỳ trước); 72,703 USD/thùng xăng RON95 (giảm 2,902 USD/thùng, tương đương -3,84% so với kỳ trước)...
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (hôm 16/10), liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng đã quyết định điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 310 đồng/lít; Xăng RON95 giảm 271 đồng/lít; Dầu diesel giảm 415 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 528 đồng/lít; Dầu mazut giảm 2.103 đồng/kg.
CPI tháng 10 tăng 0,59%
Tổng cục Thống kê tuần qua đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 10 trong 3 năm gần đây.
 Ảnh minh họa
Như vậy, CPI tháng 10/2019 tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2019, CPI tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 10 tháng năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá ở mức từ 0,04% đến hơn 1%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Cơ quan thống kê cho hay, nguyên nhân làm tăng CPI tháng 10 năm 2019 là trước hết do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi tại 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Nguồn cung thịt heo giảm làm cho giá thịt tháng 10/2019 tăng 7,85% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,33%.
Giá xăng, dầu tăng ngày 1/10/2019 đặc biệt là xăng A95 tăng 920đ/lít và giảm vào ngày 16/10 khiến bình quân tháng 10/2019 giá xăng dầu tăng 2,22% so với tháng trước làm tăng CPI chung khoảng 0,1%.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành tăng học phí năm học mới 2019 - 2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.
Các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 10 năm 2019, như giá thịt gia cầm tươi sống và giá trứng giảm tương ứng 0,13% và 0,36% do nguồn cung dồi dào. Giá một số loại trái cây giảm như: quả có múi giảm 3,37%, táo giảm 0,6%, xoài giảm 1,07%, quả tươi khác giảm 0,23% do đang vào mùa thu hoạch.
Giá vé tàu hỏa giảm 0,62% so với tháng trước do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiều chính sách giảm giá vé hấp dẫn sau thời gian cao điểm hè.
Cơ quan thống kê cho hay, lạm phát cơ bản sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 10 năm 2019 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,99% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ tăng 1,92%.
Bình quân 10 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên.
"Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,82% đến 2,04%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,92% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định" - cơ quan thống kê nhận xét.
Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ và lừa dối người tiêu dùng
Sáng 28/10, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
 Ảnh minh họa
Theo báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh về vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và nhãn hiệu Asanzo của Tổng cục Hải quan, công ty này đã có dấu hiệu vi phạm với nhiều yếu tố.
Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định dấu hiệu vi phạm cơ bản gồm: Vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu); việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo đã xâm phạm đến quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", cơ quan chức năng xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.
Đối với các vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, cơ quan chức năng đã xác định nhóm hành vi vi phạm cơ bản của Công ty Asanzo và các công ty có tên Asanzo đối với cả hàng xuất khẩu lẫn hàng lắp ráp để tiêu thụ trong nước.
Về hành vi vi phạm về trốn thuế, cơ quan chức năng cũng chỉ ra các sai phạm của Asanzo, trong đó có các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Ít nhất 8 bộ ngành vào cuộc chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Để tránh thiệt hại cho các ngành hàng xuất khẩu, Bộ Công thương vừa trình Chính phủ ban hành một nghị quyết về chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Ít nhất 8 bộ, ngành sẽ cùng vào cuộc chống hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt.
 Ảnh minh họa
Các bộ, ngành sẽ vào cuộc chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam thời gian tới gồm Công thương, Công an, Tài chính, Khoa học - công nghệ, Kế hoạch - đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan theo dõi số liệu nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng thuộc danh sách và đang điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hàng tháng cung cấp thông tin cho các bộ Công thương, Công an, đặc biệt là hàng có có kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường.
Cơ quan hải quan cũng có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ đối với nhóm hàng nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến, có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa. Cung cấp cho kết quả điều tra, xác minh các mặt hàng, doanh nghiệp có vi phạm, những thủ đoạn gian lận trong quá trình xin cấp chứng nhận xuất xứ cho các bộ Công an, Công thương để cảnh báo.
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt nam (VCCI), một trong những tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, chuyển tải từ Việt Nam đi các nước để thực hiện việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa đúng quy định.
Bộ Công thương cho biết Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi, lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp.
Bộ Công thương ghi nhận trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã bị khởi kiện 20 vụ liên quan tới hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn như Mỹ, EU đã bày tỏ nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa Việt nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng, cả hai nước đều bổ sung thuế nhập khẩu từ 10-25% cũng làm gia tăng nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa. "Một số hàng hóa của Trung Quốc có thể được chuyển qua Việt Nam để mượn xuất xứ, rồi xuất khẩu đi Mỹ và ngược lại", Bộ Công thương nhận định.
Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Canada, Úc đã áp dụng biện pháp gia tăng bảo hộ thương mại, khi giá trị xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam như gỗ dán, tôm, nhôm, sản phẩm từ thép…, tăng đột biến.
Thời gian qua, ngay sau khi cơ quan hải quan Đức đề nghị xác minh xuất xứ mặt hàng tôm Việt nam xuất khẩu sang Đức, cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban Châu Âu (OLAF) và cơ quan hải quan Hàn Quốc (KCS) cũng yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra thực tế các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam.