Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng tiếp tục giảm hơn 500 đồng/lít

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xăng dầu đồng loạt giảm giá từ 15h ngày 16/8; Kiểm toán Nhà nước được ủng hộ truy cập dữ liệu điện tử doanh nghiệp; Giám sát nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp... là nội dung chú ý tuần qua.

Xăng dầu đồng loạt giảm giá từ 15h ngày 16/8
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 16/8/2019 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.
 Ảnh minh họa
Để bảo đảm giá xăng dầu trong nước có sự điều chỉnh phù hợp với xu hướng biến động giá thị trường thế giới, đồng thời bảo đảm việc duy trì Quỹ Bình ổn giá để có dư địa điều hành bình ổn giá các tháng cuối năm trước tình hình địa chính trị trên thị trường thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu khuyến khích sử dụng xăng sinh học, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu bảo đảm giữ mức chênh lệch giá phù hợp giữa xăng E5RON92 và xăng khoáng RON95.
Theo đó, liên Bộ quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng RON95 và các loại dầu ở mức 500 đồng/lít.
Từ 15h ngày 16/8, xăng E5RON92 giảm 544 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 514 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 519 đồng/lít; dầu hỏa giảm 570 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.855 đồng/kg.
Sau khi điều chỉnh, giá bán xăng E5RON92 không cao hơn 19.358 đồng/lít; xăng RON95-III: không cao hơn 20.405 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.504 đồng/lít; dầu hỏa: không cao hơn 15.396 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.072 đồng/kg.
Đây là lần thứ hai liên tiếp ghi nhận xăng dầu trong nước giảm giá. Trước đó, chiều 1/8, xăng E5RON92 giảm 377 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 316 đồng/lít; Dầu diesel tăng 26 đồng/lít; dầu hỏa tăng 7 đồng/lít; dầu mazut giảm 53 đồng/kg.
Kiểm toán Nhà nước được ủng hộ truy cập dữ liệu điện tử doanh nghiệp
Sáng 12/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 36, thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi. Về đề xuất bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng của cơ quan Kiểm toán, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải nói, thường trực cơ quan này đồng ý. Tuy nhiên, dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng có nhiều loại thông tin, có cả mật, tối mật, tuyệt mật. Đồng thời việc truy cập đòi hỏi trình độ nhất định về công nghệ thông tin.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
"Để quản lý, giám sát kiểm toán viên và truy cứu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, sự cố thì cần quy định điều kiện về trình độ và phân quyền truy cập phù hợp với từng cấp độ kiểm toán viên", ông Hải nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, việc truy cập dữ liệu điện tử với cơ quan kiểm toán là cần thiết, nhưng "quyền hạn truy cập tới đâu phải làm rõ ngay trong dự Luật".
"Nếu bất cứ dữ liệu nào kiểm toán viên cũng có quyền truy cập là vi phạm quyền công dân. Quy định không rõ sẽ chồng chéo với những luật khác đã có như Luật An ninh mạng...", ông Hiển lưu ý.
Sau đó, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giải thích, dự Luật lần này đã bổ sung nội dung về trách nhiệm, phân quyền truy cập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên về tính bảo mật dữ liệu truy cập.
So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp 7 (tháng 5/2019), lần này ban soạn thảo - Kiểm toán Nhà nước xin ý kiến các thành viên Uỷ ban thường vụ việc sửa nhiệm vụ "thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng" thành "xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng".
Theo Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, Thủ tướng có quyền yêu cầu kiểm toán Nhà nước thực hiện một số cuộc kiểm toán. Yêu cầu này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là "đúng, chính đáng", bởi thực tiễn điều hành, quản lý Chính phủ, Thủ tướng phát hiện những vấn đề cần phải có cơ quan kiểm toán vào cuộc, làm rõ. Song bà cho rằng, dự Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi lần này cần quy định rõ cơ chế để tránh hiện tượng "ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán".
Theo Chủ tịch Quốc hội, kiểm toán không thể đáp ứng được hết các yêu cầu với nguồn lực, con người hiện nay nên trước tiên phải thực hiện theo sát Nghị quyết Quốc hội. Và riêng nhiệm vụ hàng năm phải làm của Kiểm toán Nhà nước theo Nghị quyết Quốc hội theo bà "đã rất nhiều".
"Tôi khẳng định lại nhu cầu kiểm toán luôn gắn với thực tiễn quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Do đó, thẩm quyền yêu cầu cần kiểm toán của Thủ tướng, Chính phủ là đúng, có trong thực tế, nhưng phải quy định trong luật này như thế nào để tránh mâu thuẫn với Nghị quyết Quốc hội", Chủ tịch Kim Ngân nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nên mở rộng thẩm quyền đề nghị kiểm toán cho các chủ thể khác nhau, ngoài Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Song, cơ quan kiểm toán có thực hiện theo những đề nghị này hay không thì "phải có sự xem xét, bổ sung vào kế hoạch kiểm toán đã được Quốc hội phê duyệt".
Với tư cách cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho hay, thường trực Uỷ ban đồng ý với đề xuất của Kiểm toán Nhà nước để "kiểm toán bảo đảm nguồn lực, chủ động hơn trong thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được Quốc hội quyết định". Tuy nhiên, theo ông Hải, Kiểm toán Nhà nước cần giải trình rõ hơn, thống kê và đánh giá tác động khi thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm toán thực hiện từ khi Luật này có hiệu lực đến nay.
"Cơ quan kiểm toán cần làm rõ mức độ ảnh hưởng đến kế hoạch, chất lượng các kiểm toán để có căn cứ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định", ông Hải nêu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Giám sát nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp

Ngày 9/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp -

Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia dưới mức trần được Quốc hội cho phép là không quá 50% và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Đặc biệt, nợ nước ngoài của Chính phủ giảm rất mạnh, tốc độ tăng nợ rất thấp.

Còn nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng nhỏ và xu hướng giảm. Năm 2018, Chính phủ đặt ra hạn mức bảo lãnh vay nợ 700 triệu USD nhưng đã không bảo lãnh vay quốc tế dự án nào mà ưu tiên vay vốn trong nước khi trong nước có khả năng và có lợi về lãi suất hơn.

Tuy nhiên, quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng nhanh, chủ yếu là nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả chiếm khoảng 48,4% tổng nợ nước ngoài quốc gia so với tỷ lệ 25,6% năm 2011 và 40,4% của năm 2016.

Phó Thủ tướng cho rằng việc tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả chủ yếu nằm ở khối DN đầu tư nước ngoài (chiếm 76% tổng lượng nợ của DN), tập trung ở một số DN FDI có quy mô lớn.

“Việc tăng nợ nước ngoài quốc gia tuy đáp ứng được nhu cầu vốn và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng nhưng cũng tác động tới khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Để bảo đảm an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài của quốc gia nói riêng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành tăng cường điều hành, quản lý nợ theo quy định của pháp luật như Luật quản lý nợ công, các Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, Chính phủ về nợ công nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nói chung chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn tự thân của DN, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các DN nói chung.

“Đặc biệt, các chỉ tiêu về trần nợ công, chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ là các chỉ số quan trọng phải bảo đảm theo đúng yêu cầu của Quốc hội”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trong việc xây dựng kế hoạch nợ nước ngoài quốc gia và khả năng trả nợ trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện pháp luật quản lý nợ tự vay tự trả của DN, tập trung giám sát tổng nợ, cơ cấu nợ của các khu vực và có tính tới rủi ro đối với từng DN, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ KH&ĐT rà soát, đánh giá tổng thể đầu tư nước ngoài, nhất là dự án lớn trên tổng nguồn vốn đầu tư; tác động của điều kiện vay nước ngoài tới mục tiêu tăng trưởng và thu hút FDI; chủ trì đề xuất khắc phục tình trạng vốn mỏng trong các dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN và Luật Thuế thu nhập DN.

Cho phép thử nghiệm sandbox trong kinh tế chia sẻ
Theo đề án kinh tế chia sẻ vừa được Thủ tướng phê duyệt, Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng tiếp tục giảm hơn 500 đồng/lít - Ảnh 4
 Ảnh minh họa
Điểm đáng chú ý tại đề án này, là Chính phủ cho phép thử nghiệm cơ chế dạng sandbox trong triển khai và ứng dụng các công nghệ mới của mô hình kinh tế chia sẻ. Các mô hình kinh tế chia sẻ phù hợp với phát triển, trình độ kinh tế xã hội đất nước cũng sẽ được khuyến khích phát triển.
Đề án này cũng đưa ra các nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong tương lai. Bốn nhóm giải pháp để tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ và truyền thống cũng được nêu. Cụ thể là các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, người dùng dịch vụ; giải pháp về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ và giải pháp phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình này.
Trong đó, nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ nhằm hiểu rõ trách nhiệm khai báo thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành cho các cơ quan quản lý Nhà nước..
Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ để nâng cao năng lực hiểu biết, pháp luật về hợp đồng số; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.
Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.
93 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trước 2021
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.Theo đó, 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

  Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) nằm trong nhóm

DN cổ phần hóa

Trong danh sách này, 4 doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo hướng nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - công ty mẹ (TKV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood 1), Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.
Có 62 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Nhóm này gồm một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)...
Có 27 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không giữ cổ phần như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)...
Thủ tướng Chính phủ giao bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp) đúng kế hoạch; xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với tiêu chí quy định...
Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp Nhà nước cần nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.
Định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020 báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định.
Theo quyết định thì các tập đoàn, tổng công ty chỉ còn hơn 15 tháng để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng đã giao. Mục tiêu này khá thách thức trong bối cảnh việc cổ phần hóa gần đây tiếp tục diễn biến chậm.
Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa năm 2019 chưa đạt được kế hoạch khi còn tới 92 trong số 127 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, tương đương 72%, trong khi hiện đã bước sang quý III.