Sự kiện kinh tế tuần: Giải ngân vốn ODA tiếp tục chậm

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải ngân nguồn vốn ODA trong sáu tháng đầu năm chỉ bằng 12,7 % kế hoạch Chính phủ giao; Thủ tướng giao Bộ Công Thương xử lý vướng mắc ngành dệt may; Đề xuất giảm thuế cho DN nhỏ và vừa trình Quốc hội... là nội dung chú ý tuần qua.

Giải ngân nguồn vốn ODA trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng 12,7% kế hoạch
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước; trong đó nguồn vốn ODA cấp phát năm 2019 đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 là 60.000 tỷ đồng. Đến nay, Bộ đã giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn ODA là gần 32.950 tỷ đồng, đạt 54,9% kế hoạch Quốc hội giao.
 Giải ngân vốn ODA nửa đầu năm 2019 chậm so với cùng kỳ. Ảnh minh họa
Về giải ngân nguồn vốn ODA cấp phát trong sáu tháng đầu năm ước đạt gần 4.180 tỷ đồng, bằng 6,9% kế hoạch Quốc hội giao và 12,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mức giải ngân này thấp hơn cùng kỳ năm 2018; trong đó, có tám trong số 59 địa phương được giao kế hoạch vốn nước ngoài có tỷ lệ giải ngân trên 30%. 11 bộ ngành Trung ương được giao kế hoạch vốn đều giải ngân dưới 30%; 28 địa phương chưa giải ngân nguồn vốn này.
Lý giải về giải ngân chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân là do vướng mắc trong kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài. Theo đó, đến hết tháng 6/2019, kế hoạch nguồn vốn ODA cấp phát năm 2019 mới giao được 54,7% số vốn Quốc hội phân bổ.
Nguyên nhân giao chậm là do thiếu vốn đối ứng nên không hấp thụ vốn nước ngoài. Đơn cử, Bộ Giao thông Vận tải hiện chỉ đề xuất dự kiến giải ngân gần 9.314 tỷ đồng trong số 14.480 tỷ đồng kế hoạch được Quốc hội phân bổ.
Bên cạnh đó, còn do nguyên nhân dự án hết hạn mức kế hoạch trung hạn, phải chờ cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, bổ sung; dự án mới ký kết hiệp định chưa được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa có cơ sở bố trí kế hoạch vốn hằng năm. Hay nguyên nhân dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân do tính sẵn sàng của các dự án thấp. Bởi thực tế cho thấy, nhiều dự án được bố trí đủ kế hoạch vốn nhưng không thể giải ngân được do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư... Chẳng hạn như dự án mở rộng bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, dự án giao thông đô thị thành phố Hải Phòng; dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ... Cùng đó, do vướng mắc trong thủ tục và thẩm định cho vay lại và vướng mắc trong thủ tục giải ngân, rút vốn.
Để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA cấp phát trong năm nay, ngay trong những tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/1/2019 về việc triển khai Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Bộ cũng tiếp tục rà soát, xây dựng báo cáo tổng thể và phương án xử lý những tồn đọng trong phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nguồn vốn nước ngoài trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 tại một số bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương xử lý vướng mắc ngành dệt may
Văn phòng Chính phủ tuần qua đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về những khó khăn, vướng mắc của ngành dệt may.
 Ảnh minh họa
Chỉ đạo của Thủ tướng diễn ra sau phản ánh của báo chí về việc nếu EVFTA là cao tốc nối với EU thì địa phương đang trở thành các trạm BOT cản trở doanh nghiệp dệt may chủ động nguyên liệu, tối đa lợi ích.
Phản ánh cũng nêu dệt may phụ thuộc nguồn vải nhập khẩu nên khó nâng cao giá trị. Do đó, thời gian tới, ngành dệt may phải lấy trọng tâm là sản xuất vải.
Để đáp ứng 45% lượng vải vào năm 2020 phải sản xuất thêm 1,7 tỷ m2 và 65% vào năm 2020 phải sản xuất thêm 10 tỷ m2. Tuy nhiên, đầu tư sản xuất sợi, vải gặp khó khăn khi nhiều địa phương từ chối vì liên quan đến môi trường.
Về thông tin phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương làm việc với các địa phương xử lý.
Đề xuất giảm thuế cho DN nhỏ và vừa trình Quốc hội
Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của cơ quan này về việc áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
 Ảnh minh họa
Đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề xuất của Bộ Tài chính đã đưa ra các mức giảm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống mức 15, 17% thay vì mức 20% như hiện nay.
Theo đó, dự thảo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đưa ra mức thuế suất 15% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.
Mức thuế suất 17% được áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với 2 trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ nêu trên được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Những hộ kinh doanh được áp dụng theo quy định này phải có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 12 tháng tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này được đưa vào Dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu được thông qua, Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp tại Dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng/năm.

Diễn đàn M&A 2019 - “Thay đổi để bứt phá”

Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) 2019 sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 6/8 tới. Tại cuộc họp báo ngày 23/7, Ban tổ chức cho biết, sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng nghìn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.

 Diễn đàn M&A 2019 sẽ diễn ra vào tháng 8 tới

Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. (Nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%). Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD). Dự báo cả năm, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018.

Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics, giáo dục… Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Theo Ban tổ chức, trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014 - 2016 để ổn định ở mốc 6 - 6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD thì Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.

Ngoài ra, vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Hay như các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam.

“Đây là những lý do khiến chúng tôi chọn chủ đề “Thay đổi để bứt phá” cho năm 2019”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết.

Với sự tham gia của 500 đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, Chương trình hội thảo thường niên năm nay tập trung phân tích những thay đổi, chuyển biến cũng như rào cản về chính sách nhằm thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam. Từ đó giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong ngoài nước nhận diện nguồn hàng, nguồn vốn ngoại và các lĩnh vực sẽ tạo đột phá.

Lý giải sức hút thị trường hơn 96 triệu dân và phát triển thương hiệu hậu M&A. Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ bình chọn, trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 - 2019; tổ chức khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A; Phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2019”.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín lên sàn vào 30/7
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX đã thông báo về ngày giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín - VietBank.
 Ảnh minh họa
Theo đó, nhà băng này sẽ niêm yết tổng cộng 419 triệu cổ phiếu (tương đương vốn điều lệ 4.190 tỷ đồng) với mã giao dịch là VBB trên sàn UPCoM từ ngày ngày 30/7 tới đây.
Theo công bố, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của VBB là 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá ngân hàng vào khoảng 6.285 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 cho thấy, VietBank nửa đầu năm nay thu về tổng cộng 249 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết quý II, tổng tài sản của nhà băng đạt hơn 56.600 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ, phần lớn lợi nhuận của VietBank có được là nhờ giảm mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng, từ mức 40,7% lợi nhuận thuần năm trước xuống chỉ còn 7,9% năm nay. Dư nợ cho vay ở mức 37.569 tỷ đồng, tăng 5,8%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt 1,14%.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Vietbank đến hết ngày 30/6/2019 ở mức 4.727 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 42.771 tỷ đồng, tăng 7,3%.
Trong năm 2019, ngân hàng VietBank dự kiến thu về hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với năm 2018. Như vậy, sau nửa năm, nhà băng này đã hoàn thành gần một nửa chỉ tiêu đặt ra.