Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Hà Nội nêu tên 145 doanh nghiệp nợ thuế, phí

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nổi bật trong danh sách nợ thuế, phí do Cục thuế Hà Nội công bố đợt này là Công ty Cổ phần TSQ Techco, với số tiền nợ lên đến hơn 20 tỷ đồng.

Nhiều DN bất động sản đang nợ thuế
Tuần qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã công bố đợt 10 danh sách 145 DN nợ thuế, phí và tiền thuế đất, trong đó chiếm đa phần là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Số tiền các DN này nợ lên đến hơn 150 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ thuế, phí với hơn 133 tỷ đồng.
 TSQ Techco dẫn đầu danh sách nợ thuế đợt này
Đáng chú ý, số DN có số nợ thuế lớn nhất tập trung trong ngành địa ốc, đó là: Công ty Cổ phần TSQ Techco (Quận Hà Đông) nợ 20 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bất động sản Thăng Long (Quận Hà Đông) nợ hơn 9,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kad Việt Nam (Quận Thanh Xuân) nợ gần 9 tỷ đồng; Công ty TNHH Xứ Đoài (Quận Cầu Giấy) nợ hơn 6,8 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Bắc Thăng Long Hà Nội (Quận Ba Đình) nợ hơn 3,2 tỷ đồng…
Được biết, đây là lần thứ 10 kể từ đầu năm cơ quan thuế Hà Nội “bêu tên” các doanh nghiệp nợ thuế. Trước đó, vào 31/7, cơ quan Thuế Hà Nội đã công khai danh sách 185 đơn vị nợ thuế với tổng số tiền nợ hơn 215 tỷ đồng.
Hơn 700 doanh nghiệp gas đòi Bộ Công Thương bồi thường
Mới đây, một số DN đại diện cho hơn 700 DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gas ở khu vực miền Bắc đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các bộ, ngành liên quan đề nghị xem xét không sửa quy định hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas.
 
Đại diện cho 300 doanh nghiệp gas ở Thái Bình cho rằng, theo quy định tại Nghị định 107 về điều kiện kinh doanh gas, DN phân phối gas cấp 1 phải có bồn chứa 800m3 và 300.000 vỏ bình. Để đáp ứng quy định này, DN đã vay vốn ngân hàng với một lượng tiền lớn để đầu tư và hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, khi Nghị định 19 ra đời thay thế Nghị định 107, việc hạ thấp các quy định về bồn chứa và số lượng vỏ chai LPG sẽ tồn tại nhiều bấp cập. Hiện đã có quá nhiều DN không đáp ứng được điều kiện trên nhưng nay lại nghiễm nhiên tham gia vào thị trường, điều này đồng nghĩa thừa nhận việc thương nhân trước đây kinh doanh trái phép, không đủ năng lực. Từ đó dẫn đến tình trạng cung ứng tràn lan, Nhà nước không kiểm soát được cũng như an toàn cháy nổ.
Bên cạnh đó, đại diện cho 450 DN kinh doanh gas tỉnh Thanh Hóa cũng đã gửi đơn kiến nghị tương tự lên Thủ tướng và các bộ, ngành có liên quan. Ngoài các đề xuất tương tự với đồng nghiệp ở Thái Bình, các DN Thanh Hóa cho rằng, nếu hạ thấp nữa các điều kiện quy định tại Nghị định 19 thì Bộ Công Thương cần xem xét, bồi thường những khoản vay ngân hàng mà DN đã đầu tư để đáp ứng tốt, nghiêm chỉnh các quy định của Nghị định này.
PVN dẫn đầu danh sách nộp thuế nhiều nhất năm 2016
Mới đây, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Bảng xếp hạng V1000 - 1000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2016. Tổng số thuế của các DN này đạt hơn 90.000 tỷ đồng, tăng khoảng 11,87% so với tổng số thuế của Bảng xếp hạng năm 2015 và chiếm khoảng 10,41% tổng thu ngân sách của Nhà nước năm 2015.
 
Về các DN dẫn đầu Bảng xếp hạng năm nay vẫn là những cái tên quen thuộc như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đứng thứ nhất, tiếp đó là Tập đoàn Viễn thông Quân đội còn Tổng Công ty Khí Việt Nam đạt vị trí thứ 3. Ngoài ra, trong Top 10 cũng có sự góp mặt của các ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Giống như mọi năm, khối DN Nhà nước vẫn luôn là nguồn lực chủ yếu được ghi nhận đóng góp lớn vào nguồn ngân sách quốc gia. Trong Bảng xếp hạng năm 2016, khối này đóng góp gần 60% tổng số thuế thu, tăng mạnh so với tỷ lệ 45% của năm 2015.
Đối với khối DN tư nhân có khởi sắc nhẹ với tỷ lệ đóng góp là 27%. Đáng chú ý, trong Top 5 của Bảng xếp hạng này có sự góp mặt của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Doanh nghiệp mỗi năm mất ngàn tỷ vì kiểm tra chuyên ngành
Trong một báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ này cho biết trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là những quy định về quản lý chuyên ngành.
 
Cụ thể, về chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm so với năm trước và chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn. Rất khó điều tra được tổng chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho kiểm tra chuyên ngành, nhưng chắc chắn là gánh nặng lớn đối với DN, tiêu tốn hàng nghìn tỉ mỗi năm.
Bộ này cũng dẫn chứng trường hợp một DN nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương khoảng 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng (thử nghiệm tại Quantest 1), chưa kể chi phí vận chuyển. Có DN sản xuất, xuất khẩu thủy sản một năm chi phí khoảng 6 tỉ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thủy sản (do Nafiquad kiểm tra).
Không những thế tổng số chi phí cho việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành riêng đối với hàng hóa nhập khẩu làm thủ tục tại hải quan TPHCM khoảng hơn 1.136,5 tỷ đồng trong năm 2015. Chi phí này chưa bao gồm phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự; chi phí tiền vay; chi phí lưu kho bãi; chi phí lao động, ngày công; và các chi phí cơ hội khác.
Tính rộng ra trên cả nước, tổng chi phí cho 3 loại kiểm tra chuyên ngành trên (kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng) đang vào khoảng 1.704,75 tỷ đồng/năm 2015.