Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Hàng loạt Startup ấn tượng tại Hanoi Innovation Summit

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hanoi Innovation Summit: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Thủ đô; Vốn FDI thực hiện 8 tháng tăng 6,3% so với cùng kỳ; Xăng dầu đồng loạt giảm giá từ chiều 31/8... là nội dung chú ý tuần qua.

Hanoi Innovation Summit: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Thủ đô
Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 (Hanoi Innovation Summit) đã kết thúc với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội bởi Tổ chức đổi mới sáng tạo toàn cầu Schoolab (Pháp) và Startup Sesame (Pháp), dưới sự bảo trợ của UBND TP Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 3.500 khách tham dự đến từ 40 quốc gia.
Tham dự Diễn đàn năm nay có trên 3.500 khách tham dự đến từ gần 40 quốc gia, trong đó có hơn 200 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan Trung ương và TP Hà Nội; Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội; hơn 150 diễn giả quốc tế và trong nước (chủ yếu là các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, tài nguyên môi trường, sáng tạo khởi nghiệp, tài chính…); hơn 170 nhà đầu tư, 150 startups, 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, 1.000 sinh viên thanh niên, 100 nhà báo và hơn 1000 khách tham dự là nhà nghiên cứu, đại diện trường học, các trung tâm khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp…
Tháng 7/2019, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về việc Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025, trong đó có bổ sung rất nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ hoạt động truyền thông; hỗ trợ hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo;... Nhận thức được tầm quan trọng và khai thác những vấn đề cấp thiết liên quan đến khởi nghiệp, Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 hy vọng sẽ quảng bá và phát huy nhận thức, tinh thần về khởi nghiệp sáng tạo đến cộng đồng, nhất là giới sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức ở Việt Nam và TP Hà Nội, đồng thời thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang “nở rộ” tại Việt Nam, trong đó có TP Hà Nội.
Theo đó, sự kiện được diễn ra trong 2 ngày từ ngày 29 - 30/8 với 6 hoạt động diễn ra song song tại các khu vực: sân khấu chính (các bài thuyết trình, phiên thảo luận chính), sân khấu doanh nghiệp (các bài thuyết trình, phiên thảo luận từ nhà tài trợ và đối tác), sân khấu doanh nghiệp khởi nghiệp (các bài thuyết trình từ startup được tuyển chọn cho cuộc thi khởi nghiệp Ơi Award), phòng hội thảo (7 hội thảo thực hành theo chủ đề của đối tác và diễn giả), khu vực kết nối (trao đổi 1-1 để kết nối nhà đầu tư và đối tác tiềm năng, với 650 cuộc trao đổi đã được thiết lập), cuối cùng là hoạt động trưng bày, triễn lãm của hơn 100 startups từ gần 20 quốc gia, cùng các Nhà tài trợ Toàn cầu, Vàng và Bạc.
Xoay quanh vấn đề đổi mới sáng tạo hướng đến tính bền vững và sự tham gia đa thành phần ở các nền kinh tế mới nổi, hai chủ đề chính đã được các diễn giả đưa ra đàm luận trong hai ngày 29-30/8/2019 là: “Hành tinh và những thành phố của chúng ta - Sự sáng tạo ở mức độ cơ sở hạ tầng” bao gồm các lĩnh vực về Môi trường (Công nghệ xanh, Công nghệ sạch, Nước, Bền vững, Không gian), Thành phố thông minh (5G, Internet Vạn vật IoT, Bất động sản, Công nghệ chính phủ), Di động & Hậu cần; chủ đề còn lại là “Các tổ chức và cuộc sống của chúng ta - Sự sáng tạo ở cấp độ con người” gồm 3 lĩnh vực: Khoa học đời sống (Thực phẩm/ Công nghệ nông nghiệp/Sức khỏe/ Công nghệ sinh học); Tương lai của việc làm (Công nghệ nhân sự, Công nghệ giáo dục); Công nghệ Người tiêu dùng (Công nghệ tài chính B2C, thương mại điện tử, công nghệ du lịch, truyền thông). Những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ được tổng hợp, tiếp thu, tham khảo để ứng dụng vào thực tiễn.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, vòng chung kết cuộc thi startup Ơi award cũng được tổ chức với phần tranh tài của top 60 startup nổi bật nhất. Hội đồng ban giám khảo uy tín từ trong nước và quốc tế đã chọn ra top 6 startup từ 6 chủ đề chương trình và đại diện từ 6 quốc gia khác nhau bao gồm Việt Nam, để chọn ra startup xuất sắc nhất dành giải thưởng $10,000 tiền mặt, 1 năm làm việc miễn phí tại Dreamplex Coworking Space, và hàng loạt những phần thưởng hấp dẫn khác đến từ các đối tác Techsauce Global, CoXplore Vietnam, Amazon Web Services,...
Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội được thiết lập với mong muốn sẽ trở thành diễn đàn thường niên uy tín cho các nhà lãnh đạo có thể kết nối, thúc đẩy trao đổi, truyền cảm hứng và thảo luận nghiêm túc về các cơ hội và thách thức trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.
Diễn đàn còn chú trọng nâng cao hiểu biết về các xu hướng bền vững, hướng đến sự tham gia của đa thành phần và hy vọng sẽ trở thành cầu nối, mang những người tiên phong và những startup tốt nhất đến từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam để các startup Việt Nam có được những cái nhìn và trải nghiệm đa dạng.
Là một trong những sự kiện chính của Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 (Hanoi Innovation Summit), cuộc thi “Startup ƠI” đã thu hút sự tham gia của hơn 600 startup trong nước và thế giới. Với 60 startup được chọn vào vòng lựa chọn chung, qua việc trình bày ý tưởng với các chuyên gia và nhà đầu tư những dự án khởi nghiệp này có cơ hội dành chiến thắng cuối cùng với giải thưởng lên đến 10.000 USD (hơn 232 triệu đồng).
Được biết, các startup tham gia “Startup ơi” sẽ tập chung vào 6 chủ đề chính của Diễn đàn gồm: Môi trường, Dịch chuyển & Hậu cần, Đô thị thông minh, Khoa học cuộc sống, Tương lai việc làm và Công nghệ tiêu dùng.
Sau các vòng tuyển chọn, đối với chủ đề Tương lai việc làm, startup vào chung kết là Recruitery.co, nền tảng hàng đầu và lớn nhất về giới thiệu người tài của Việt Nam dành cho các công ty tích cực về việc tiếp cận những người tài giỏi nhất, không chỉ dựa trên ứng dụng.
Chủ đề Khoa học cuộc sống có startup đại diện là Marine Innovation, sản xuất giấy & nhựa từ rong biển ở Singapore. Dịch chuyển & Hậu cần là LuggAgent International, một startup Hồng Kông cung cấp dịch vụ trả hành lý trong ngày giữa các sân bay, khách sạn & airbnb trên hơn 200 TP.
Đối với chủ đề Đô thị thông minh là RoadBounce, startup ở Ấn Độ, phát triển công nghệ ghi lại tình trạng đường xá một cách khoa học thông qua smartphone. Chủ đề Môi trường là startup Carbon Upcycling Technologies, một công ty của Canada thu khí CO2 dạng rắn và sản xuất các hạt nano chất lượng cao. Còn với chủ đề Tương lai việc làm và Công nghệ tiêu dùng: Eatigo international, ứng dụng đặt chỗ nhà hàng đến từ Thái Lan.
Cuối cùng, startup nhận được nhiều sự ủng hộ nhất từ phía các chuyên gia và nhà đầu tư đã giành chiến thắng của cuộc thi “Startup ƠI” là dự án khởi nghiệp Carbon Upcycling Technologies đến từ Canada.
Vốn FDI thực hiện 8 tháng tăng 6,3% so với cùng kỳ
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2019 có 2.406 dự án FDI mới cấp phép với số vốn đăng ký đạt hơn 9,1 tỷ USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
 Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, có 908 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 3,9 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng năm nay đạt hơn 13,1 tỷ USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 872 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,9 tỷ USD và 4.363 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,61 tỷ USD.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 852,3 triệu USD, chiếm 9,3%; các ngành còn lại đạt hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 16,1%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng đạt hơn 10,3 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 729 triệu USD, chiếm 5,6%; các ngành còn lại đạt hơn 2 tỷ USD, chiếm 15,5%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 5,3 tỷ USD, chiếm 56,7% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 16,6%; các ngành còn lại đạt hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 26,7%.
Trong 8 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc với hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 18,9%; Nhật Bản với hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 13%...
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm nay có 102 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 339,5 triệu USD; 23 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 99,5 triệu USD.
Xăng dầu đồng loạt giảm giá từ chiều 31/8
Thông báo của liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, từ 15h xăng chiều 31/8, giá xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh theo hướng giảm.
 Ảnh minh họa
Cụ thể mỗi lít xăng RON95 được điều chỉnh giảm 170 đồng; xăng E5RON92 giảm 135 đồng/lít; Dầu điêzen giảm 165 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 69 đồng/lít; Dầu madút giảm 244 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, xăng RON95 về mức tối đa 19.223 đồng/lít; Xăng E5RON92 19.223 đồng/lít; Dầu điêzen 16.339 đồng/lít; Dầu hỏa 15.327 đồng/lít; Dầu madút 13.828 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh này, Liên bộ yêu cầu thực hiện giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; giảm mức trích lập đối với mặt hàng RON95 xuống mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 500 đồng/lít), giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại dầu ở mức 500 đồng/lít/kg.
Đồng thời không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 16/8), giá các mặt hàng xăng, dầu cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 giảm 514 đồng, E5 RON 92 giảm 544 đồng; dầu hoả giảm 570 đồng, dầu điêzen giảm 519 đồng. Trong khi đó dầu madut giảm nhiều nhất, 1.855 đồng một kg.
Cùng với giảm giá, liên Bộ cũng điều chỉnh lại mức trích Quỹ bình ổn 500 đồng một lít, kg với các mặt hàng xăng, dầu, trừ xăng E5 RON 92 mức trích là 100 đồng mỗi lít. Nhà điều hành cũng không chi Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu tại kỳ điều hành này.

Giá dịch vụ y tế, học phí điều chỉnh theo lộ trình kéo CPI tháng 8/2019 tăng

Sáng 29/8, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước, bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

 Ảnh minh họa
Trong mức tăng 0,28% tháng 8/2019 so với tháng trước, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,81% (dịch vụ y tế tăng 3,64%).
Nhóm giáo dục tăng 0,57% (dịch vụ giáo dục tăng 0,54%) do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019 - 2020. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,33%, chủ yếu do nhóm nhà ở thuê tăng 0,43%; chỉ số giá điện tăng 0,33%; chỉ số giá nước tăng 0,28%.
Bên cạnh đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,31%; thực phẩm tăng 0,29%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%. 3 nhóm có chỉ số giá giảm là: Giao thông giảm 0,46%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Như vậy CPI bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 8/2019 tăng 1,87% so với tháng 12/2018 và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 8/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đồng đô la Mỹ giảm giá do Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất từ ngày 31/7/2019.
Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/8/2019 tăng 5,46% so với tháng 7/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2019 tăng 4,61% so với tháng trước; tăng 14,33% so với tháng 12/2018 và tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2019 giảm 0,17% so với tháng trước; giảm 0,38% so với tháng 12/2018 và giảm 0,13% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo cuộc đua tăng lãi suất huy động

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tuần qua đã chỉ đạo các nhà băng kiểm soát chặt việc huy động vốn khi thấy một số đơn vị tăng lãi suất tiền gửi nhanh ở một số kỳ hạn, phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.

  Ảnh minh họa
"Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng vi phạm", chỉ đạo của Thống đốc nêu rõ. Theo đó, các nhà băng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, không làm ảnh hưởng đến sự ổn định và mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục đẩy cao chương trình huy động tiền gửi, phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Nếu như đầu năm, các chương trình chứng chỉ tiền gửi chỉ có mặt bằng chung quanh ngưỡng 8-9% thì gần nhất, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất tới 10,2%.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng có chiều hướng tăng trở lại, với mức cao nhất khoảng 8,2-8,4% mỗi năm, thậm chí vượt 9% với một số chương trình đặc biệt áp dụng cho lượng tiền gửi lớn và kỳ hạn dài.
Nhà điều hành cho rằng, động thái tăng lãi suất tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến và tâm lý tiêu cực, có nguy cơ dẫn tới cuộc đua về lãi suất huy động, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Theo các chuyên gia, một phần lý do đến từ nhu cầu vốn trung - dài hạn của các ngân hàng. Những quy định của cơ quan quản lý siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn được xem là áp lực chính khiến các nhà băng phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động, theo hướng gia tăng nguồn vốn kỳ hạn dài.
Bên cạnh đó, cuộc đua phát hành trái phiếu bất động sản và những trường hợp phát hành trái phiếu để đảo nợ cho khách hàng cũng được xem là một trong những lý do đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Từ đó, các ngân hàng thương mại cũng tham gia cuộc đua lãi suất trên thị trường tiền gửi của dân cư.
Grab sẽ rót thêm nửa tỷ USD vào Việt Nam
Grab Holdings vừa cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới, nâng tổng số vốn tại đây lên 700 triệu USD. Thông báo được Grab Holdings đưa ra hôm 28/8. Grab cho biết, sẽ sử dụng số tiền này để mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các dịch vụ, giải pháp mới về công nghệ di động (mobility), công nghệ tài chính (fintech), logistics.
  Ảnh minh họa
Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2019, Grab đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 200 triệu USD. Ông Russell Cohen, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Grab cho rằng, khoản đầu tư này thể hiện cam kết chặt chẽ và sâu rộng của Grab cho thị trường Việt Nam.
Khi Grab ngày càng mở rộng các dịch vụ giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa và thanh toán điện tử trên khắp cả nước, và Grab dự kiến có thể nắm bắt và đầu tư vào các cơ hội mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính,di động và logistics...
Grab và đối thủ Go-Jek (có trụ sở tại Indonesia) đang phát triển từ các nhà cung cấp dịch vụ đi xe chung để trở thành cửa hàng một cửa cho các dịch vụ đa dạng như thanh toán, giao đồ ăn, hậu cần và đặt phòng khách sạn ở Đông Nam Á.
Ứng dụng của Grab xuất hiện trên hơn 160 triệu thiết bị di động tại 8 quốc gia, trong đó người dùng trung lưu và tiêu dùng trẻ tuổi ở Việt Nam đang sử dụng ứng dụng để truy cập các dịch vụ từ Grab. Việt Nam đứng thứ ba hoặc thứ tư trong số các thị trường hàng đầu của Grab.
Vào năm 2018, Grab đã hợp tác với Moca để ra mắt ví kỹ thuật số. Grab đã thành lập một liên doanh với Credit Saison, một công ty thẻ tín dụng Nhật Bản, vào năm ngoái để cung cấp các khoản vay và phân tích tín dụng cho người tiêu dùng và doanh nhân trên khắp Đông Nam Á.
Masan vào top 200 công ty doanh thu tỷ USD tại châu Á
Danh sách ứng viên được Forbes châu Á sàng lọc từ 3.200 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương có doanh thu hơn một tỷ USD trong năm tài chính vừa qua. Các ứng viên được xếp hạng dựa theo nhóm 12 tiêu chí, bao gồm doanh thu trung bình năm năm, mức tăng trưởng doanh thu vận hành, lợi nhuận trên vốn và mức tăng trưởng dự kiến trong 1-2 năm tới.
 Nhà xưởng Masan
Theo báo cáo, doanh thu của Masan Group trong năm tài chính vừa qua là trên 1,6 tỷ USD, giá trị vốn hóa trên 3,7 tỷ USD. Các đại diện khác từ Việt Nam cũng có mặt trong bảng xếp hạng này là Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.
Trong vòng 2 tháng, Masan Group liên tục vào các bảng xếp hạng các công ty niêm yết tốt nhất của Việt Nam và châu Á.
Trước đó vào ngày 15/8, tạp chí Forbes Việt Nam đã bình chọn Masan Group là một trong top 50 công ty niêm yết tốt tại Việt Nam năm 2019. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp Masan Group được vinh danh ở bảng xếp hạng này.
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư vào cuối tháng 6 cũng bình chọn Masan Group trong top 50 công ty kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam năm 2018 và thuộc nhóm 17 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt trên một tỷ USD.
Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Masan Group tăng 58,4%, đạt 4.916 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Công ty Masan Consumer, nhánh kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan Group, giao dịch trên UPCoM năm 2018 đạt lợi nhuận sau thuế 2.162 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng của ngành hàng thực phẩm và đồ uống.
Theo báo cáo Brand Footprint 2019 (Kantar Worldpanel), trong 7 năm liên tiếp Masan Consumer thuộc top 3 nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại thành thị (khảo sát tại 4 thành phố chính) và nông thôn. Trong đó, Nam Ngư là một trong hai thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất.
Masan MEATLife (MML) - công ty con của tập đoàn Masan Group đã công bố chiến lược tập trung phát triển ngành thịt và có kế hoạch đưa cổ phiếu MML lên giao dịch trên thị trường UPCoM trong năm 2019. MML đã ra mắt sản phẩm thịt mát đầu tiên được chứng nhận với công nghệ chế biến đạt chuẩn châu Âu mang thương hiệu MEATDeli vào tháng 12/2018.